09/01/2019 10:48 GMT+7

Khi học trò nhìn cuộc sống qua lăng kính khoa học

TƯỜNG HÂN
TƯỜNG HÂN

TTO - Từ chuyện nổi mụn tuổi dậy thì, những bất đồng với gia đình đến tô bún ăn mỗi sáng... học sinh THPT ở TP.HCM đã mang vào cuộc thi khoa học kỹ thuật và được đánh giá là rất nghiêm túc, nhạy bén, thiết thực.

Khi học trò nhìn cuộc sống qua lăng kính khoa học - Ảnh 1.

Nhóm học sinh Trường THPT Trần Văn Giàu giới thiệu máy lau sàn bán tự động tại ngày hội - Ảnh: TƯỜNG HÂN

Tác giả của 102 đề tài nghiên cứu khoa học (từ hơn 600 hồ sơ đăng ký) lọt vào vòng chung kết đã gặp nhau vào ngày 8-1 tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong để cùng chia sẻ thêm niềm đam mê sáng tạo.

Học sinh quan tâm gì, có đề tài đó

Sự kiện năm nay trở thành ngày hội lớn cho học sinh 24 quận huyện sáng tạo, học hỏi các giải pháp cho vấn đề sức khỏe, thực phẩm, tiện ích đời sống... Mỗi gian báo cáo có poster giới thiệu, sản phẩm thử nghiệm và tờ rơi thông tin. 

Suốt thời gian thi, các nhóm tác giả sẵn sàng thuyết trình cho khách tham quan và ban tổ chức đến tìm hiểu.

Quan tâm vấn đề thực phẩm, nhóm học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến xây dựng quy trình dùng trái cau nhận biết formol tẩm trong bún, phở. Viên Gia Khánh, học sinh lớp 12, chia sẻ: "Gỏi cuốn, bún phở là món yêu thích của nhiều học sinh. Nhưng nỗi lo về vệ sinh thực phẩm nhiều lúc tạo ra e dè. Chất tanin trong trái cau mà nhóm nghiên cứu, khi kết hợp với formol sẽ tạo ra kết tủa màu hồng hoặc đỏ". 

Dùng giấy thử màu đen, nhỏ nước trụng bún, dung dịch nước cau, axit HCl, hơ nhiệt để quan sát hoặc nhanh hơn có thể nhỏ trực tiếp lên phần thịt cau rồi hơ qua lửa sẽ thấy kết quả. "Đáng mừng là bốn lần đi chợ ở quận 8, quận 5 và quận 10 thì bún, phở ở chợ đều cho kết quả an toàn" - Khánh chia sẻ.

Từ chuyện da liễu ở tuổi học trò vào thời dậy thì, nhiều nhóm nghiên cứu tìm về hoạt chất tự nhiên như hạt đu đủ, trái măng cụt, quả gấc, rau diếp cá... để tìm cách "lấy lại tự tin". 

"Dù nam sinh hay nữ sinh đều tự tin trước đám đông vì vấn đề mụn. Qua kinh nghiệm dân gian, mình biết rau diếp cá dù có mùi hôi nhưng trị mụn tốt" - Nguyễn Đức Bảo, cậu học trò chuyên toán Trường THPT Gia Định, chia sẻ lý do mày mò làm kem trị mụn từ tinh dầu rau diếp cá, cũng cùng với một bạn chuyên toán.

Một đề tài khác được khảo sát tại Trường THPT Lương Thế Vinh, nam sinh Triệu Minh Tài ghi nhận được kết quả bất ngờ: 95% học sinh thừa nhận có bất đồng với cha mẹ, từ mức độ tranh cãi, chống đối, bỏ nhà đi, chống đối từ bên trong. 

"Thỉnh thoảng bạn bè nói bâng quơ cho nhau nghe về gia đình, mặc dù yêu thương nhưng khoảng cách thế hệ, áp lực điểm thấp... và hàng trăm chuyện nhỏ nhặt khác khi bị dồn nén lâu ngày sẽ tạo ra khoảng cách gia đình. Mình nghĩ những nghiên cứu đi sâu vào giải pháp kết nối sẽ giúp cải thiện tình trạng này".

Nhạy bén với vấn đề bức thiết

Điểm chung của nhiều đề tài năm nay là khả năng kết nối với nhóm nghiên cứu ở trường ĐH, tận dụng cơ sở vật chất của các trường. Nhiều nhóm có cơ sở khoa học vững chắc hơn khi có nhân tố giỏi chuyên môn và ngoại ngữ, tham khảo lịch sử nghiên cứu trên thế giới để tìm ra hướng đi mới cho đề tài. 

Ông Phạm Ngọc Tiến - phó trưởng Phòng giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM - chia sẻ: "Bước đầu, học sinh có hoạt động đúng quy trình nghiên cứu khoa học, đề xuất những giải pháp có giá trị, vận dụng kiến thức vào cuộc sống với sự quan tâm của phụ huynh, giáo viên. 

Mong rằng các em còn có nhiều dịp khi ra trường, vào đời, thể hiện được ý tưởng thời học sinh thành những công trình, sản phẩm có giá trị, tác dụng cao hơn trong cuộc sống".

Đánh giá mặt bằng đề tài, TS Nguyễn Thị Bích Hồng, thành viên ban giám khảo, nhìn nhận: "Qua tên đề tài, tôi nhận thấy học sinh rất nhạy bén khi xác định các vấn đề bức thiết, thiết thực ở độ tuổi học sinh. 

Riêng ở lĩnh vực khoa học xã hội hành vi, các em có nhiều đề tài đặc trưng cho tình hình giáo dục phổ thông hiện nay như khảo sát về áp lực về tinh thần, bạo hành ngôn ngữ, đe dọa hình ảnh cá nhân dẫn đến tổn thương tâm lý, cách sử dụng thời gian, điện thoại di động".

Với tinh thần ngày hội, nhiều đoàn học sinh không tham gia nghiên cứu vẫn đến tham dự vòng chung kết. "Không gian này khá giống các buổi triển lãm công nghệ mình từng tiếp xúc, dù sản phẩm có phần thô sơ hơn nhưng cũng rất sáng tạo. 

Mình học hỏi nhiều kiến thức từ chính tác giả, trong đó mình cảm thấy thú vị với đề tài tìm hiểu hoạt chất chữa bệnh sốt rét trong rau xà lách và công nghệ chụp hình tại chỗ đo khả năng ung thư da bằng trí tuệ nhân tạo" - Lê Minh Thống, một học sinh ở quận 7, chia sẻ.

Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh lớp 8, lớp 9 (THCS), THPT và GDTX trên địa bàn TP.HCM với 22 lĩnh vực dự thi từ khoa học động vật, thực vật, khoa học xã hội và hành vi, kỹ thuật y sinh, năng lượng hóa học, cơ khí, kỹ thuật môi trường, vật lý thiên văn, robot và máy thông minh, toán học, vi sinh... Ban tổ chức dự kiến chọn ra 33 đề tài giải nhất từ vòng chung kết để thi cấp quốc gia.

Mỗi dự án có một giáo viên trung học bảo trợ, có người hướng dẫn khoa học (không bắt buộc) thuộc trường ĐH, viện nghiên cứu, cơ sở khoa học công nghệ. Ngoài tiêu chí về tính sáng tạo, cuộc thi còn đánh giá kế hoạch nghiên cứu, khả năng trình bày của thí sinh.

Giật mình học sinh xài điện thoại 6 tiếng/ngày Giật mình học sinh xài điện thoại 6 tiếng/ngày

TTO - 'Ở TP.HCM có 37,7% học sinh sử dụng điện thoại từ 5-6 tiếng/ngày. Tại tỉnh Bình Dương tỉ lệ này là 41,2 %'. Và điều đáng lưu tâm là khá nhiều học sinh cho biết các em cảm thấy lo sợ, bất an khi không có điện thoại bên cạnh.


TƯỜNG HÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên