05/03/2018 11:00 GMT+7

Khi VĐV theo nghiệp kinh doanh

H.ĐĂNG - T.PHÚC
H.ĐĂNG - T.PHÚC

TT - Bên cạnh con đường HLV thường thấy, nhiều VĐV kỳ cựu còn biết cách áp dụng chuyên môn, kinh nghiệm thể thao của mình trong công việc kinh doanh.

Ông Mai Văn Minh và cốt vợt, bóng do ông sản xuất -Ảnh: H.Đ.
Ông Mai Văn Minh và cốt vợt, bóng do ông sản xuất -Ảnh: H.Đ.

Chỉ mới ra đời một thời gian ngắn nhưng những thương hiệu Tiến Minh Sport, bóng bàn Mai Gia, Duẩn Bike... đã sớm trở nên phổ biến trong giới thể thao. Bởi lẽ, những ông chủ của các cửa hàng này đều là những VĐV lão làng hoặc cựu VĐV lừng danh một thời.

Khởi nghiệp từ 3 đời VĐV

Nói đến những dòng họ thể thao giàu truyền thống ở VN, nhiều người nghĩ ngay đến họ Mai của môn bóng bàn, từ ông tổ Mai Văn Hòa cho đến các ông Mai Văn Minh, Mai Văn Quang và một loạt các cô cháu gái thế hệ thứ 3 Mai Xuân Hằng, Mai Hoàng Mỹ Trang, Mai Tố Uyên... Họ Mai nổi tiếng trong cả thành tích thi đấu lẫn đào tạo. Riêng với ông Mai Văn Minh - cha cựu số 1 đơn nữ bóng bàn VN Mai Xuân Hằng, ông còn là người tạo dựng thương hiệu vật dụng bóng bàn Mai Gia.

Ông Minh thật ra không xa lạ với công việc kinh doanh. Cửa hàng vật dụng thể thao của ông đã xuất hiện nhiều năm qua ở Trung tâm thể thao Hoa Lư. Đến cách đây 1 năm, ông Minh quyết định tự đứng ra sản xuất banh, vợt và bàn bóng bàn. “Ai cũng biết trong giới bóng bàn nhà họ Mai chúng tôi rất có tiếng, vậy nên tôi quyết định xây dựng một thương hiệu vật dụng mang tên gia đình mình. Chuyện các VĐV nổi tiếng thành lập các thương hiệu vật dụng thể thao mang tên mình không hiếm. Như trong giới bóng bàn có Xu Shao Fa là một tay vợt Trung Quốc lừng danh, ngày nay thương hiệu thể thao mang tên ông ta cũng rất có uy tín” - ông Minh nói.

Sinh trưởng trong một đại gia đình toàn “cao thủ” bóng bàn, công việc kinh doanh của ông Minh cũng khá suôn sẻ. Ra mắt một loại banh, ông Minh đưa cho các em cùng cháu của mình đánh thử, rồi cùng nhau góp ý để chỉnh sửa cho phù hợp. Cô con gái Mai Xuân Hằng của ông Minh (hiện mở lò bóng bàn ở Úc) còn thực hiện các đoạn video clip quảng cáo cho cha mình. Có nhiều mối quan hệ trong giới đam mê banh nhựa nên chỉ trong một thời gian ngắn, banh, vợt và các mặt bàn Mai Gia cũng đã phổ biến ở nhiều CLB bóng bàn khắp cả nước, từ TP.HCM cho đến Sóc Trăng, Nha Trang...

Tất nhiên, chỉ vừa gầy dựng một thời gian ngắn, thương hiệu vật dụng bóng bàn của nhà họ Mai chỉ mới phát triển ở những sân chơi phong trào, đó cũng là đối tượng ông Minh hướng tới. “Những trái banh tốt, đủ chuẩn 3 sao do các hãng danh tiếng nước ngoài sản xuất có giá tới 20.000-40.000 đồng/trái. Với các HLV mở lớp dạy trẻ thì như vậy hiệu quả kinh tế không cao, nên tôi muốn hướng đến đối tượng này với loại banh giá chỉ khoảng 5.000 đồng/trái”.

“Thợ sửa xe” Lê Văn Duẩn

Lê Văn Duẩn ráp xe đạp đua cho khách Ảnh: T.P.
Lê Văn Duẩn ráp xe đạp đua cho khách Ảnh: T.P.

Ở môn xe đạp, “vua nước rút” Lê Văn Duẩn của đội Anh văn Hội Việt Mỹ TP.HCM cũng chọn đáp án cho bài toán cuộc sống đời hậu VĐV là một cửa hàng sửa xe đạp đua nho nhỏ trên đường Bà Triệu (huyện Hóc Môn).

“Ở tuổi 31, tôi không còn nhiều thời gian với nghề cuarơ. Nếu bỏ xe đạp, tôi cũng không biết làm gì để nuôi vợ con. May mà từ nhỏ tôi đã mê sửa xe đạp và thường học lóm thợ máy của đội nên có chút nghề. Đầu năm 2017, tôi gom vốn liếng cả đời VĐV để mở một tiệm nho nhỏ. Ban đầu chỉ có vài ba cái sườn xe, ít phụ tùng để bán nhưng chủ yếu là ráp xe lấy công làm lời. Dần dà nhiều người biết đến và ủng hộ tôi nên có đỡ hơn” - Duẩn tâm sự.

Mới vào nghề, Duẩn mày mò tìm mối uy tín để đặt mua phụ tùng từ các đại lý ở nhiều nước vì ngành hàng này trong nước rất hạn chế. Đến nay, tiệm “Duẩn Bike” khá hoành tráng với đủ sườn xe, ghiđông, phụ tùng, trang phục tập luyện xe đạp... nhưng thu nhập cũng chỉ ở mức đủ trang trải chi phí thuê mặt bằng, tái đầu tư cửa tiệm.

Để “kéo khách”, Duẩn cũng thường xuyên quảng cáo sản phẩm của mình trên mạng xã hội. Anh còn hay tham gia các buổi giao lưu với giới mê xe đạp phong trào để mở rộng quan hệ, đồng thời cũng có thêm được khách quen. Dù vất vả, Duẩn vẫn không để việc kinh doanh ảnh hưởng đến phong độ và chỉ ra tiệm sau buổi tập. Đến tầm 17h, Duẩn đóng cửa về nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng cho buổi tập hôm sau.

“Nghề VĐV vẫn là ưu tiên số 1 bởi nó đã cho tôi mọi thứ trong cuộc sống. Nếu không có xe đạp, có lẽ tôi không có sự nghiệp hôm nay và cũng chẳng có cái nghề sửa xe này. Hiện thời làm hai việc một lúc có hơi cực nhưng tôi cũng phải cố vì gia đình mình, vì đứa con sắp đến tuổi ăn học” - Duẩn nói.

“Tuy nói là mình nổi tiếng, có nhiều quan hệ, nhiều người biết đến trong giới thể thao nhưng nếu không làm ăn chân chính, không tạo dựng được uy tín, chất lượng sản phẩm thì cũng chẳng ai mua đồ do VĐV nổi tiếng bán đâu” - ông Mai Văn Minh nói.

Ông chủ Tiến Minh

Sáng mùng 10 tháng giêng Mậu Tuất, người hâm mộ cầu lông thích thú khi tay vợt từng ở hạng 5 thế giới Nguyễn Tiến Minh vận quần áo đẹp để khai trương cửa hàng Tiến Minh Sport chuyên bán dụng cụ cầu lông của vợ chồng mình. Trông Tiến Minh ra dáng một ông chủ chính hiệu khi tạo clip chúc tết người hâm mộ và không quên “kéo khách” đến cửa hàng của mình bằng những phần khuyến mãi hấp dẫn.

Cửa hàng này là chỗ dựa mà vợ chồng Tiến Minh - Vũ Thị Trang xây dựng chuẩn bị cho đời hậu VĐV. Nhờ tên tuổi của họ, cửa hàng ngày càng được nhiều người ủng hộ sau hơn 1 năm hoạt động. Tiến Minh nói: “Công việc chủ yếu của vợ chồng tôi vẫn là tập luyện và thi đấu cầu lông. Tôi giao cửa hàng cho người nhà quản lý. Dù vậy, vợ chồng tôi cũng đã học được ít nhiều kinh nghiệm ở thương trường sau hơn 1 năm bước ra mở tiệm”.

Để tiện trông coi, Tiến Minh đã dời cửa hàng về nhà mình trên đường Triệu Quang Phục (quận 5). Điều này khiến khách hàng thích thú, bởi nếu may mắn họ sẽ được đích thân đôi vợ chồng lừng danh tư vấn bán hàng và cách chơi cầu lông.

H.ĐĂNG - T.PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên