Phóng to |
Thư ngỏ xét nghiệm gen đánh giá tiềm năng thể thao (Sport-Bionet) trên trang web của Liên đoàn Điền kinh VN |
Đó là Công ty cổ phần công nghệ sinh học Bionet VN với dịch vụ xét nghiệm gen đánh giá tiềm năng thể thao mang tên Sport-Bionet. Theo lời giới thiệu, công ty này sẽ phân tích nhiều gen khác nhau có liên quan đến tố chất thể thao quan trọng của từng người để từ đó xác định khả năng chơi thể thao của họ.
Gen “tiềm năng thể thao”
"Chúng tôi đã xét nghiệm miễn phí bốn vận động viên điền kinh đã có thành tích cao và một mẫu đối chứng (là một người bình thường). Tất cả kết quả đều được các chuyên gia có liên quan đánh giá là sát với thực tế" |
Ông Hùng chia sẻ qua giới thiệu của bác sĩ này, được biết Công ty Bionet có khả năng xét nghiệm gen mà biết được VĐV có tố chất, tài năng hay không nên Liên đoàn Điền kinh đã mang mẫu gen của một số VĐV tài năng của VN như Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, Trần Huệ Hoa, Dương Thị Việt Anh đi xét nghiệm. Các mẫu này bước đầu Liên đoàn Điền kinh VN chỉ muốn làm để kiểm tra tính xác thực mà công ty này giới thiệu, sau đó mới có phương án cụ thể. Với mức giá 6,8 triệu đồng/mẫu, sau 30 ngày công ty gửi kết quả đến Liên đoàn Điền kinh.
Tuy nhiên, thật bất ngờ khi lên trang web của Liên đoàn Điền kinh VN ở địa chỉ: www.dienkinh.vn, Liên đoàn Điền kinh VN còn làm một thông báo gửi đến các liên đoàn địa phương giới thiệu phương pháp xét nghiệm gen này. Thông báo ghi: “Liên đoàn Điền kinh VN phối hợp với Công ty CP công nghệ sinh học Bionet VN ứng dụng công nghệ gen vào công tác tuyển chọn ban đầu thông qua việc xét nghiệm gen đánh giá tiềm năng thể thao”.
Xét nghiệm... chọn ngôi sao
Từ những thông tin này, chúng tôi tìm hiểu về những lời giới thiệu của Bionet. Công ty này khẳng định sẽ xét nghiệm “18 gen khác nhau có liên quan đến thành tích thể thao” để phân tích các tố chất: sức bền, sức nhanh, sức mạnh, khả năng hồi phục sau luyện tập, nguy cơ bị chấn thương của mỗi người. Kết quả xét nghiệm giúp đánh giá được tố chất thể thao của một cá nhân, từ đó làm cơ sở để xây dựng chế độ luyện tập, đào tạo và chăm sóc hợp lý nhằm phát huy tối đa sở trường của cá nhân đó. Rộng hơn, xét nghiệm Sport-Bionet góp phần nâng cao chất lượng tuyển chọn VĐV thể thao ngay khi còn trẻ cũng như định hướng đào tạo, sử dụng trong tương lai... Bionet đưa ra ví dụ về một loại gen thể thao được nghiên cứu rất kỹ và cũng được phân tích trong báo cáo này, đó là gen ACTN-3 (alpha-actinin-3).
"Khả năng đặc biệt của con người trong lĩnh vực thể thao phụ thuộc vào hai yếu tố: gen và môi trường" |
Có giá trị tham khảo
Tuy nhiên, TS Trần Văn Khoa - trưởng phòng công nghệ gen và di truyền tế bào Học viện Quân y - khẳng định: “Dù việc phân tích gen để đánh giá khả năng làm VĐV thể thao có cơ sở khoa học nhất định, nhưng việc lựa chọn VĐV không ở đâu chỉ dựa suông vào yếu tố này”. TS Khoa cho biết thêm: “Bình thường lựa chọn VĐV phải dựa vào năng khiếu hay sự phát hiện từ câu lạc bộ, sự đam mê của VĐV và yếu tố phân tích gen có giá trị tham khảo ý nghĩa. Nếu nói có 18 gen quy định các phẩm chất của VĐV thì tôi có thể nói ngay là kết luận này không đúng hẳn, vì trong hàng nghìn gen còn có nhiều gen khác quy định khả năng phát triển thể thao thành tích nhưng vẫn còn tiềm ẩn mà khoa học chưa tìm ra được”.
Do đó, “có thể khẳng định việc xét nghiệm gen cũng là một trong những phương pháp để đánh giá, phân loại VĐV tài năng. Tuy nhiên gen chỉ là một trong rất nhiều yếu tố quy định tố chất của VĐV, không thể chỉ căn cứ vào xét nghiệm gen mà nói rằng VĐV này có tài năng hay không để sàng lọc” - TS Vũ Thái Hồng, viện trưởng Viện Khoa học TDTT, khẳng định.
TS Nguyễn Văn Lỷ, giám đốc Trung tâm Doping và y học thể thao VN, bổ sung thêm: “VĐV muốn thành danh không chỉ căn cứ trên gen, nếu có gen tốt, có nhiều yếu tố tốt nhưng không có HLV giỏi, chế độ dinh dưỡng tốt, phương pháp tập luyện khoa học thì gen có tốt cũng bằng không”. GS Dương Nghiệp Chí, nguyên viện trưởng Viện Khoa học TDTT, cung cấp thêm thông tin: “Chưa có nơi nào trên thế giới, kể cả Mỹ, có thể căn cứ vào gen để đánh giá, sàng lọc VĐV. Việc công ty nào đó nói thu 6-7 triệu đồng/mẫu để xét nghiệm VĐV nào có sức bền, sức nhanh, sức mạnh, xem VĐV đó có thể trở thành VĐV tài năng hay không là không ổn”.
Một chuyên gia về công nghệ sinh học của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) đưa ra một lưu ý rất đáng quan tâm là một số công trình nghiên cứu về gen ACTN-3 nhận thấy gen này thể hiện rõ ở nữ về sức bền, trong khi ở nam lại không liên quan nhiều. Vì vậy, “có thể dùng phương pháp này ở trẻ em để phát hiện những em có tiềm năng, từ đó đào tạo theo đúng sở trường của từng em. Còn đối với những người đã thành niên thì phương pháp này không có nhiều ý nghĩa. Vì cho dù một người nào đó có gen phù hợp nhưng không có chế độ dinh dưỡng tốt, thể chất yếu kém thì không thể chơi thể thao giỏi và ngược lại”- một chuyên gia nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận