03/09/2021 07:24 GMT+7

Khi nghệ sĩ quên cát xê và nhận được cát xê đặc biệt từ dân

MI LY
MI LY

TTO - Cát xê đặc biệt có được là khi mình hô lên một tiếng thì khắp các tòa nhà của bệnh viện dã chiến người dân trả lời. Khi mình chào ra về, tiếng mọi người chào lại vang vọng. Những tiếng nói đó theo nghệ sĩ đến tận trên chuyến xe trở về...

Khi nghệ sĩ quên cát xê và nhận được cát xê đặc biệt từ dân - Ảnh 1.

Trần Mạnh Tuấn biểu diễn ở sân bệnh viện dã chiến

Nghệ thuật là nghề của mình, mình kiếm sống và yêu nghề. Những người còn niềm tin vào nghệ sĩ vẫn còn nhiều lắm. Tôi tin vậy vì chúng tôi đã gặp gỡ họ. Sau nhiều tranh cãi, hoạt động thiện nguyện bây giờ cũng không rầm rộ như trước mà gần gũi, thực chất hơn, đó là điều tốt. Tôi tin tình yêu của khán giả với nghệ sĩ sẽ không bao giờ phai nhạt.

MC Phùng Thế Phi

“Từ lâu lắm nghệ sĩ đã quên từ cát xê nghĩa là gì rồi. Cát xê đặc biệt có được chính là khi mình hô lên một tiếng thì khắp các tòa nhà của bệnh viện dã chiến người dân trả lời. Khi mình chào ra về, tiếng mọi người chào lại vang vọng. Những tiếng nói đó theo nghệ sĩ đến tận trên chuyến xe trở về, ai cũng lâng lâng. Đó mới là cát xê quý giá nhất”.

“2021 là một năm rất khó khăn cho nghệ sĩ. Chúng tôi buồn lắm chứ” - MC Phùng Thế Phi, tình nguyện viên năng nổ mùa giãn cách, chia sẻ với Tuổi Trẻ. Việc đi thiện nguyện đã giúp anh lấy lại niềm tin vào tình cảm của khán giả.

Khi nghệ sĩ quên cát xê và nhận được cát xê đặc biệt từ dân - Ảnh 3.

Nghệ sĩ chụp hình lưu niệm sau khi biểu diễn ở Bệnh viện dã chiến - Ảnh: TỰ TRUNG

“Sân khấu” đặc biệt

Cuối tháng 7, đoàn ca sĩ, MC, nhạc sĩ đến biểu diễn tại các bệnh viện dã chiến. Đó là sân khấu đặc biệt với hơn 10.000 khán giả khắp các tòa nhà. Họ là những y bác sĩ, bệnh nhân, tình nguyện viên khác và là khán giả tuyệt vời nhất đối với những nghệ sĩ nhiều tháng trời sống "không sân khấu".

Đến thời điểm trò chuyện với Tuổi Trẻ, cùng với nhiều nghệ sĩ khác, Thế Phi đã có hơn 40 ngày miệt mài trên những chặng đường tình nguyện rong ruổi khắp Sài Gòn thân yêu.

Theo lời của á hậu Hoàng My, một đồng đội của anh, Thế Phi giống như người anh cả trong đoàn, rất thạo việc và sẵn sàng bao bọc các tình nguyện viên mỗi khi có chuyện khó xử.

Chuyện bắt đầu vào một tối tháng 5. Lúc 8h tối, MC Quỳnh Hoa thông báo cho những nghệ sĩ chị quen biết về việc đi tình nguyện.

Chị nói rõ rằng công việc này không đảm bảo quyền lợi gì, lại nguy hiểm, có nguy cơ lây nhiễm, phải học cách bảo vệ bản thân trong quá trình làm việc, cũng như bảo vệ chính mình và người thân khi trở về nhà.

10h tối, các nghệ sĩ hưởng ứng đã cùng lên đường đến ổ dịch ở quận Gò Vấp. Từ 8 người, trong những ngày sau, họ tăng lên 10 người và rồi hàng chục người đi cùng nhau sau một tháng.

Khi nghệ sĩ quên cát xê và nhận được cát xê đặc biệt từ dân - Ảnh 4.

Đội nghệ sĩ tình nguyện cắt tóc cho y bác sĩ Bệnh viện dã chiến số 11 - Ảnh: TỰ TRUNG

Đến những ngày khó khăn nhất, căng thẳng nhất của việc áp dụng chỉ thị 16 ở TP.HCM, những nghệ sĩ ấy vẫn không hề chùn bước, sáng nào họ cũng dậy và lên đường.

Họ hỗ trợ các điểm lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vắc xin, nấu ăn tiếp tế cho người dân, bưng vác và tặng những phần quà từ các nhà hảo tâm đến làm shipper, đi siêu thị mua hàng hộ, cắt tóc cho y bác sĩ, cất tiếng hát trong khu cách ly và bệnh viện dã chiến...

Các nghệ sĩ đã làm tất cả, tùy theo sức của mình. Có những ngày họ đứng ướt sũng trong cơn mưa Sài Gòn nặng hạt để làm việc, khi hàng dài người dân vẫn đang chờ.

Cũng trong những buổi tối lộng gió và những buổi chiều mưa nặng hạt ấy, nhóm thiện nguyện của vũ đoàn Arabesque và biên đạo múa Nguyễn Tấn Lộc rong ruổi trên những nẻo đường Sài Gòn để đến với những người dân nghèo.

Ngày nào còn được ra đường, nhóm của anh đi từ sáng sớm đến tối mịt. "Con cảm ơn chú, chúc chú mạnh khỏe, làm ăn phát tài, vạn sự như ý" - nghệ sĩ Tấn Lộc nhớ lại câu cảm ơn của một cậu bé 3 tuổi ngồi trong thùng xốp, được người bà nhặt ve chai chở theo trên góc đường Võ Thị Sáu, Nguyễn Thông một tối tháng 7.

Bà đi nhặt ve chai vì có bán vé số cũng không ai mua. Nhận được quà của nhóm tặng, bà động viên ngược: "Cảm ơn các cháu, bà luôn cầu nguyện và mong là sẽ sớm được bình an, nay mai thôi con".

Trong cuốn sổ ghi danh sách người cần ủng hộ của anh Lộc có "ông Tám phụ hồ, chị Hường tạp vụ, bà Dung xe lăn, cô Dung tâm thần, chị Dinh bán vé số, bà Lê bán rau...". Đằng sau mỗi cái tên đâu chỉ là một suất cơm hộp, bó rau quả trứng ăn trừ bữa, là những mảnh đời mà người ta nói sẽ "không bị bỏ lại phía sau".

Từ đợt dịch năm ngoái đến năm nay, nhóm của anh Lộc vẫn miệt mài đến với những người dân như thế, không truyền thông rùm beng. Trong một bức ảnh do anh chia sẻ với Tuổi Trẻ, Sài Gòn đang mưa trắng trời, nhưng chuyến xe thiện nguyện cứ thế lăn bánh về phía trước.

Khi nghệ sĩ quên cát xê và nhận được cát xê đặc biệt từ dân - Ảnh 5.

Diễn viên Lãnh Thanh gắp đồ ăn ở quán cơm Nụ Cười

Làm việc thiện - “bình thường mới”

Nghệ sĩ làm gì để thích nghi với những ngày giãn cách, những ngày "không sân khấu", những ngày nhớ khán giả đến quay quắt? Câu trả lời là làm việc thiện.

"Bình thường mới" trong thời dịch, khái niệm đó với nghệ sĩ hẳn cũng khó khăn không kém những ngành nghề khác khi "bình thường" của họ chính là những buổi tập, là sàn diễn, sân khấu, là ống kính, là trường quay, là đám đông khán giả, là được cất lên tiếng hát hay say sưa diễn xuất.

Cũng cuối tháng 7, hai diễn viên Lãnh Thanh và Võ Điền Gia Huy rủ nhau đi "bốc vác tình nguyện" tại 3 chi nhánh của Quán cơm xã hội Nụ Cười, quán cơm 2.000 đồng ở Sài Gòn dành cho những vị khách khó khăn.

"Cảm hứng của nghệ sĩ đến từ đời sống" là điều họ luôn được các anh chị lớn trong nghề nhắc nhở. Và họ càng hiểu điều này khi đồng hành với quán Nụ Cười, gắp từng miếng thức ăn, hai tay đưa hộp cơm nóng hổi cho bà con nghèo giữa trưa nắng Sài Gòn. Thời mới vào Sài Gòn, Lãnh Thanh trọ ở xóm nghèo, từng làm bốc vác, làm thuê kiếm sống.

MC Phùng Thế Phi nói trong đoàn tình nguyện của anh có người là nghệ sĩ, có người là doanh nhân, viên chức, người lao động...

Khi dịch đến ai cũng trở thành "chuyên gia" khuân vác, vận chuyển, hậu cần, điều phối viên... không phân biệt nghề nghiệp, tuổi tác gì nữa. Một trong những khả năng tuyệt vời của nghệ sĩ là biến hóa và ở thời dịch điều đó vô cùng hữu ích.

Rồi một ngày dịch bệnh sẽ rời xa. Ai cũng muốn được sống bằng chính công việc của mình, đứng trên đôi chân của mình.

Với các nghệ sĩ, họ yêu hoạt động thiện nguyện nhưng cũng mong đến một ngày đất nước bình yên, mong thành phố mình hồi sinh trở lại. Mưu sinh là cơ duyên của mỗi người, nhưng hãy cùng cầu chúc cho tất cả đều giữ được sức khỏe để chờ đến ngày đó.

Khi nghệ sĩ quên cát xê và nhận được cát xê đặc biệt từ dân - Ảnh 6.

MC Phùng Thế Phi dìu một người dân bị đau do tai nạn - Ảnh: NEIH NGUYỄN (Phùng Thế Phi cung cấp)

Trần Mạnh Tuấn... đeo khẩu trang thổi saxophone tại sân bệnh viện dã chiến Trần Mạnh Tuấn... đeo khẩu trang thổi saxophone tại sân bệnh viện dã chiến

TTO - Nghệ sĩ biến sân bệnh viện dã chiến thành sân khấu; Ra mắt MV 'Sài Gòn là vậy thôi'; Wiki công nhận danh hiệu Prince of V-pop của Sơn Tùng M-TP; VP Bá Vương 2 lần đánh bại quán quân Giọng hát Việt... là thông tin được quan tâm ngày 25-7.

MI LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên