29/05/2014 02:05 GMT+7

Khi phụ huynh cùng hỗ trợ chuyên môn

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TT - “Khi em ngồi trên xe đang chạy, xe thắng gấp thì em sẽ như thế nào? Tại sao?”, “Em cho đá lạnh vào ly nước, để một lúc thấy có nhiều nước đọng bên ngoài ly. Hãy giải thích tại sao có hiện tượng này?”...

k20EC6B9.jpgPhóng to
Đặng Đoàn Đức Hoàng, học sinh lớp 4-5 thay mặt nhóm của mình trình bày về máy nước nóng năng lượng mặt trời. Ảnh: H.HG

Những câu hỏi hết sức gần gũi với đời thường đã được đặt ra trong trò chơi “Chuông vàng khoa học” - một trong những hoạt động của ngày hội “Em yêu khoa học - những nhà nghiên cứu trẻ” do Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP.HCM tổ chức.

Hơn 200 học sinh các khối 2, 3, 4 của trường đã có một ngày sinh hoạt vui nhộn và bổ ích bằng việc tham gia các trò chơi. Trên sân khấu, khi cô giáo đọc câu hỏi: “Mùa nóng cần máy lạnh cho mát. Trong nhà em nên đặt máy lạnh đâu để cả nhà đều mát. Vì sao?”.

Bên dưới học sinh bàn tán xôn xao, rồi cuối cùng các em cũng tìm ra đáp án: “Cần đặt máy lạnh trên cao. Khi máy làm lạnh không khí ở trên cao, không khí lạnh nặng hơn đi xuống, không khí nóng nhẹ hơn bay lên. Nhờ vậy cả phòng đều mát”.

TS Lê Thị Ngọc Điệp, hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho biết: “Trong chương trình giảng dạy của buổi thứ hai (trường dạy hai buổi/ngày), nhà trường tổ chức cho học sinh học tập theo hình thức câu lạc bộ: võ thuật, thể dục nhịp điệu, robot... Riêng Câu lạc bộ “Em yêu khoa học” được thành lập cách đây hai năm, trung bình mỗi học kỳ có 200 học sinh ở các khối, lớp tham gia.

Đặc biệt, câu lạc bộ này nhận được sự hỗ trợ về chuyên môn của Câu lạc bộ phụ huynh tình nguyện Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm”.

Theo TS Vũ Quang Tuyên, khoa vật lý ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), người phụ trách Câu lạc bộ “Em yêu khoa học” thì “Mỗi tuần học sinh sẽ được học tập và sinh hoạt một buổi về khoa học ngay tại sân trường. Chúng tôi bắt đầu từ những điều rất bình thường trong cuộc sống như tại sao các bánh xe lại cần có vỏ xe, khi ra đường lúc nắng nóng em nên mang áo, mũ màu gì? Mỗi khối lớp, chúng tôi có một chương trình sinh hoạt phù hợp với lứa tuổi và chương trình học của các em với phương châm: “làm cho học sinh ý thức hơn về môi trường”. Ngày hội “Những nhà nghiên cứu trẻ” nhằm giúp các em ôn lại kiến thức đã được tìm hiểu thời gian qua”.

Chẳng thế mà các học sinh hứng khởi tham gia tất cả trò chơi, sôi động nhất phải kể đến chương trình “Thi đôi tay vàng” (biểu diễn và giải thích các hiện tượng khoa học).

Tuy nhiên, chương trình được nhiều học sinh chờ đợi nhất lại là thời điểm báo cáo kết quả thực hiện dự án của các nhóm. 30 dự án đã được các học sinh báo cáo trong ngày hội là một kết quả đáng khích lệ.

Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, ngay cả học sinh khối 2 cũng hoàn thành dự án “Quan sát hiện tượng tuần hoàn của nước”, tự thuyết minh và trình bày mô hình của mình một cách tự tin. Học sinh khối 4 thì già dặn hơn với việc ứng dụng hiện tượng đối lưu giữa chất khí và chất lỏng để làm máy nước nóng năng lượng mặt trời.

Nói như cô Nguyễn Ngọc Hạnh, phó hiệu trưởng Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Đây mới chỉ là bước khởi đầu để ươm mầm tình yêu khoa học trong học sinh. Từ câu lạc bộ này, mong sao sau này sẽ có em trở thành nhà khoa học thực thụ”.

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên