Phóng to |
Thiết lập thông số cho card đồ họa |
Ví dụ như game Splinter Cell: Pandora Tomorrow thì không dùng được card Geforce4 MX hay game Medal of Honor: Pacific Assault thì chỉ chơi được trên Windows 2000/XP (không hỗ trợ Windows NT/98/ME). Bài viết này bổ sung thêm một số thủ thuật nhỏ để giải quyết các rắc rối mà có lẽ chính bạn cũng biết.
Trường hợp 1: Mang đĩa về nhà cài, trong quá trình cài máy báo lỗi. Hãy thử restart máy rồi cài lại nhưng đến lần thứ 3 mà không được thì đành mang ra tiệm để đổi đĩa khác (cùng game ấy nhé!), nếu có thời gian thì thử ngay tại tiệm cho chắc ăn. Nếu cài đặt không được thì bạn không cần xem tiếp phần dưới và quên game ấy đi! Bạn cần tập cho mình thói quen xem file readme có trong đĩa CD trước khi quyết định mua để tránh việc mua nhầm game có yêu cầu cấu hình máy tính vượt quá khả năng của máy bạn.
Trường hợp 2: Cài đặt thành công nhưng chạy thì ngay lập tức máy báo lỗi. Đừng hốt hoảng, hãy tự cứu mình trong phạm vi có thể. Hạn chế cài đặt lại game khi bạn chưa nắm được nguyên nhân nếu như lần cuối cùng máy đã báo hoàn tất thành công, thường thì có nút Finish ở bước chót.
Việc cài đặt game lớn chứa đầy 1 CD hoặc game “trọn bộ” đòi hỏi bạn phải có tính kiên nhẫn cao và có thời gian chờ cũng khá dài, tốt nhất là bạn nên kiểm tra lại thông báo lỗi (nếu có, thường về phần cứng) trước khi quyết định cài lại. Đa số các game đều cài đặt tốt, nếu bị lỗi thì “chết” ngay lúc cài, trừ trường hợp game bị lỗi thì phải tải bản sửa lỗi trên trang chủ của nhà sản xuất/phát hành. 4 bước cơ bản giúp bạn xử lý trường hợp này:
Bước 1: Kiểm tra xem đã chép file crack chưa, bởi vì đa số gamer Việt Nam mua hàng vi phạm bản quyền mà! Thường là chép 1 file exe trong thư mục CRACK đè lên 1 file khác trong thư mục cài đặt, bước này tuy đơn giản nhưng nhiều người cũng không để ý.
Bước 2: “Vọc” thật kỹ file readme (thường có đuôi là txt và rtf, vài game lại để dưới dạng pdf) để xem các yêu cầu về cấu hình hệ thống trong phần System Requirements, nhớ phân biệt giữa Minimum (cấu hình tối thiểu) và Recommended (cấu hình chuẩn được yêu cầu):
- Hệ điều hành: hầu hết các game được sử dụng trên Windows do sự “bành trướng” khá rộng, Windows 98 nổi tiếng ổn định tương thích với nhiều game nhưng hiện nay các nhà sản xuất đều hỗ trợ Windows XP và dần “chia tay” với Windows 98. Lưu ý: một số game cũ có thể không chạy được trên Windows XP.
- CPU: hiện tại bạn sở hữu một bộ Intel Pentium 4 1,5Ghz trở lên thì có thể yên tâm trong vòng 1-2 năm nữa, nếu tài chính hạn hẹp thì bạn cũng phải dùng bét nhất là Pentium III có tốc độ 1Ghz trở lên, sử dụng CPU AMD thì cũng yêu cầu tương đương.
- RAM: tối thiểu là 256MB nếu dùng Windows XP, nhiều nhà sản xuất “khuyên” nên có 512MB, khi bị lỗi về RAM nhớ kiểm tra xem có thanh nào bị hư hay không, đã có người cứ bảo đã cắm 2 thanh 128MB nhưng không biết do bị hư 1 thanh nên game không “gượng” nổi.
- Card đồ họa: dân nghiệp dư xài onboard Intel Extreme Graphic 2 chia xẻ 96MB RAM hệ thống cũng tạm được nhưng cần mua card Geforce4 MX440, hiện nay game cũng biết “kén” card đồ họa, vì vậy card 128MB FX5200 là giải pháp dành cho “con nhà nghèo”, riêng dân chuyên nghiệp thì phải FX5600/Radeon9600 Pro trở lên. Card đồ họa cần hỗ trợ Pixel Shader 1.1 và cập nhật driver phù hợp. Bản DirectX 9.0b sử dụng ổn định chưa cần 9.0c.
- Âm thanh: dùng AC’97 onboard cũng chẳng hề gì nếu bạn ít quan tâm đến nó, còn không thì card Creative 5.1 là 1 lựa chọn, chú ý rằng cắm lỏng dây loa thì card âm thanh cũng “bỏ xó”!
- Ổ cứng: đừng nghĩ rằng bạn dùng ổ cứng 40GB là game chạy trên 40GB đó mà phải biết là bạn đã sử dụng 1 phần để chứa dữ liệu, trước nhất là hệ điều hành, tổng dung lượng thật của ổ cứng không quan trọng nhưng điều cần quan tâm là dung lượng còn trống khoảng 5-10GB thì tốt (không tính phần bộ nhớ ảo của Windows). Nếu hệ thống mạnh mà ổ cứng dạng kém chất lượng cũng ảnh hưởng đáng kể đến việc chơi game.
- CD-ROM: đừng tiếc 1 ổ 52X nếu thường xuyên chơi game dùng đĩa hoặc muốn cài đặt game nhanh, sử dụng ổ CD ảo sẽ giúp kéo dài tuổi thọ của ổ CD-ROM và hình ảnh ít bị “giật”.
Bước 3: Dọn dẹp ổ cứng. Khi chạy 1 game, Windows sẽ sử dụng 1 phần dung lượng ổ cứng để làm bộ nhớ ảo, đối với những game “xương” thì phải thiết lập khoảng 600MB, bạn dùng các tiện ích có sẵn trong Windows như Disk Cleanup, Disk Defragment hoặc các phần mềm khác có tính năng tương tự. Nên để ổ cứng còn trống khoảng 5-10GB.
Bước 4: “Đi hỏi” cũng là 1 giải pháp hay nhưng hãy sử dụng cuối cùng. Đầu tiên phải gõ cửa tiệm bán CD, họ sẽ mách để bạn sửa. Nếu người bán không biết hoặc bạn nghi ngờ “khả năng” của họ (vì họ có chơi đâu!) thì hãy vào các website Việt Nam, ví dụ GameVN, các thành viên khác sẽ cho bạn câu trả lời.
Nhân đây tôi cũng nhắc bạn nên “gắn bó” với các website dạng này nếu như thích chơi game vì thông tin rất nhiều, chả cần lướt web hay ra tiệm cũng biết có game gì mới, hay giúp người mới tập chơi tránh mua nhầm game không phù hợp (dĩ nhiên là đã có “nạn nhân” rồi!), thỉnh thoảng cũng có “tin vịt” hoặc các ý kiến đối lập nhau nhưng đó còn tùy thuộc vào “bản lĩnh” của bạn.
Trường hợp 3: Đang chơi thì gặp sự cố.
- Nếu thỉnh thoảng bị “đá văng” ra ngoài Windows sau khi chơi từ 1 giờ trở lên và cảnh game “đá” không cố định thì có thể do máy bị nóng nên “mệt” hoặc bộ nhớ quá tải, bạn cần cho máy nghỉ khoảng 15 phút hoặc restart rồi chơi tiếp, và save game nhiều không phải là biện pháp tồi trong tình huống này. Nếu bị “đá” liên tục tại 1 cảnh game thì đó là do lỗi trong game, phải chép bản sửa lỗi trên trang chủ của nhà sản xuất/phát hành hoặc “đi hỏi”.
- Gặp tình huống khi chạy game mà chỉ nghe âm thanh còn màn hình thì “bặt tăm” hoặc hình ảnh bị giật: bạn cần quan tâm đến độ phân giải của game: chuẩn thông thường là 800x600 cho màn hình 17” và 640x480 cho màn hình 15”, đây không phải là độ phân giải của màn hình dù đôi khi có tác động qua lại. Trình điều khiển card đồ họa sẽ giúp bạn thiết lập các thông số phù hợp và vào mục Options của game để chỉnh độ phân giải phù hợp.
Vài lưu ý cuối cùng giúp cho việc chơi game thêm “mượt mà”:
- Một số game đòi hỏi phải có quyền Administrator mới có thể cài đặt/chơi game.
- Tắt/Vô hiệu hóa các trình diệt virus, trojan… vì chúng có thể “hiểu nhầm” và chiếm tài nguyên hệ thống.
- Tắt hết các ứng dụng đang chạy để dành tài nguyên hệ thống cho game, nếu chơi game sau khi làm 1 việc nặng như dùng Photoshop thì hãy restart máy.
- Sử dụng các ứng dụng tối ưu hóa máy tính có thể gây “hiệu ứng ngược”.
- Nếu sử dụng tốt tiếng Anh, bạn có thể gửi thắc mắc bằng email cho nhà sản xuất/phát hành, xem chi tiết trong phần Help.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận