Phóng to |
Ba chủ nhà hàng lớn ở New York cam kết (từ trái qua): Tôi có bàn cho bạn! - Phục vụ dễ thương nhất xứ! - Bạn sẽ không tin nổi mức giá của chúng tôi! -Ảnh: NYT |
Chuyện đó giờ đã hết. Trong bài viết đăng trên báo The New York Times ngày 3-2, chuyên gia phê bình nhà hàng Frank Bruni nhận xét thái độ phục vụ ở các nhà hàng New York đã thay đổi. Ông viết không hề hài hước: “Tôi đã bắt đầu thường xuyên cảm nhận được trong các nhà hàng, nơi họ không nhận ra tôi là nhà phê bình, câu nói: “Xin chào” từ người phục vụ, giờ đây nghe như: “Tạ ơn trời”. Tôi cảm nhận được điều đó trên điện thoại khi nhân viên nhận đặt bàn nài nỉ tôi đặt vào ngày khác nếu hôm đó không có chỗ, hoặc khẩn khoản xin số điện thoại của tôi để gọi lại trong trường hợp có bàn trống”.
Nguyên do: suy thoái
Không khó để nhận biết lý do: suy thoái kinh tế. Các nhà hàng đang trở nên ngọt ngào hơn, chiều chuộng khách hơn so với ba tháng trước. “Bởi chưa bao giờ cần thực khách như lúc này, nên đây là dịp hiếm hoi các nhà hàng đối xử với bạn tử tế đến vậy” - Bruni đúc kết.
Stephen Hanson, người vừa đóng cửa hai nhà hàng ở New York vì thua lỗ, gọi thái độ mới là “một cái ôm thật to, thật chặt”. Dự báo người tiêu dùng sẽ đóng hầu bao và 2009 là một năm rất khó khăn, Hanson gửi lời khuyên chân thành đến các đồng nghiệp tại một hội thảo ở New York tháng trước: “Các bạn cần phải ôm khách hàng”.
Joan Rappoport, một chuyên gia tổ chức sự kiện ở New York vốn thường xuyên đi ăn ở ngoài, thậm chí đã nhận ra sự thay đổi thái độ từ sáu tháng trước. “Cung cách mà nhiều nơi từng có giờ đây không còn nữa. Thái độ: chúng tôi đang ban ơn cho bà lạnh lùng ấy tôi không còn thấy nữa. Và tôi cảm thấy sự thay đổi đó thường xuyên hơn” - bà Rappoport kể. Quả thật là “o bế từng centimet” khi những người phục vụ kiểm tra hai, thậm chí ba lần, để đảm bảo bàn của bà có tất cả những gì bà yêu cầu. Các nhà quản lý chịu khó đáo lại bàn của bà thường xuyên hơn để hỏi thăm mọi chuyện có ổn không với một giọng điệu vồn vã mới.
Cũng phải thôi, vì họ có khối thời gian. Ngày càng ít nhà hàng kín hết chỗ hằng đêm. Lợi nhuận nhiều nhà hàng sụt giảm thê thảm, từ 15-40% so với năm ngoái.
Khách hàng đúng là thượng đế
Khi không còn cơ hội để “chảnh”, đó là lúc tất cả nhà hàng, từ hạng xoàng đến cao cấp, thay nhau tung ra nhiều chiêu để “ôm ấp” khách. Từ giảm giá, kéo dài thời gian khuyến mãi đến miễn phí đỗ xe cho thực khách buổi tối và phá bỏ những quy định truyền thống. Nhà hàng hạng sang The 21 Club bãi bỏ yêu cầu nam thực khách dùng bữa tối phải đeo cà vạt áp dụng suốt 75 năm qua.
Và chưa bao giờ những khách “ruột” lại được các nhà hàng bày tỏ tình cảm nồng nhiệt đến thế. Thực khách Niko Canner, một nhà tư vấn quản lý, kể mỗi lần đi ăn ở nhà hàng Craftsteak gần nhà mà không đặt chỗ trước, thể nào ông cũng nhận được những cánh tay dang rộng, những câu cảm thán như: “Ôi, ông Canner, thật vui khi thấy ông!”.
Và tại nhà hàng Blue Ribbon Sushi, một nơi thường lui tới khác của Canner, ông được người phục vụ đem đến một đĩa cá sống dù không yêu cầu như một cử chỉ cảm ơn. “Thông thường họ không làm thế. Và vào lúc đó tôi nhớ mình đã nghĩ nếu nhà hàng này, một trong những nhà hàng ăn nên làm ra nhất New York, mà còn cảm thấy phải o bế khách hơn nữa thì điều đó có nghĩa là gì với tình hình kinh doanh nhà hàng ở New York đây?” - Canner thắc mắc.
Frank Bruni đã giúp ông trả lời câu hỏi ấy. Điều đó có nghĩa là tình hình đang khó khăn, và sẽ có thêm nhiều”cái ôm” hơn cho những thực khách nào giúp nhà hàng qua cơn bĩ cực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận