Khi trẻ bị bắt cóc, cần phải làm gì?

ĐỨC THANH - HOÀNG ĐIỆP
ĐỨC THANH - HOÀNG ĐIỆP

TT - Trong thời gian từ tháng 8-2013 đến hết tháng 1-2014, báo Tuổi Trẻ nhận được hàng chục cuộc điện thoại yêu cầu trợ giúp liên quan đến việc nghi ngờ người thân là trẻ vị thành niên bị bắt cóc, bị dụ dỗ đi khỏi nhà...

Và không ít người dân phàn nàn về sự thiếu trách nhiệm của cơ quan công an trong việc tiếp nhận và xử lý vụ việc.

Dễ dàng bồng trẻ sơ sinh ra khỏi bệnh việnBắt cóc trẻ em vì không có con?

sCGi8Y37.jpgPhóng to
Cháu Quách Thu Tâm, lớp 1A4 và cháu Vương Tuấn Vỹ, lớp 2A2 Trường tiểu học Phú Tân (huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) bên mẹ, trong vụ "Hai học trò tiểu học vuột khỏi kẻ bắt cóc trong gang tấc" - Ảnh: Tịnh Ngọc

Khi chúng tôi nhắc lại vụ việc ông Nguyễn Hay (48 tuổi, quê quán tỉnh Quảng Ngãi) trình báo với Công an P.15, Q.10, TP.HCM là con gái ông tên N.T.H.V. (14 tuổi) đi học nhưng không thấy về nhà, có thể em V. đã bị bắt cóc, trung tá Trần Minh Thọ - trưởng Công an P.15, Q.10 - nhớ ngay lại hình ảnh ông Hay nằm “vạ” ở phường trong những ngày đầu ông này trình báo con gái bị bắt cóc.

Trung tá Thọ nói khi đó Công an P.15 lập hồ sơ và báo tình hình vụ việc về ban chỉ huy Công an Q.10. Tuy nhiên ông Hay cứ một mực đến công an phường phàn nàn, cho rằng công an phường không tiến hành điều tra và không báo cáo quận.

Vắng con, ai cũng sốt ruột

Ông Thọ nói: “Chúng tôi đã phải cho ông Hay số điện thoại của điều tra viên đang thụ lý vụ việc để ông Hay yên tâm. Trong lúc ông Hay nói chúng tôi không điều tra vụ việc thì các trinh sát của Q.10 đã âm thầm vào cuộc điều tra các mối quan hệ của cô V. con ông Hay.

Chúng tôi xác định cô này có mối quan hệ với một số người bạn không phải ở trường, thời điểm đó cô V. có thể đi theo bạn và hiện cô này chưa muốn về nhà.

Nhưng ông Hay luôn cho rằng con ông bị bắt cóc. Sau đó vài ngày, bằng biện pháp nghiệp vụ Công an Q.10 đã xác định cô V. đang ở Đồng Tháp cùng bạn và làm phục vụ trong một quán cà phê. Công an Q.10 đã đi Đồng Tháp đưa cô V. về trả cho gia đình.

Khi giao cô V. cho ông Hay, chúng tôi có nói ông Hay phải quan tâm đến con nhiều hơn. Tuy nhiên sau đó chúng tôi có nghe thông tin cô V. bỏ đi thêm một vài lần rồi tự về nhà”.

Ông Thọ cũng kể thêm rằng cách đây không lâu, có một bà mẹ đến gặp ông trình báo con gái bà bị bắt cóc và bà đã tìm đủ mọi nơi nhưng không thấy tung tích.

“Chúng tôi lập hồ sơ tiếp nhận, tuy nhiên do gia đình bà này quá nôn nóng nên đăng báo tìm con và hứa sẽ hậu tạ cho người giúp tìm được con.

Ngay sau đó bà này nhận được điện thoại của một người đàn ông nói đang giữ con gái bà, nếu bà đồng ý đưa 200 triệu đồng sẽ đưa con gái bà về. May mắn là bà mẹ này còn tỉnh táo đến trình báo với công an phường.

Và bằng biện pháp nghiệp vụ, Công an Q.10 đã xác định được số điện thoại của người đàn ông gọi đến tống tiền đang ở đâu. Sau đó công an đã bắt giữ được người đàn ông trên nhưng sự thật ông ta không biết thông tin gì về cô gái. Vài ngày sau đó thì cô con gái này đã tự về nhà”.

Ông Thọ cho biết trong mọi trường hợp gia đình của nạn nhân mất tích không được đưa tiền để chuộc, trao đổi với các nghi phạm mà phải báo cho công an.

Đồng thời, gia đình của nạn nhân nên trình báo sự thật, càng chính xác bao nhiêu thì công an sẽ nhanh chóng đưa ra phương án giải cứu chính xác và nhanh chóng bấy nhiêu.

Có nhiều nơi để trình báo

Trong buổi trao đổi báo chí sáng 12-3 về trường hợp học sinh Lưu Vĩnh Đạt bị bắt cóc và giết chết, thiếu tướng Phan Anh Minh - phó giám đốc Công an TP.HCM - cho biết khi người dân trình báo các vụ bắt cóc, trước tiên công an phường sẽ xác định vụ việc có xảy ra tại địa bàn của phường không, nếu đúng địa bàn thì công an phường phải tiếp nhận, lập hồ sơ báo cáo vụ việc để công an quận truy xét.

Đối với những vụ bắt cóc có dấu hiệu đe dọa đến tính mạng con tin hay có số tiền chuộc trên 500 triệu đồng thì công an quận phải báo công an TP vào cuộc. Tuy nhiên, đa số vụ án bắt cóc tống tiền, nghi phạm luôn hăm “nếu báo công an sẽ thủ tiêu con tin”.

Trong những trường hợp này, cán bộ, chiến sĩ công an phường, quận khi tiếp nhận vụ việc phải có nghiệp vụ sắc bén để có thể tiên liệu tình hình. Không phải vụ án nào nghi phạm đe dọa giết là sẽ giết.

Tuy nhiên gần đây có một số vụ án hai người đang yêu nhau, nhưng khi họ nói sẽ giết người họ yêu thì họ đã làm thật. Vì vậy cơ quan điều tra phải quan tâm hơn đến sự thay đổi này.

“Không chỉ có công an là nơi duy nhất công dân có thể tố cáo, hoặc tố giác tội phạm” - ông Nguyễn Văn Chung, viện trưởng Viện KSND Q.3, TP.HCM, cho biết.

Theo ông Chung, thông thường người dân sẽ đến cơ quan công an gần nhất để báo tin bởi lực lượng công an chính là lực lượng bảo vệ dân.

Tuy nhiên, người dân có thể đến viện kiểm sát để trình báo thông tin liên quan đến tội phạm, trong đó có việc trình báo những vụ việc mà người dân nghi ngờ trẻ bị bắt cóc hoặc mất tích.

Người dân có thể đến viện kiểm sát bất kể thời gian nào và những thông tin này viện kiểm sát sẽ chuyển sang cơ quan công an và giám sát chặt chẽ quá trình điều tra những tin báo này.

Về nguyên tắc, khi tin báo tố giác được gửi đến cơ quan công an sẽ được phân loại và chuyển lên cấp trên để điều tra làm rõ. Chậm trễ, sai sót tại khâu nào thì khâu ấy phải chịu trách nhiệm.

Ngoài ra, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Hoa Nam - phó cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH - khẳng định: “Người dân có thể Gọi đến đường dây nóng 18001567 để trình báo việc người thân bị mất tích để báo việc trẻ bị mất tích hoặc có dấu hiệu bị bắt cóc”.

Theo ông Nam, đường dây nóng này có trách nhiệm tiếp nhận thông tin mua bán trẻ em, bạo hành trẻ em, sau đó sẽ kết nối với phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội của các tỉnh thành để được hỗ trợ.

Đường dây nóng này được thành lập từ nhiều năm trước để tiếp nhận thông tin và hỗ trợ các vụ tư vấn về pháp lý cho trẻ em.

Ngoài ra, tại các tỉnh thành trong cả nước đều có những trung tâm hỗ trợ và tư vấn miễn phí, giúp đỡ các trường hợp trẻ em bị bạo hành, bị ngược đãi, bị khủng hoảng tâm lý...

“Tuy nhiên, ngoài các chức năng nêu trên thì gần đây đường dây nóng này đã tiếp nhận thêm thông tin liên quan đến việc buôn bán người, bắt cóc trẻ em. Những thông tin này sau khi được tiếp nhận sẽ được chuyển đến các ban ngành tại địa phương xảy ra sự việc, cụ thể là cơ quan bảo vệ và chăm sóc trẻ em để cơ quan này theo dõi kết quả điều tra của công an. Và thông thường các cơ quan công an vẫn báo cáo kết quả điều tra lại bằng văn bản hoặc điện thoại” - ông Nam nói.

ĐỨC THANH - HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên