Bệnh nhân ngộ độc rượu phải nhập viện cấp cứu
Thời gian gần đây rất nhiều vụ ngộ độc nghiêm trọng đã xảy ra do uống phải rượu chứa cồn công nghiệp methanol.
Đơn cử như mới đây, Bệnh viện Bạch Mai đã phải cấp cứu một trường hợp bệnh nhân Trần Xuân Đ. (57 tuổi, ở Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội) bị ngộ độc methanol rất nặng do uống rượu không rõ nguồn gốc mua ở một quán gần nơi trọ. Một ngày sau khi uống rượu, bệnh nhân xuất hiện kích thích, đau đầu, nhìn mờ sau đó hôn mê sâu. Khi được chuyển tới cấp cứu tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu, bệnh nhân đã được xác định ngộ độc methanol dẫn tới tụt huyết áp, suy gan, suy thận. Lượng methanol trong máu lên tới 169 mg/dL, trong khi nồng độ này chỉ ở mức 20 mg/dL đã là rất nặng phải lọc máu.
Trước đó, chỉ trong vòng 5 ngày, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận tới 3 trường hợp bị ngộ độc rượu chứa methanol rất nặng; cả 3 bệnh nhân đều tử vong .
Theo ThS. BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai: Trước và sau Tết nguyên đán là thời điểm số ca ngộ độc rượu tăng đáng kể. Tại thời điểm này, hầu như ngày nào Trung tâm Chống độc cũng tiếp nhận những bệnh nhân ngộ độc rượu vào cấp cứu, trong đó không ít bệnh nhân quá nặng không thể qua khỏi.
Lợi dụng nhu cầu sử dụng bia, rượu tăng nhanh thời điểm Tết Nguyên đán cận kề, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu đã trà trộn, sử dụng cồn công nghiệp methanol để pha chế rượu hòng trục lợi.
Theo các chuyên gia, nguy hiểm là ở chỗ, rất khó để có thể phân biệt được rượu an toàn và rượu chứa cồn methanol.
Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, cho biết: Nếu nhìn bằng mắt, ngửi hoặc nếm thì khó biết được rượu chứa hàm lượng methanol cao hay không. Tuy nhiên, trong dân gian có hai cách phân biệt rượu thật và giả là bằng cảm quan và thử rượu trực tiếp.
Đối với cảm quan bên ngoài, chai rượu phải có đầy đủ nhãn mác, thông tin như tên sản phẩm, địa chỉ của nhà sản xuất, địa chỉ của nhà nhập khẩu... Bên cạnh đó, người dân có thể ngửi để phân biệt, nếu mùi cồn thơm, cay nồng là rượu nấu an toàn.
Có một cách phân biệt có thể áp dụng khá chính xác đó là có thể đổ một ít rượu ra lòng bàn tay rồi xoa hai bàn tay với nhau, nếu thấy dính là rượu không tốt, còn nếu bay hơi hết là rượu tốt. Nếu rượu có chứa methanol thường có vị hơi ngọt.
Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo để tránh uống phải rượu có chứa cồn công nghiệp, người dân cần sử dụng rượu có nguồn gốc rõ ràng, rượu của những cơ sở có thương hiệu uy tín và không sử dụng những loại rượu trôi nổi trên thị trường.
Methanol hay còn gọi là cồn công nghiệp là một chất gây độc cho cơ thể. Methanol khi vào trong cơ thể sẽ được chuyển hóa thành chất độc hơn, phát tác chậm, sau khi uống rượu 1-2 ngày các biểu hiện mới rõ rệt như hôn mê, mắt nhìn mờ, tổn thương gan, thận, chảy máu não… Dù uống liên tục với liều không cao nhưng lâu dần, methanol cũng sẽ được tích lũy gây các tổn thương cho người bệnh, thậm chí gây tử vong. Khi bị ngộ độc methanol nặng, dù có qua khỏi nhưng bệnh nhân vẫn phải chịu những di chứng ở não và mắt, thậm chí dễ mất khả năng lao động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận