05/09/2011 05:35 GMT+7

Khổ luyện và tình yêu

HÀ THANH ghi - (Theo lời kể của nghệ sĩ múa Đặng Hùng)
HÀ THANH ghi - (Theo lời kể của nghệ sĩ múa Đặng Hùng)

TT - Tôi và Linh bắt đầu nuôi dưỡng tình yêu mãnh liệt của đời mình - nghệ thuật múa - từ những bước chân đầu tiên ngập ngừng lướt trên mặt sàn tập ở Khu văn công Mai Dịch (Hà Nội).

w183ytxM.jpgPhóng to

NSƯT Đặng Hùng - Vương Linh (từ phải sang) và hai con trong một bữa ăn chung với nhau hiếm hoi - Ảnh do nhân vật cung cấp

Đó là những lời tự sự của nghệ sĩ ưu tú Đặng Hùng về cuộc đời mình với người bạn đời Vương Linh.

Ngã rẽ

Ngày nhỏ, tôi bơi cực giỏi và luôn mơ được làm thiếu sinh quân. Giao thông thời đó còn khá khó khăn mà trường dạy thiếu sinh quân ở tận huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng. Chị tôi khuyên tôi và cậu em sinh đôi Đặng Văn Sơn chọn học ở một trường gần nhà. “Để khi nào chị nhớ các em, chạy đến là có thể ôm các em vào lòng” - chị nói.

Bố mất sớm, mẹ tất bật buôn bán nuôi tám miệng con. Chị tôi thay mẹ chăm sóc và quản lý tất cả các em. Chị đưa chúng tôi đến thi tuyển lớp diễn viên môn nghệ thuật múa khóa 9 của Trường Múa Việt Nam ở Khu văn công Mai Dịch, cách nhà khoảng 9km. Cả hai đều trúng tuyển.

Chị vui mừng khi đỡ được cho mẹ hai gánh nặng cơm áo. Chúng tôi đành mang nỗi ấm ức, ngượng ngùng con - trai - mà - phải - múa để đi học. Cuối tuần về nhà, chúng tôi giấu biệt bọn bạn về lý do vắng nhà.

Sau đó, lớp tôi được chuyển lên huyện Tam Nông, tỉnh Vĩnh Phú (nay tách thành tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ). Gần 13 tuổi, tôi bắt đầu làm quen với cuộc sống tập thể, với cảm giác xa nhà. Không còn được chiều chuộng, tôi loay hoay tự giặt quần áo, tự gấp chăn màn, sắp xếp và dọn dẹp đồ dùng cá nhân.

Vào sàn tập tôi mới thấy có rất nhiều anh to cao, khỏe mạnh đang say mê múa. Họ chẳng có dáng vẻ ngượng ngùng như tôi. Những bước chân đầu tiên trên sàn tập bớt e dè hơn. Ở đó tôi gặp Linh. Cô bé con nhà nòi xinh xắn, từng rong ruổi theo cha mẹ biểu diễn nghệ thuật rày đây mai đó. Cuộc sống tập thể nhanh chóng đưa chúng tôi đến gần nhau.

Cày như điên

Linh và tôi nằm trong bốn người tốt nghiệp khóa 9 được chọn sang Nga học chuyên về huấn luyện múa ballet tại Trường đại học Sân khấu Matxcơva. Mùa đông, nhiệt độ có khi giảm xuống -18, -20OC. Tuyết rơi kín lối đi, bám đầy ngoài cửa sổ. Khi người đi đường khoác những chiếc áo lông dày cộm, mang những đôi giày bốt cao thì chúng tôi mặc áo thun mỏng, uốn người trên những thanh xà ngang và thực hiện những kỹ thuật lướt, nhảy, xoay người trên sàn tập. Mỗi khi hoàn thành xong bài tập, ai nấy đều ướt đẫm mồ hôi.

Chế độ tập luyện, ăn uống khắc nghiệt cùng những động tác khó càng dẫn chúng tôi dấn sâu hơn trong niềm đam mê múa.

Chúng tôi cùng nấu những bữa cơm gia đình, chia sẻ với nhau những điều xảy đến trong khoảng thời gian riêng tư ít ỏi còn lại. Tình yêu đến tự lúc nào dù tôi chưa một lần ngỏ lời. Chúng tôi yêu nhau tự nhiên như hơi thở. Ngày cưới diễn ra ở ký túc xá Matxcơva, chỉ có bạn bè tham dự. Suốt ba ngày các bạn cùng chúng tôi nấu ăn, hát, trò chuyện.

Tôi nhớ khi Linh mang thai, chúng tôi vẫn không ngừng khổ luyện. Tôi vẫn vô tư dìu Linh trong những động tác tung người, lướt nhanh và uốn quặt người. Khi bước lên sân khấu, với ánh đèn và nhạc, chúng tôi không còn lưu tâm điều gì khác. Nhiều lần Linh nôn thốc nôn tháo sau những vũ điệu mà chẳng đứa nào biết để giữ gìn, bảo vệ con.

Đến tháng thứ năm, hai vợ chồng còn sang Ba Lan lưu diễn. Bảy tháng, Linh trở dạ. Con ra đời chỉ vỏn vẹn 2kg, nhỏ như viên kẹo, phải nằm lồng kính. Một tháng sau tôi mới nhìn thấy mặt con.

Ngày đón con về, các bạn ở ký túc xá đến từ nhiều quốc gia: Việt Nam, Bulgaria, Ba Lan, Tiệp Khắc (cũ)... giăng một băngrôn lớn “Chúc mừng Linh Nga trở về”. Họ vẽ một bức tranh bé gái đang cười bằng họ tên con: Đặng Linh Nga. Ai đến thăm cũng mang theo một món quà nhỏ. Chúng tôi nhiều lần giở chiếc khăn quấn con để họ nhìn ngắm như một búp bê nhỏ. Khi mọi người về hết thì con đã sốt vì cảm lạnh.

Hoa hồng và gai

Chúng tôi về nước được ba tháng thì gửi con cho ông bà ngoại. Hai vợ chồng đi diễn suốt từ Bắc chí Nam. Đọc thông tin về con qua những lá thư do ông bà ngoại gửi, hai vợ chồng nhiều lần bật khóc. Đến một ngày trở về nhà, tôi sững người nghe con bập bẹ gọi mình bằng chú.

Thời gian sau, gia đình tôi chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Ngoài khoảng thời gian tập luyện bắt buộc mỗi ngày, tôi chở Linh đi chợ, nấu cơm. Gần như chúng tôi tập múa và biểu diễn liên tục từ sáng đến khuya. Những lúc rảnh, hai vợ chồng cùng nhau biên đạo các tiết mục múa sử dụng kỹ thuật ballet trong khiêu vũ, được lồng ghép nội dung là những câu chuyện tình yêu. Chúng tôi tự thiết kế từng trang phục biểu diễn.

Trên chiếc xe đạp lọc cọc, vợ chồng ôm chiếc máy cassette đi diễn từ sô lớn đến sô nhỏ khắp ngóc ngách Sài Gòn. Có những đêm chúng tôi diễn 13 sô. Giờ nghĩ lại cũng không hiểu sao mình chạy đua kịp như thế. Chúng tôi còn hơn vợ chồng hay bạn diễn thông thường bởi chúng tôi đồng hành trong mỗi bước đường xa, trong mỗi nỗi đau và hạnh phúc.

Sau tám năm trụ được ở Sài Gòn, chúng tôi bắt đầu bồi dưỡng lớp trẻ kế nghiệp. Quan điểm của hai vợ chồng là đối với học trò như con, dạy học trò như con. Thành công của mỗi học trò là niềm tự hào lớn. Khi đam mê của các em lớn dần lên cùng những kỹ thuật múa điêu luyện, chúng tôi cảm thấy niềm đam mê trong mình cũng đang cộng dồn và lớn dần lên.

HÀ THANH ghi - (Theo lời kể của nghệ sĩ múa Đặng Hùng)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên