31/07/2012 07:07 GMT+7

Khi Tây làm kịch ở Sài Gòn

HOÀNG OANH
HOÀNG OANH

TT - Dù phải tự bỏ tiền túi ra để làm kịch tại Việt Nam và gần như cầm chắc khả năng lỗ vốn, nhưng những nghệ sĩ đến từ phương xa vẫn lặng lẽ thực hiện mong muốn của mình với nhiều tâm huyết và đam mê.

uBZsN6e3.jpgPhóng to

Brian Readlinger và Vanessa Tantillo trong vở The last five years tại sân khấu 5B - Ảnh: Scott Green

Dragonfly Theatre là một nhóm kịch mới ở Sài Gòn do ba “ông Tây” Jaime Zuniga, Brian Riedlinger và Aaron Toronto thành lập, vừa trình làng tác phẩm thứ hai có tên The last five years với vỏn vẹn ba suất diễn, với lý do “người nước ngoài làm kịch ở VN rất khó”. Đó cũng là tâm trạng chung của những nghệ sĩ khác như Mark Woolet, Candace Clift, David Chapman (người Mỹ), Cliff Moustache hay Hege (người Na Uy)... khi họ thực hiện những dự án sân khấu tại VN.

Diễn viên đứng phát tờ rơi, đạo diễn đi bán vé

“Có một sân khấu kịch tiếng Anh tại Sài Gòn”

“Cộng đồng người nước ngoài tại Sài Gòn không có thói quen đi xem kịch vì Sài Gòn không phải là Singapore hay Hong Kong - những nơi có các hoạt động nghệ thuật bằng tiếng Anh rất phát triển. Vì vậy chúng tôi muốn xây dựng suy nghĩ rằng: có một sân khấu kịch tiếng Anh tại Sài Gòn để dần dần tạo lại thói quen cho họ”.

AARON TORONTO (nhóm Dragonfly)

Theo quy định, tất cả sản phẩm văn hóa trước khi ra mắt công chúng tại VN đều phải có báo cáo các cơ quan có thẩm quyền. Đối với người nước ngoài thì công đoạn này phức tạp hơn rất nhiều.

Để dễ dàng hơn, những nghệ sĩ người nước ngoài hay hợp tác với một đơn vị VN có tư cách pháp nhân để giúp họ đứng tên xin giấy phép phúc khảo và biểu diễn. Như các đạo diễn Mart Woollet, Candace Clift và David Chapman hợp tác với Trường Sân khấu - điện ảnh TP.HCM, đạo diễn Cliff Moustache làm việc với Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM, nhóm Dragonfly chọn Nhà hát Thế Giới Trẻ và một công ty tổ chức sự kiện... Và theo quy định, sau khi vở diễn được phúc khảo và cấp phép mới được quảng cáo rộng rãi và bán vé.

Đây rõ ràng là một cách làm việc mà những nghệ sĩ người nước ngoài phải tập làm quen khi làm nghệ thuật tại VN.

Như nhóm Dragonfly - ra mắt từ hồi tháng 10 năm ngoái với vở kịch The importance of being earnest - khi thực hiện vở The last five years đã phải chạy ngược chạy xuôi để tìm một công ty chịu đứng tên xin giấy phép phúc khảo. Tuy nhiên lịch phúc khảo lại quá gần ngày diễn nên cả êkip phải tất tả đi quảng bá cho vở diễn bằng đủ mọi cách: diễn viên chính Brian đứng phát tờ rơi ngay trước cửa Nhà hát TP.HCM nhân dịp có tập trung đông người nước ngoài, đạo diễn Jaime trực tiếp bán vé và thu tiền, diễn viên Aaron gấp rút gửi thư đến vài phóng viên mà anh biết để giới thiệu về vở diễn, đồng thời cả ba liên tục cập nhật tình hình vở diễn trên trang Facebook để nhiều người biết hơn...

Tuy vậy, The last five years vẫn lỗ khá nhiều vì không đủ thời gian cần thiết để quảng bá, trong khi phần kinh phí đầu tư của vở như: tiền thuê rạp, tiền làm đạo cụ, tiền tác quyền mỗi đêm diễn theo công ước Bern, tiền mướn dàn nhạc giao hưởng... thì được tính với “giá dành cho người nước ngoài”.

Khó nhưng vẫn làm

Jaime Zuniga đến từ Nicaragoa, Brian Riedlinger và Aaron Toronto đến từ Mỹ, vì những lý do riêng mà chọn Sài Gòn làm nơi dừng chân, với những công việc thường nhật khác nhau. Họ tình cờ gặp nhau trên một “điểm cao” ở Sài Gòn và cũng gặp nhau ở nỗi niềm “không thể sống ở một nơi không có sân khấu”. Tất nhiên Sài Gòn có rất nhiều loại hình sân khấu, nhưng vẫn thiếu một sân khấu kịch tiếng Anh đúng nghĩa dành cho cộng đồng người nước ngoài đang sống, học tập và làm việc tại đây.

Bởi vậy cả Jaime, Brian và Aaron đều hạ quyết tâm gầy dựng nhóm kịch Dragonfly chuyên trình diễn những tác phẩm sân khấu đương đại bằng tiếng Anh ngay ở Sài Gòn. Riêng Brian Riedlinger vốn là nhạc trưởng và giám đốc nghệ thuật của Dàn hợp xướng và giao hưởng quốc tế TP.HCM, trước đây đã ấp ủ tham vọng đưa không khí nhạc kịch Broadway lên sân khấu Sài Gòn qua vở Annie get your gun (2008) tại rạp Hưng Đạo và A Christmas carol (2010) tại rạp Công Nhân.

Trong khi đó, Cliff Moustache (Na Uy) và Nguyễn Nghiêu Khải Thư (Mỹ) lại gặp nhau trong ý tưởng kết hợp kịch hình thể phương Tây với nghệ thuật hát bội VN qua các dự án của NEWS như Hành trình qua bản sắc (2007), Hành trình và đích đến (2008), Thêm một giấc mộng đêm hè (2009) và mới đây nhất là Romeo và Juliet ở Sài Gòn (tháng 7-2012).

Không phải lo nhiều về kinh phí như Dragonfly vì đã có nguồn tài trợ từ Hoàng gia Na Uy, nhưng nhóm kịch NEWS của Cliff Moustache, Khải Thư và Hege M.Larsen lại gặp khó khăn trong việc thuyết phục và giải thích với những đối tác VN về công việc của mình khi muốn thực hiện một dự án phát triển kịch thể nghiệm dựa trên sự hợp tác với các loại hình nghệ thuật truyền thống của VN.

Khó khăn là vậy, nhưng những vở diễn mới vẫn đang được đưa lên sàn tập... Trong tháng 9 tới, nhóm kịch NEWS sẽ trở lại VN với một bản dựng khác của Romeo và Juliet ở Sài Gòn. Còn với bộ ba Dragonfly, vở diễn sắp tới là Hoàng tử bé, dự kiến ra mắt công chúng vào tháng 10-2012.

HOÀNG OANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên