11/01/2014 07:37 GMT+7

Khi thẩm phán "phá lệ"

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - Đại diện bị hại khóc xin cho bị cáo, luật sư đưa ra bằng chứng cho thấy bị cáo còn phải nuôi mẹ bị tâm thần và bà ngoại 90 tuổi nên đề nghị hội đồng xét xử (HĐXX) cho bị cáo được hưởng án treo. Sau khi tuyên án xong, thẩm phán gọi bị cáo đến gần hơn và ông đã làm một việc “phá lệ”.

GmekJq6t.jpgPhóng to

Bản án sơ thẩm được nhắc lại, những xét hỏi của HĐXX và Viện kiểm sát diễn ra rất nhanh vì bị cáo không chối tội, chỉ mong HĐXX giảm án để được tiếp tục đi làm nuôi mẹ, nuôi bà.

Bị cáo đứng trước vành móng ngựa, da đen đúa, đầy vẻ kham khổ. Luật sư Vũ Đức Toàn nói việc ông nhận bào chữa cho bị cáo là do ông biết chuyện mà tìm đến chứ bị cáo cũng không biết để tìm ông. Trình bày trước tòa, luật sư Toàn nói rằng mẹ bị cáo bị bệnh tâm thần từ nhỏ và bị cáo không có cha. Người nuôi bị cáo lớn là bà ngoại và bây giờ bị cáo là lao động chính nuôi bà và mẹ. Sau khi tai nạn xảy ra, bị cáo cũng bị thương tích đến 36% phải điều trị ở bệnh viện. Bởi nhà nghèo nên viện phí cũng do công ty cho vay để trả dần. Ngoài trách nhiệm về hình sự, bị cáo còn nhiều trách nhiệm khác nữa phải lo toan nên luật sư đề nghị HĐXX xem xét toàn diện về nhân thân của bị cáo để bị cáo được giáo dục tại địa phương.

Lá đơn của đại diện bị hại

Bốn ngày trước khi diễn ra phiên xét xử phúc thẩm, bà Lê Thị Hoàng Cơ, vợ của người đã chết, viết đơn gửi tòa án, Viện KSND TP.HCM và thẩm phán - chủ tọa phiên tòa phúc thẩm. Đơn trình bày: “Trong suốt sáu năm quen biết nhau, ông Bùi Minh Vũ luôn cho chồng tôi đi nhờ khi đi làm hay đi đám tiệc cho đến ngày 4-11-2012 thì xảy ra tai nạn rủi ro. Đặc biệt nơi xảy ra tai nạn nếu tính từ khi hình thành con đường đến nay đã có hơn 30 vụ tai nạn giao thông gây chết người bởi khúc cua ở đây và những cây cối hai bên che khuất tầm nhìn”.

Giảm 1 năm tù

Ngày 19-11, HĐXX phúc thẩm TAND TP.HCM đã tuyên 2 năm tù (giảm 1 năm tù so với bản án sơ thẩm của TAND huyện Bình Chánh) đối với bị cáo Bùi Minh Vũ, 28 tuổi, trong vụ án “vi phạm các quy định về điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ”.

Lúc 14g25 ngày 4-11-2012, sau khi uống rượu Bùi Minh Vũ điều khiển xe máy chở ông V.M.T. lưu thông trên đường Đinh Đức Thiện theo hướng ngã ba Tân Quý Tây về tỉnh Long An. Khi đến đoạn đường thuộc ấp 4, xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh thì Bùi Minh Vũ cho xe lấn trái đường và va chạm với xe máy của người khác. Tai nạn xảy ra làm ông T. tử vong và Bùi Minh Vũ bị thương tỉ lệ 36%.

Là chỗ thân quen với gia đình bị cáo nên người viết đơn cũng thấu hiểu nỗi khó khăn của bị cáo, bà viết: “Ông Vũ sống với bà ngoại gần 90 tuổi già yếu và bị tai biến cùng bà mẹ tâm thần nên mọi chi phí sinh hoạt của cả ba người đều do ông Vũ lo liệu. Khi xảy ra tai nạn, ông Vũ đã tự nguyện bồi thường cho gia đình tôi 35 triệu đồng và cũng tự nguyện hỗ trợ mỗi tháng 1,2 triệu đồng để tôi nuôi con”. Bởi những lý do này mà đại diện người bị hại đã viết: “Để ông Vũ có điều kiện chăm sóc bà ngoại, mẹ ruột bị tâm thần, tôi kính xin chánh án TAND TP.HCM, Viện KSND TP.HCM và ông Vũ Phi Long xem xét giảm nhẹ hình phạt và tạo điều kiện cho ông Bùi Minh Vũ được tiếp tục đi làm để lo cho gia đình và hỗ trợ chi phí cho gia đình tôi nuôi dưỡng những đứa con đang trong độ tuổi đi học”.

Không chỉ gửi đơn, tại tòa không ít lần bà khóc khi nghe tòa hỏi có yêu cầu gì nữa không. Yêu cầu duy nhất mà bà nói được đó là mong HĐXX cho bị cáo được hưởng án treo. Trước tòa, bà cũng thật thà kể dẫu bị cáo nhận chu cấp cho hai con của bà mỗi tháng 1,2 triệu đồng nhưng thấy bị cáo thu nhập có 3 triệu, lại còn phải nuôi hai người ốm đau bệnh tật nên bà chỉ nhận 600.000 đồng. Nếu bị cáo phải chấp hành án tù, 600.000 đồng này cũng không còn thì bà cũng không dám chắc hai đứa con có được đi học hay không.

HĐXX nghị án, bà lại nước mắt lưng tròng kể về nỗi khổ khi chồng chết và bây giờ bị cáo trở thành chỗ dựa cho mẹ con bà: “Tui không có việc làm, bây giờ làm thuê làm mướn qua ngày, hai đứa con học giỏi và rất chăm ngoan, nếu không nuôi nổi mấy đứa đi học, tôi biết làm sao?”. Mặt bà nhòe nhoẹt nước.

Nỗi lo nặng gánh

Sau khi tuyên bản án 2 năm tù cho bị cáo, thấp hơn một năm so với mức án sơ thẩm, thẩm phán chủ tọa gọi bị cáo đến gần và dặn: “Tôi rất thông cảm với hoàn cảnh của bị cáo cũng như những gì đại diện bị hại đã trình bày. Bởi vậy ngay hôm nay bị cáo nên làm đơn xin hoãn thi hành án gửi tòa sơ thẩm, tôi nghĩ với những gì bị cáo đã trình bày và chứng minh thì bị cáo có thể được hoãn thi hành án để thực hiện trách nhiệm của mình với bà, với mẹ và gia đình bị hại”.

Trao đổi sau đó, vị thẩm phán cho biết dù có hàng chục năm làm thẩm phán nhưng tình huống như hôm nay ông chưa gặp. Việc bị hại có đơn đề nghị giảm án, xin bãi nại cho bị cáo cũng xảy ra nhiều, nhưng ở phiên tòa này ông nói: “Tôi đã nhìn thấy sự lo lắng như nỗi lo cho một người thân, và tôi thấy ở đây là nỗi lo cho tương lai. Thâm tâm tôi rất muốn xử án treo như mong muốn của bị cáo nhưng trong vụ việc này, bị cáo hoàn toàn có lỗi trong việc vi phạm an toàn giao thông dẫn đến chết một mạng người”. Thẩm phán thừa nhận nói những lời dặn dò cho bị cáo là ông đã “phá lệ” của một thẩm phán, nhưng sợ bị cáo không am hiểu pháp luật, nếu làm đơn xin hoãn thi hành án chậm chỉ một vài ngày thì có thể đã bị yêu cầu thi hành án rồi. “Tôi cũng chỉ mong rằng những bằng chứng về nỗi khó khăn vất vả của bị cáo sẽ lay động được những cán bộ thực hiện việc thi hành án”.

Và trong khi vị thẩm phán chuyện trò sau phiên xét xử thì bị cáo, bị hại và hai người hàng xóm gần nhà cùng ra về. Họ đã thôi khóc.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên