28/01/2019 17:00 GMT+7

Khó thở

Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng
Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng

Khó thở là khi bạn thở hơi ngắn hoặc thở khó khăn. Khó thở có thể xảy ra đột ngột (cấp tính) hoặc tiến triển từ từ theo thời gian (mạn tính).

Khó thở - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: readersdigest.ca

Khó thở là một cảm giác chủ quan khó chịu của người bệnh, với biểu hiện thường gặp thở nhanh hoặc khó khăn khi thở. Mọi người nói rằng họ cảm thấy gắng hít hơi, hơi thở ngắn hay không thở được nữa. Cảm giác lồng ngực bị thắt chặt lại và thở có thể gây cảm giác căng tức. Mọi người có thể cảm thấy khó thở khi họ chạy theo để bắt xe buýt hoặc vận động gắng sức hơn mức độ bình thường. Nhưng tốt nhất nên đến cơ sở chăm sóc y tế gần nhất nếu bạn cảm thấy khó thở, bởi vì biểu hiện này có thể tiềm ẩn một bệnh lý nghiêm trọng.

Khó thở là gì?

Khó thở là khi bạn thở hơi ngắn hoặc thở khó khăn. Khó thở có thể xảy ra đột ngột (cấp tính) hoặc tiến triển từ từ theo thời gian (mạn tính). Nguyên nhân của khó thở là do cơ thể cần nhiều hơn lượng oxy mà nó nhận được. Vì thế bạn thở nhanh hơn để tăng lượng không khí giàu oxy vào phổi. Từ phổi, oxy vào máu và được tim bơm khắp cơ thể.

Khó thở ảnh hưởng đến những ai?

Khó thở xảy ra nặng và đột ngột là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất để gọi cấp cứu hoặc nhập viện.

Khó thở xảy ra ở mọi người khi tập luyện, đặc biệt khi cơ thể thừa cân hoặc cân nặng không cân đối. Nhưng cảm giác khó chịu do khó thở xảy ra đột ngột hoặc bất ngờ có thể tiềm ẩn một tình trạng bệnh nặng. Tình trạng bệnh này này bao gồm viêm phổi xảy ra ở trẻ em hoặc người già, hen suyễn thường gặp ở trẻ em, người hút thuốc lá có nguy cơ cao bị bệnh tim và phổi, người già có thể mắc bệnh suy tim. Tuy nhiên, tất cả những điều này có thể ảnh hưởng đến bất kỳ lứa tuổi nào và khó thở cấp tính luôn luôn cần được chăm sóc y tế.

Làm thế nào xác định được khó thở?

Khó thở được đánh giá bằng hệ thống tính điểm được đưa ra bởi Hội đồng nghiên cứu y khoa mMRC.

1. Không khó thở.

2. Khó thở khi gắng sức mạnh, ví dụ như chạy.

3. Khó thở khi đi bộ lên dốc nhẹ.

4. Khó thở khi đi bộ bình thường trên đường bằng, phải dừng lại để thở.

5. Dừng lại để thở khi đi bộ vài phút trên đường bằng.

6. Khó thở nhiều đến nổi không thể ra khỏi nhà.

Nên kiểm tra như thế nào?

Các bác sĩ sẽ muốn biết nhiều thông tin về quá khứ của bạn trước khi bạn trở nên khó thở.

- Khó thở xảy ra đột ngột hay tiến triển theo thời gian? Có điều gì gây cơn khó thở không?

- Bạn có thể đi bộ được bao xa? Bạn chỉ khó thở khi di chuyển? Nó có tệ hơn khi nằm không?

- Bạn có cảm thấy không khỏe? Bạn có bị sốt, sút cân hay ho không? Bạn có thấy đau ở trong ngực không?

- Bạn có ho ra đờm (đàm) không? Đờm màu gì?

- Bạn có bị sút cân, ho ra máu, có từng tiếp xúc với ai bị lao gần đây không?

- Bạn có vừa bị nằm bất động trên giường hay ngồi lâu sau một chuyến bay dài không?

- Bạn có hút thuốc không?

Những chi tiết trên sẽ giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán. Bác sĩ sẽ khám cho bạn. Họ sẽ kiểm tra tim, bao gồm đo huyết áp và phổi. Bạn có thể được yêu cầu đo chức năng của phổi bằng lưu lượng đỉnh kế. Bạn có thể được chụp X-quang lồng ngực. Làm các xét nghiệm máu xem có thiếu máu không, suy chức năng tuyến giáp hay suy tim. Đôi khi cần các xét nghiệm chuyên sâu khác về tim và phổi để có thể truy tìm nguyên nhân.

Nguyên nhân gây khó thở?

Khó thở ngắn hạn/ gần đây (cấp tính) có thể gây ra bởi:

- Hen suyễn: Tiếng khò khè và thở hụt hơi. Nó có thể được khởi phát khi bị cảm lạnh (nhiễm virus) hay dị ứng (ví dụ sốt cỏ khô).

- Viêm phổi: Tình trạng nhiễm trùng phổi nghiêm trọng làm bạn thấy khó thở. Bạn cảm thấy bị ốm, có sốt và ho khạc đờm xanh không.

- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD): Tình trạng bệnh phổi gây ra khó thở và ho kéo dài. Đường thở bị viêm và hẹp lại. Bệnh có thể đột ngột xấu đi do hậu quả của nhiễm khuẩn đường hô hấp.

- Bệnh tim: Ví dụ như suy tim, do tim không bơm đủ lượng máu cần thiết. Bởi vì tim co bóp không có hiệu quả trong suy tim làm gia tăng áp lực máu trong lòng mạch đưa máu về tim (tĩnh mạch). Sự gia tăng áp lực này gây tích tụ dịch trong các mô của cơ thể. Theo trọng lực dịch dư thừa này gây ra hiện tượng sưng mắt cá chân.

- Thuyên tắc phổi do một cục máu đông trong mạch máu phổi. Thường là do có cục máu đông từ lòng mạch chi dưới, vốn thường biểu hiện trước đó đau, sưng bắp chân. Cục máu đông phát triển dần sau một thời gian dài bất động (ví dụ sau một chuyến bay dài) và trôi theo dòng máu đến phổi.

- Lo lắng có thể gây ra khó thở, cảm giác hoảng loạn, tim đập nhanh (đánh trống ngực) và đổ mồ hôi.

- Các nguyên nhân khác, bao gồm đau và thiếu máu có thể là nguyên nhân gây ra khó thở.

Khó thở từ từ (mạn tính):

Bạn thường hay cảm thấy khó thở và nó trở nên tiến triển nặng dần lên. Nguyên nhân thường gặp bao gồm:

- Béo phì và ít vận động thể lực.

- Hen suyễn không kiểm soát tốt.

- COPD, bệnh phổi do hút thuốc lá thường xuyên.

- Suy tim, khó thở tăng dần, phù mắt cá chân và khó thở tăng khi nằm. Suy tim thường gặp ở người lớn tuổi. Do sự co bóp của tim không hiệu quả.

- Các rối loạn nhịp tim, ví dụ nhịp tim đập bất thường (rung nhĩ) làm tim làm việc kém hiệu quả nên oxy không được bơm đi khắp cơ thể đủ. Điều đó có nghĩa, bạn cần phải thở nhanh hơn để nhận nhiều oxy vào phổi. Nhịp thở nhanh làm bạn thấy khó thở.

- Thiếu máu, không đủ lượng hemoglobin trong máu để vận chuyển oxy đến các tế bào. Điều này gây ra sự mệt mỏi và khó thở. Xuất huyết tiêu hóa cũng là nguyên nhân khác phổ biến của những người lớn tuổi.

Điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra khó thở. Bạn sẽ được khuyến cáo cai thuốc lá nếu bạn đang hút thuốc. Bạn có thể được giới thiệu đến một chuyên gia về tim mạch (bác sĩ chuyên khoa tim mạch) hoặc một chuyên gia về phổi (bác sĩ chuyên khoa hô hấp) để làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu khác tùy thuộc vào nguyên nhân gợi ý. Hầu hết các trường hợp sẽ được theo dõi điều trị bởi bác sĩ đa khoa nhưng bạn cũng có thể được đề nghị làm xét nghiệm chuyên sâu thêm và điều trị tại bệnh viện.

Bạn làm gì nếu thấy khó thở?

- Cố gắng không để hoảng sợ, nếu có thể.

- Gọi số 115 nếu khó thở nặng và cấp tính.

- Gọi cho bác sĩ đang theo dõi điều trị bệnh của bạn (nếu có).

- Sử dụng ống hít nếu bạn bị hen.

- Sử dụng oxy nếu bạn đang dùng nó (thở oxy tại nhà).

Bạn nên làm gì tiếp theo?

Bạn nên gọi cấp cứu khi cơn khó thở xảy ra bất ngờ và nguy cấp kéo dài hơn vài phút. Hoặc gọi cho bác sĩ đang điều trị bệnh của bạn.

Làm thế nào phòng tránh khó thở?

Bạn cần tìm ra nguyên nhân và cố gắng giải quyết nó nếu có thể. Không hút thuốc, hoặc khám tư vấn cai thuốc lá bởi vì các bệnh lý phổ biến gây ra khó thở thường nhiều ở những người hút thuốc. Nếu bạn duy trì được cân nặng bình thường và tập thể dục thường xuyên, bạn sẽ ít có nguy cơ bị khó thở.

Tiên lượng như thế nào?

Điều này phụ thuộc vào nguyên nhân khó thở nhưng nhìn chung là tốt. Những người liên quan đến hút thuốc lá nếu còn tiếp tục hút thuốc, có xu hướng bị khó thở nhiều hơn. Một vài người khó thở sẽ cần đến thở oxy./.


Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên