Bảy đề án phát triển ngành sư phạm ra đời trong lúc ngành sư phạm đã qua thời kỳ phát triển mạnh của “chương trình củng cố, nâng cấp các trường sư phạm”, gọi tắt là chương trình bốn.
Những con số thống kê cho thấy số lượng trường sư phạm chỉ sau hơn 10 năm đã giảm đáng kể. Năm 1997, tổng số trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm thuộc bộ và địa phương là 49 trường, trung học sư phạm là 36 trường. Tổng số trường sư phạm các cấp được mang tên riêng của mình là 95 trường. Đến năm 2010, số trường đại học, cao đẳng, trung cấp sư phạm còn mang tên riêng của mình chỉ còn 71 trường.
Hiện nay có tới 15 tỉnh không có trường đại học, cao đẳng mang tên sư phạm nữa. Có thể nói hệ thống mạng lưới trường sư phạm đã bị vỡ những mảng lớn.
Trong khi đó, tình trạng tuyển sinh sư phạm mấy năm qua và đặc biệt năm nay đã đi ngược 180 độ chủ trương của nghị quyết T.Ư2 khóa VIII của Đảng là: “Ưu tiên xây dựng các trường sư phạm và có chính sách thu hút những người giỏi vào ngành sư phạm”.
Tuổi Trẻ đã phản ánh đầu vào tuyển sinh ngành sư phạm xuống dốc không phanh. Nhiều trường, khoa sư phạm phải tuyển sinh bằng điểm sàn, vơ vét tới NV2, NV3 mà vẫn không đủ chỉ tiêu. Nhiều ngành sư phạm đã phải xóa sổ.
Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều. Song một trong những nguyên nhân cơ bản là do quản lý yếu kém, từ nhận thức vai trò, vị trí của các trường sư phạm đến tổ chức thực hiện việc xây dựng đội ngũ giáo viên từ chất lượng đầu vào, quá trình đào tạo đến bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần để họ yên tâm dạy tốt và tự bồi dưỡng văn hóa nghiệp vụ cho mình...
Mấy năm qua thông qua các dự án của Bộ GD-ĐT lại có những đề xuất như: xóa bỏ chế độ miễn học phí đối với sinh viên sư phạm mà thực hiện chế độ tín dụng, xóa bỏ chế độ biên chế nhà nước mà thực hiện chế độ hợp đồng với giáo viên mới ra trường đã đẩy hàng ngàn giáo viên vào con đường cùng mà người ta gọi chế độ hợp đồng giáo viên là “đem con bỏ chợ”.
Ngoài ra, tình trạng tuyển dụng giáo viên nhiều nơi đã gây không ít khó khăn, phải chạy quá nhiều cửa tốn kém quá nhiều tiền. Hình ảnh người thầy đã làm không ít học sinh THPT không muốn hướng theo con đường sư phạm.
Trong hoàn cảnh đó, bảy đề án phát triển ngành sư phạm ra đời kéo dài 10 năm chỉ mới tạo cho người ta cảm giác là liệt kê những đầu việc thường xuyên mà lúc nào cũng phải làm. Nội dung của nó chưa được xuất phát từ một cuộc đổi mới cơ bản và toàn diện GD-ĐT.
Những vấn đề bức xúc cần được giải quyết trước hết là làm thế nào để thu hút học sinh khá giỏi vào ngành sư phạm như nghị quyết T.Ư2 đã đề ra; làm thế nào để xóa bỏ chế độ hợp đồng, để cứu hàng vạn giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông đang sống lay lắt với đồng lương hiện nay cũng không thấy được đả động đến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận