02/04/2009 06:20 GMT+7

Khó bảo lãnh tín dụng

MỸ KHANH
MỸ KHANH

TT - Từ đầu tháng 2-2009, Ngân hàng (NH) Phát triển VN (VDB) triển khai chương trình bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp (DN) vay vốn. Nhiều DN kỳ vọng chương trình này giúp họ tiếp cận được vốn NH để vượt qua khó khăn. Nhưng đến nay có rất ít DN hoàn tất được thủ tục để được bảo lãnh vay vốn NH.

6D0gxbOx.jpgPhóng to
Nhiều hợp tác xã, làng nghề hiện đang thiếu vốn nhưng khó vay ngân hàng vì không có tài sản thế chấp. Trong ảnh: phục hồi nhà rường ở làng nghề chạm khắc Nam Phổ, Thừa Thiên - Huế - Ảnh: N.C.T.

Theo số liệu của VDB, đến nay mới có 52 DN được thông báo chấp thuận bảo lãnh vay vốn với tổng số tiền trên 500 tỉ đồng, trong đó mới có 13 DN được cấp chứng thư bảo lãnh để được vay vốn NH.

Điều kiện khó quá

Ông Nguyễn Việt Cường, giám đốc Sở giao dịch 2 VDB tại TP.HCM, cho biết đã nhận khá nhiều hồ sơ xin bảo lãnh vay vốn nhưng đa số chưa đủ điều kiện được bảo lãnh, chủ yếu là do phương án vay không khả thi. Chẳng hạn, phương án sản xuất kinh doanh vay vốn ngắn hạn quy định cho vay theo vòng luân chuyển của vốn và thường vòng luân chuyển là 6 tháng/lần nhưng DN lại muốn vay nhiều vòng trong một lần thì không được...

Thế nhưng, bà Nguyễn Thị Huê, chủ nhiệm Câu lạc bộ nữ doanh nhân Sài Gòn, giám đốc Công ty TNHH sản xuất - thương mại - dịch vụ Kim Hà, cho biết các DN trong Câu lạc bộ nữ doanh nhân Sài Gòn đều muốn vay theo chương trình này nhưng không thể tiếp cận được vì hầu hết đều có nợ cũ và thiếu tài sản thế chấp. Theo bà Huê, nếu VDB đã thẩm định và duyệt hồ sơ bảo lãnh thì không cần buộc DN phải thế chấp nữa. Nếu cứ theo điều này thì nguồn vốn vay khó đến đúng đối tượng, mục tiêu kích cầu khó đạt.

Nhiều DN cũng cho biết để được bảo lãnh, DN phải mất tối đa 20 ngày chờ NH thẩm định hiệu quả dự án kinh doanh, sản xuất. Đồng thời mất tối đa 60 ngày chờ NH nhận bảo lãnh thỏa thuận về việc thực hiện hay không nghĩa vụ bảo lãnh. Như vậy, DN phải mất nhiều tháng để chờ xem có được bảo lãnh hay không, khi đó cơ hội kinh doanh đã đi qua.

Vẫn đòi thế chấp

* Theo quyết định 14 của Thủ tướng Chính phủ về bảo lãnh tín dụng, VDB sẽ bảo lãnh cho các DN có vốn điều lệ tối đa 20 tỉ đồng, sử dụng tối đa 500 lao động vay vốn ngân hàng để sản xuất kinh doanh.

* Đến cuối tháng 3-2009, VDB đã ký thỏa thuận với 27 NH để cùng thực hiện cơ chế bảo lãnh tín dụng cho các DN.

Là một trong những NH tham gia ký kết nhưng đến nay NH Liên Việt vẫn chưa có khoản vay nào được giải ngân dưới sự bảo lãnh của VDB. Theo ông Đoàn Văn Thắng - phó tổng giám đốc NH Liên Việt, chương trình bảo lãnh của VDB dành cho các DN vay vốn của các NH với điều kiện thoáng hơn về thế chấp.

Tuy nhiên, các điều kiện áp dụng cho các DN thực hiện bảo lãnh của VDB là rất khó thực hiện. DN phải thỏa mãn các điều kiện để được bảo lãnh như: không có nợ quá hạn của NH, không nợ đóng thuế, phải dùng chính tài sản bảo đảm hình thành vốn vay của NH để làm thế chấp bảo đảm cho khoản bảo lãnh của VDB... “Trong tình huống này, DN đã được vay đâu mà có tài sản hình thành từ vốn vay để thực hiện bảo lãnh cho VDB” - ông Thắng nói.

Phó tổng giám đốc một DN ngành điện tử ở TP.HCM nhận xét: “Điều kiện để được bảo lãnh vẫn còn quá chặt. VDB vừa yêu cầu thẩm định hiệu quả phương thức kinh doanh, khả năng trả lãi và hoàn vốn, vừa yêu cầu DN phải thế chấp 100% giá trị tài sản hình thành từ nguồn vốn vay được bảo lãnh và 10% vốn chủ sở hữu”. Nhiều DN cho rằng nếu NH đã thẩm định và duyệt hồ sơ bảo lãnh thì không cần thiết bắt buộc DN phải thế chấp nữa. Nếu vừa thẩm định vừa buộc thế chấp là do các NH chưa tự tin vào năng lực thẩm định của mình. Như vậy, nguồn vốn vay khó đến đúng đối tượng, mục tiêu kích cầu khó đạt được.

Một điểm quan trọng khác là khi DN tiếp cận với nguồn vốn này, ngoài lãi suất DN phải chịu với NH, họ phải chịu thêm mức phí bảo lãnh tối đa bằng 0,5%/năm/số tiền được bảo lãnh vay vốn. Đây là chi phí không nhỏ làm tăng chi phí của DN. Chính vì vậy, nhiều DN sau khi tìm hiểu chính sách bảo lãnh tín dụng đã phải suy tính rất kỹ trước khi nộp hồ sơ.

Gỡ khó sau!

Để tháo gỡ vướng mắc trong việc thực hiện cơ chế bảo lãnh tín dụng, ông Đoàn Văn Thắng cho rằng VDB cần sớm đề xuất với Chính phủ nới lỏng các điều kiện cho DN “như không cần yêu cầu các DN phải dùng chính tài sản hàng hóa hình thành từ vốn vay của NH để làm bảo đảm cho khoản bảo lãnh của VDB”.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Việt Cường, các chi nhánh của VDB cũng đã phản ánh một số vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình bảo lãnh nhưng quyết định 14 của Thủ tướng Chính phủ về bảo lãnh tín dụng vừa mới ban hành, thời gian cơ chế chưa đi nhiều vào cuộc sống mà đã đề nghị Chính phủ sửa đổi cũng khó. Trước mắt, VDB vẫn thực hiện theo quyết định 14 đồng thời tập hợp các ý kiến phản ảnh để có hướng dẫn chi tiết hơn trong việc nhận định đối tượng được vay.

Hiện nay xác định đối tượng vay vốn khó nhất vẫn ở chỗ DN đăng ký kinh doanh nhiều mảng khác nhau, khó phân biệt mảng nào được bảo lãnh vay vốn, mảng nào không... Thực tế, quyết định 14 quy định NH Nhà nước phải có hướng dẫn cho các NH trong việc thực hiện cơ chế lãi suất để đảm bảo làm sao cộng phí bảo lãnh vào lãi suất cho vay bảo lãnh không cao hơn lãi suất cùng loại tại NH. Tuy nhiên, đến thời điểm này NH Nhà nước vẫn chưa có hướng dẫn nên NH vẫn khó có thể triển khai nhanh chương trình này được.

MỸ KHANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên