27/07/2017 16:30 GMT+7

Khó chuyển đổi công năng sà lan chở cát

 S.LÂM - K.TÂM - H.NGUYỄN
S.LÂM - K.TÂM - H.NGUYỄN

TTO - Với nhiều chủ sà lan đang vận chuyển cát, phải mở rộng chuyển đổi công năng sà lan sang các mặt hàng khác để tồn tại là vấn đề sống còn hiện nay nhưng vẫn chưa có hướng ra.

Sà lan đậu chờ lấy cát tại một mỏ cát trên sông Cổ Chiên (Bến Tre), trong đó có sà lan nằm chờ trên 10 ngày nhưng chưa có hàng - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Ông Lưu Quang Trường, một doanh nghiệp vật liệu xây dựng ở Châu Thành (Tiền Giang), cho hay đa số các sà lan tải trọng lớn hiện nay vẫn chủ yếu dùng chuyên chở cát, như trường hợp doanh nghiệp của ông chiếm tới 70% khối lượng chuyên chở.

Sà lan không tự hành, chỉ để chở cát, vật liệu

Cát có khối lượng lớn, trước đây nhu cầu chở cát từ thượng nguồn sông Tiền, sông Hậu về rất lớn, nhưng nay đã giảm mạnh trong khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa khác vẫn chưa có.

Mặt khác, việc chuyển đổi công năng của sà lan cũng không dễ dàng. Đa số sà lan được đóng là không tự hành (không có động cơ, khi di chuyển phải dùng tàu kéo) với mục đích chuyên chở vật liệu xây dựng, máy móc, công trình. 

“Nhu cầu nhiều nhất của sà lan không tự hành ở miền Tây vẫn chủ yếu là thuê để chở cát. Khi nguồn cát ít đi, nhu cầu của sà lan không tự hành cũng giảm sút, rất khó để kiếm các thị phần hàng hóa tương tự thay vào” - ông Tĩnh (chủ một cửa hàng vật liệu xây dựng ở Chợ Gạo, Tiền Giang) giải thích.

Số lượng sà lan đóng mới giảm mạnh

Ông Nguyễn Văn Phúc (trưởng Phòng đăng ký phương tiện vận tải và người lái tỉnh Long An) cho biết sà lan cũng được xem như các phương tiện vận tải khác, đều được đăng ký mỗi khi đóng mới hoặc chuyển nhượng, chuyển địa bàn hoạt động... 

“6 tháng đầu năm 2017, việc đăng ký sà lan đóng mới trên địa bàn tỉnh Long An giảm hẳn so với giai đoạn trước. Chỉ 134 sà lan được đăng ký mới, giảm gần 50 chiếc so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy nhu cầu sà lan hiện tại đang có dấu hiệu chững lại” - ông Phúc nói.

Còn theo Phòng quản lý vận tải phương tiện và người lái - Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng, số lượng đăng ký hoạt động sà lan (chở hàng khô) thời gian qua giảm đáng kể, từ đầu năm đến nay chỉ đăng ký mới 8 chiếc, trong khi so với cùng kỳ năm trước, con số này từ 15 - 20 chiếc. 

“Tổng số sà lan đăng ký là 114 chiếc, còn trong thực tế hoạt động bao nhiêu chiếc không thể nắm được” - một cán bộ của phòng này thừa nhận.

Giảm 55.000 phương tiện

Ông Tống Hoàng Kha - giám đốc Trung tâm kiểm định kỹ thuật phương tiện, thiết bị giao thông thủy bộ TP Cần Thơ - cho biết theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến nay tổng số lượng phương tiện đường thủy nội địa của 13 tỉnh ĐBSCL là 189.551 (bao gồm chở khách và hàng hóa).

“Theo số liệu thống kê phương tiện thủy nội địa đến nay đăng ký mới khoảng 500 phương tiện. Trong khi đó, tổng số lượng phương tiện giảm đi là hơn 55.000 phương tiện, do nhiều nguyên nhân khác nhau và được các đơn vị rà soát báo cáo Bộ GTVT. Riêng khu vực ĐBSCL, số lượng phương tiện thủy nội địa giảm ở 12 tỉnh thành. Chỉ duy nhất tỉnh Kiên Giang mới có số lượng phương tiện tăng” - ông Kha thông tin.

S.LÂM - K.TÂM - H.NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên