TS Huỳnh Thế Du - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Có tên trong nhóm đoạt giải nhất của Hội Nhà báo TP.HCM cùng với ông Vũ Ngọc Hoàng và nhà báo Phạm Vũ trên báo Tuổi Trẻ trong tuyến bài “Nhận diện và ngăn chặn lợi ích nhóm”, TS Huỳnh Thế Du, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, thổ lộ:
- Tôi cho là mình may mắn khi được tham gia vào tuyến bài này. Viết báo và thảo luận các chính sách là một nhu cầu, việc cần phải làm đối với bất kỳ người nghiên cứu, phân tích, phản biện chính sách nào.
Chúng tôi luôn đặt mình phải đi tìm tòi những cái mới, những điều mà số đông chưa thấy được và sẵn sàng chấp nhận cái mới này có thể sai, có thể chưa hợp lý nhưng nhờ tương tác với số đông, nhờ số đông phản biện mà chúng tôi tìm ra những điều hợp lý.
Tuyến bài đề cập các quan hệ thân hữu, lợi ích nhóm mà các quốc gia đi trước điều chỉnh để phát triển hay nó tàn phá một quốc gia như thế nào, các sân chơi bình đẳng cho các thành phần kinh tế đã không quan tâm tạo dựng.
Cũng như những bài báo khác, một bài bình luận thành công trước hết phải xuất phát từ đề tài được quan tâm, đồng nhịp với hơi thở cuộc sống, trình bày một cách thuyết phục trên nền tảng kiến thức sẵn có, gắn kết với những kinh nghiệm tương tự trên các nước, nhờ đó câu chuyện mình đưa ra vừa nhẹ nhàng vừa thuyết phục. Chứ lúc đó, cảm tính chủ quan sẽ không thuyết phục và không thể thu hút sự quan tâm của số đông.
* Năm qua, ông có rất nhiều bài viết trên các báo, trong đó có những bài viết nói ngược với suy nghĩ của số đông. Trong trường hợp này, bài viết đoạt giải đã vượt qua những rào cản đó được công nhận, ở đây không chỉ là giải thưởng báo chí?
- Một xã hội muốn phát triển cần có phản biện. Sự bất đồng quan điểm, ý kiến rất bình thường trong cuộc sống. Khi mà số đông chưa thấy nên họ có thể nhìn thấy theo một cách khác, thậm chí sẵn sàng “ném đá”. Đi ngược với những gì số đông đang nghĩ, bạn phải chấp nhận điều đó.
Do vậy, việc bị “ném đá” hay tiếp tục bị “ném đá”, với thời đại mở ngày nay, sẽ xảy ra thường xuyên hơn trước các ý kiến của chuyên gia khi họ đưa ra một góc nhìn mới. Trong thời điểm mạng xã hội lên ngôi, người đọc không đủ kiên nhẫn đọc hết một bài viết.
Tôi hay ví von câu chuyện bác sĩ nói “Đau bụng uống nhân sâm thì chết”, rất nhiều dạng tường thuật hay sự vội vã của người đọc chỉ làm cho nó dừng ở mức “Đau bụng uống nhân sâm”..., rồi họ vội vã phán “sao bác sĩ nói kỳ vậy” rồi hàng tá ngôn ngữ cộng đồng mạng hùa vào.
Thời đại của mạng xã hội tập trung cho hệ thống tư duy nhanh, cực kỳ cảm tính. Nhiều vấn đề chỉ được lướt qua tít tựa nào được cộng đồng chú ý rồi thổi bùng lên, thi nhau chỉ trích...
Một nền báo chí lành mạnh phải có sự tương tác, thảo luận. Báo chí phải cho tiếng nói khác nhau, đa chiều, và tự động các vấn đề tranh luận sẽ được hóa giải theo đúng cách nhất, hợp lý nhất, lúc đó xã hội mới tiến bộ được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận