Phóng to |
Từ trái qua: Nguyễn Hải Phong, Nguyễn Hồng Thuận, Nguyễn Hoàng Duy, Nguyễn Văn Chung và Nguyễn Khắc Việt thể hiện các ca khúc do mình sáng tác trên các sân khấu lớn Ảnh: Gia Tiến |
Gần nhất sẽ là live show Ký ức 10 năm âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, diễn ra lúc 19g ngày 27-10 tại sân 4A Nhà văn hóa Thanh niên (TP.HCM). Tuy không hát chính trong live show nhưng anh sẽ tham gia một vài tiết mục để tạo hiệu ứng bất ngờ và vui vẻ cho chương trình.
Ðáng kể hơn sẽ là album mới toanh mang chủ đề Nguyễn do Công ty Music Box bỏ tiền đầu tư, sẽ ra mắt vào cuối tháng 10 này.
Ý tưởng cũ, hướng đi mới
Nguyễn là tuyển tập những ca khúc do bốn nhạc sĩ trẻ họ Nguyễn đang đắt sô nhất hiện nay: Nguyễn Hải Phong, Nguyễn Hồng Thuận, Nguyễn Hoàng Duy và Nguyễn Khắc Việt sáng tác và thể hiện. Dẫu Nguyễn chỉ là một sản phẩm nhỏ với ý tưởng không mới: nhạc sĩ hát, nhưng album đã mở đầu và đánh dấu cho một hình thức đầu tư có thể gọi là táo bạo của Music Box. Ðó là bỏ tiền làm album cho những giọng ca không chuyên, không thuộc sự quản lý của mình (bởi từ nhiều năm nay các công ty chỉ bỏ tiền đầu tư cho các ca sĩ "gà nhà" hoặc các ca sĩ, nhạc sĩ phải tự bỏ tiền làm đĩa).
Cựu vận động viên cầu mây quốc gia/người mẫu Thúy Vinh - giám đốc Music Box - nhận định: "Ðược thưởng thức các ca khúc qua giọng hát của nhạc sĩ sáng tác là nhu cầu có thật trong thị trường hiện nay. Bốn nhạc sĩ mà Music Box chọn hợp tác và giới thiệu trong album lần này là bốn nhạc sĩ trẻ, đang được mến mộ trên thị trường âm nhạc. Khả năng trình bày bài hát của họ cũng khá thu hút".
Trước khi album Nguyễn có mặt, thị trường đã đón nhận không ít các album nhạc sĩ hát mà chủ yếu là do các nhạc sĩ tự bỏ tiền thực hiện như album của Vũ Quốc Việt, Phương Uyên, Lương Bằng Quang, Tăng Nhật Tuệ, Nguyễn Khắc Việt... Và gần đây nhất là hai sản phẩm được đánh giá cao và bán khá chạy: Linh hồn và thể xác của Nguyễn Hải Phong và Những hạt nắng trong mưa của Nguyễn Hồng Thuận.
Không khó để lý giải niềm yêu thích biểu diễn cũng như khả năng ca hát của giới nhạc sĩ, đặc biệt là lớp nhạc sĩ trẻ hiện nay. Ðiểm lại những nhạc sĩ có tiếng tại VN trong 10 năm trở lại đây đều thấy họ có xuất phát điểm là những nghệ sĩ biểu diễn.
Trước khi trở thành những nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc danh tiếng, Tuấn Khanh, Lê Quang, Võ Thiện Thanh, Ðức Trí, Phương Uyên, Huy Tuấn, Quốc Trung... đều là thành viên của các ban nhạc trẻ. Họ cũng trình diễn, đàn hát tưng bừng suốt thời tuổi trẻ trước khi lui về chuyên tâm cho công việc sáng tác.
Thế hệ các nhạc sĩ trẻ sau này cũng thế. Trừ Nguyễn Hải Phong và Nguyễn Văn Chung là có định hướng sáng tác ngay từ đầu, những cái tên khác như Lương Bằng Quang, Nguyễn Hồng Thuận, Nguyễn Khắc Việt, Tăng Nhật Tuệ, Nguyễn Hoàng Duy... đều khởi đầu với nghiệp hát, là thành viên của ban hay nhóm nhạc. Thiếu duyên sân khấu, hoặc không gặp thời, hoặc gặp khó khăn trong việc tìm kiếm những tác phẩm phù hợp để tỏa sáng... đều có thể là những yếu tố đã thúc đẩy những người mê hát nhưng "không đủ điều kiện" này thể hiện nội tâm của mình bằng cách khác: sáng tác ca khúc.
Ðó là chưa kể trào lưu xây dựng hình tượng vừa sáng tác vừa hát (songwriter/singer) mà các nước phương Tây du nhập vào VN với những cái tên dần trở nên quen thuộc mà Lê Cát Trọng Lý đang là một ví dụ nổi bật.
Hát lên tiếng lòng
"Không ai hát lên được tình cảm của ca khúc bằng chính cha đẻ của nó" - Tăng Nhật Tuệ từng bộc bạch. Vậy nên Tuệ thường tự thể hiện các ca khúc mới của mình trên sân khấu Bài hát Việt - nơi giới thiệu các sáng tác mới - trước khi để những ca sĩ chuyên nghiệp hát. Nguyễn Khắc Việt cũng vậy.
Dẫu "tạng người" không thích hợp để trở thành ca sĩ chuyên nghiệp nhưng Việt rất tự tin với giọng hát đã qua trường lớp của mình (tốt nghiệp trung cấp thanh nhạc Học viện Âm nhạc quốc gia). Chính những sáng tác mang phong cách pop hoặc R&B sâu lắng trữ tình của anh như: Quên, Yêu lại từ đầu, Yêu thương quay về, Chờ em trong đêm, Có bao giờ... đã cho anh cơ hội được hát trên sân khấu lớn chứ không phải nhờ giọng hát đã qua đào tạo của mình.
Nhạc sĩ có cơ hội hát không chỉ bởi họ mê hát, có nhu cầu biểu diễn mà còn bởi thực tế thiếu những giọng ca đủ tinh tế, cảm xúc để thể hiện các sáng tác mang nhiều chất tự sự của các tác giả. Như Lột xác của Nguyễn Hải Phong.
Ca khúc này từng được hai ca sĩ Phan Ðinh Tùng và Ngô Khải Hy thể hiện trong album cá nhân. Nhưng chỉ đến khi chính Nguyễn Hải Phong thể hiện trong album Linh hồn và thể xác, Lột xác mới tạo được ấn tượng mạnh mẽ cho người nghe. Và có lẽ cũng chỉ mình Nguyễn Hải Phong mới có cách thể hiện thú vị, mang đậm dấu ấn sáng tác của riêng mình trong Tan biến, Dòng thời gian hay Con ma. Trên các diễn đàn âm nhạc, bạn yêu nhạc cũng từng đánh giá Suy nghĩ trong anh và Quên quahai giọng hát điển trai Duy Khoa và Cao Thái Sơn kém hay hơn phần thể hiện của Nguyễn Khắc Việt...
"Trong hơn 150 sáng tác của Thuận vừa qua chủ yếu dành cho... người khác. 11 ca khúc trong Những hạt nắng trong mưa là Thuận để dành cho riêng mình. Mọi người sẽ thấy một Nguyễn Hồng Thuận "đậm đặc" hơn qua những sáng tác và cách thể hiện của Thuận trong album này" - nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận kể về quyết định cũng như lý do ra mắt album mới của mình. Lý do này đang được nhiều người chia sẻ.
Sáng tác cho mình, hát lên tiếng lòng của chính mình, nhu cầu ấy của nhiều nhạc sĩ cũng đang là nhu cầu thưởng thức và chọn lựa của nhiều người nghe.
Theo các nhà phát hành, trong tất cả các album nhạc sĩ hát đã ra mắt từ trước đến nay thì album Trịnh Công Sơn hát nhạc của chính mình mang tên Ru tình (phát hành năm 1997) và Trần Tiến hát trong Tự họa và Chuyện phố bên sông (1999) là bán chạy nhất, đến nay vẫn có người tìm mua. Trên các diễn đàn âm nhạc, nhiều ý kiến cũng cho rằng không kể Khánh Ly, Trịnh Công Sơn là người hát nhạc Trịnh hay nhất. Tương tự, Trần Tiến được cho là người hát nhạc Trần Tiến hay nhất. Khó có ca sĩ nào vừa có thể kể một câu chuyện mạch lạc, đầy cảm xúc cùng lối hát "lẳng lơ", "phớt đời", "tưng tửng" mà ép phê, thấm thía như Trần Tiến hát nhạc của chính ông. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận