27/07/2017 10:16 GMT+7

'Đói' cát, dân Miền Tây ào ạt rao bán sà lan

NHÓM PHÓNG VIÊN ĐBSCL
NHÓM PHÓNG VIÊN ĐBSCL

TTO - Hàng ngàn sà lan tải trọng 500 - 1.000 tấn, trị giá hàng ngàn tỉ đồng, đã được người dân khu vực ĐBSCL rao bán tháo hoặc cho thuê thời gian gần đây do đói… cát và áp lực trả nợ vay ngân hàng.

Ông Trần Công Lập - chủ doanh nghiệp tư nhân Công Lập - đang rao bán bớt sà lan tải trọng 1.200 tấn với giá 4 tỉ đồng, đang neo đậu cặp chân cầu Cần Thơ vì ế đơn đặt hàng - Ảnh: Hạnh Nguyễn

Theo ông Phạm Thanh Tùng, đại diện của ứng dụng giao dịch vận tải IZIFIX, tính từ đầu năm 2017 đến nay, lượng tin rao bán sà lan, tàu sông lên tới 1.277 phương tiện, tăng 300% so với cùng kỳ 2016. Ngoài ra, lượng tin rao cho thuê sà lan, tàu sông là 250 phương tiện.

“Đói” cát, chủ sà lan điêu đứng

Những ngày cuối tháng 7, trên các tuyến sông khu vực ĐBSCL không còn cảnh nhộn nhịp sà lan của giới buôn cát như trước.

Men theo dòng sông Hậu qua địa bàn TP Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long, đập vào mắt chúng tôi là những sà lan trống trơ đang neo đậu vì “đói hàng”.

Nằm lắc lư trên chiếc sà lan 500 tấn ký hiệu ST-34xx tại mé sông Hậu, ông Nguyễn Văn Tư (Sóc Trăng) cho biết trước đây chạy 8 - 10 chuyến hàng/tháng nhưng nay chỉ còn 3 - 4 chuyến.

“Tôi đi vay ngân hàng đóng chiếc sà lan này hết 4 tỉ đồng, giờ chạy kiểu này chỉ đủ tiền đóng lãi và chịu lỗ nhân công, xăng dầu chứ đừng nói tới chuyện có tiền trả nợ gốc” - ông Tư than.

Tại kênh Chợ Gạo (Tiền Giang) - một trong những cửa ngõ chính lưu thông cát của các tỉnh miền Tây - vào sáng 25-7 cũng không còn cảnh những sà lan đầy vun cát nối đuôi nhau tấp nập xuôi dòng như trước.

“Từ khi siết lại việc khai thác cát, lưu lượng sà lan chở cát qua đây chỉ còn khoảng 40% so với trước” - một cán bộ cảnh sát giao thông đường thủy làm nhiệm vụ trên đoạn sông này cho hay.

Theo ông Lưu Quang Trường - người có 4 sà lan và là chủ một doanh nghiệp vật liệu xây dựng ở Châu Thành (Tiền Giang), thời gian qua hầu hết các doanh nghiệp đều lấy nguồn cát trôi nổi để kinh doanh.

“Trước đây việc tìm kiếm nguồn cát rất dễ. 4 sà lan của tôi gần như hoạt động hết công suất vẫn đầy đủ cát. Giờ chỉ còn đủ mối cát để hai chuyến hoạt động thường xuyên” - ông Trường kể.

Ông Nguyễn Văn Tư khẳng định có ít nhất gần một nửa chủ phương tiện tại khu vực sông Hậu này đang rao bán sà lan.

“Chở cát không nguồn gốc, bị bắt là mất trắng trong khi thị trường èo uột thế này, có mấy chiếc sà lan cũng phải bán. Vì không bán tiền đâu đóng lãi, không đóng thì ngân hàng xiết nợ. Giá cát mà không ổn định trở lại, chắc tôi cũng phải rao bán sà lan luôn” - ông Tư nói.

Nhiều tài công chờ đợi rất lâu trên sà lan để lấy cát tại một mỏ cát trên sông Cổ Chiên, Bến Tre - Ảnh: Mậu Trường

Rao bán cũng chẳng ai mua

Ông Nguyễn Hùng Phát, giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Hùng Phát (Sóc Trăng), cho biết chưa bao giờ các doanh nghiệp kinh doanh cát khó khăn như hiện nay.

“Do nhiều công trình ngưng thi công vì thiếu cát, nhiều sà lan của các doanh nghiệp bị... trùm mền. Trước áp lực trả lãi tiền vay ngân hàng, một số doanh nghiệp rao bán hạ giá, chấp nhận lỗ nhưng cũng không ai mua” - ông Phát nói.

Theo ông Phát, vào thời kỳ “hoàng kim”, một chiếc sà lan tải trọng 1.000 tấn được định giá khoảng 3,5 tỉ đồng, còn bây giờ giảm giá 800- 900 triệu đồng/chiếc cũng không có ai mua.

“Siết chặt khai thác cát lậu, công trình ngưng thi công, sà lan không hoạt động nên rất nhiều doanh nghiệp kêu bán sà lan nhưng không ai thèm ngó ngàng tới” - ông Phát chia sẻ.

Tương tự, theo ông Trần Đỗ Liêm - chủ tịch HĐQT HTX Rạch Gầm (Tiền Giang), sau khi các tỉnh ĐBSCL tạm ngưng cấp phép mở mỏ cát mới và siết chặt việc khai thác cát, nhiều thành viên của HTX này gặp rất nhiều khó khăn nên đã rao bán sà lan nhưng không tìm được người mua.

“Mua về cũng không có cát để chở, bởi mỗi tháng chỉ chạy được vài chuyến, doanh thu không đủ bù chi phí” - ông Liêm nói.

Ông Tĩnh, một chủ cửa hàng vật liệu xây dựng có 7 sà lan ở huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), cho biết vào năm 2015, nhận thấy nhu cầu sà lan chở cát còn nhiều, ông Tĩnh mạnh dạn đăng ký vốn vay để đóng thêm 5 chiếc sà lan từ 600 - 1.000 tấn với vốn đầu tư 3 - 5 tỉ đồng/sà lan, nhằm cho thuê vận chuyển.

Sau thời gian đầu hoạt động có lợi nhuận, nhưng gần đây đội sà lan của ông Tĩnh phải “trùm mền”.

Theo ông Tĩnh, hầu hết những người đầu tư sà lan gần đây đều vay ngân hàng nên chịu áp lực trả vốn gốc và lãi, buộc phải rao bán sà lan.

“Một chiếc sà lan tải trọng 1.000 tấn đóng mới phải đầu tư khoảng 5 tỉ đồng nhưng tôi đang rao bán lại 2 chiếc với giá 4,5 tỉ đồng mà chưa thấy ai hỏi mua” - ông Tĩnh nói, đồng thời cho biết việc rao bán sà lan là chẳng đặng đừng.

Theo ông Tĩnh, nhiều chủ sà lan khác cũng đang tính toán bán sà lan để chuyển nghề, chứ khó duy trì bởi áp lực trả nợ vay rất lớn. Đây không phải là khó khăn kiểu giá cả thị trường lên xuống, mà có vẻ nguồn cát sẽ còn khan hiếm lâu dài.

Tìm cách chuyển nghề

Ông Nguyễn Quý Hiền (huyện Châu Thành, Bến Tre) cho biết vào cao điểm cách nay 3-4 năm, khi nguồn cát dồi dào và số lượng mỏ được cấp phép nhiều, gia đình ông có đến 4 chiếc sà lan loại 1.100 tấn, hai trong số đó được mua bằng vốn vay ngân hàng.

Nhưng khoảng 3 tháng trở lại đây, ông Hiền như ngồi trên đống lửa khi sà lan “nằm bờ” vì khan hiếm nguồn cát.

Mỗi tháng, mỗi chiếc chỉ chở vài ba chuyến rồi lại xếp hàng chờ đợi cả tuần tại các mỏ cát. Chịu không nổi chi phí thuê nhân công, ông Hiền đành bấm bụng bán tháo 1 chiếc sà lan với giá chỉ bằng một nửa so với lúc mua cách đây 3 năm và cho thuê 1 chiếc.

“Hiện tôi chỉ còn 2 chiếc nhưng cũng chạy lai rai, không đủ trả lãi vay. Nếu được giá tôi cũng sẽ bán mấy chiếc còn lại rồi chuyển nghề khác, chứ tình hình này khó trụ nổi” - ông Hiền thở dài nói.

Không chỉ rao bán trong giới làm ăn với nhau, nhiều chủ sà lan còn rao bán cả trên mạng. Tại một trang chuyên giao dịch phương tiện đường thủy mới được thành lập cách đây không lâu, chỉ cần chọn khu vực cần mua là hàng trăm phương tiện các loại xuất hiện cùng số điện thoại của chủ nhân.

Biểu đồ số phương tiện thủy nội địa của một số tỉnh ở Đồng bằng Sông Cửu Long đến tháng 7-2017 - Đồ họa: VĨ CƯỜNG
Biểu đồ số phương tiện thủy nội địa của một số tỉnh ở Đồng bằng Sông Cửu Long đến tháng 7-2017 so với cuối năm 2016 - Đồ họa: VĨ CƯỜNG

Gọi vào số 0902385xxx, chúng tôi được anh Lĩnh (quê Cần Thơ) - người rao bán sà lan chở cát tải trọng 1.700 tấn - cho biết: sà lan được đóng năm 2009 với giá 6 tỉ đồng và hiện đang neo ở TP.HCM.

“Anh bán để thu hồi vốn đầu tư chuyện khác. Sà lan của anh chuyên chở hàng khô, nếu em hỏi mua về chở cát đá thì rất tốt”.

Khi được hỏi về đầu tư chở cát trong tình hình khó khăn hiện nay, anh Lĩnh thừa nhận: “Đúng là vận chuyển cát đang gặp khó. Nhưng đâu biết được trước đâu em, lỡ sau này chở cát “ngon” trở lại thì sao (?)”.

Trong khi đó, anh Tài (quê Tiền Giang) cho biết muốn bán chiếc sà lan tải trọng 800 tấn được đóng cách đây hơn 2 tháng với giá 3,3 tỉ đồng, do… “nhiều quá nên bán bớt”.

NHÓM PHÓNG VIÊN ĐBSCL
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên