Và rồi khi bản AI của Salma Hayek phóng uế trong nhà thờ, Hayek "thực" buộc phải tìm đến luật sư để ngăn chặn sự lan tràn hình ảnh xấu xí của mình.
Thế giới deepfake (siêu giả) kiểu như vậy có thể thành hiện thực khi mà chỉ một tuần trước, Google và Universal Music cho biết họ đang khởi động một cuộc đàm phán để thỏa thuận cấp phép giọng hát và giai điệu của các nghệ sĩ cho các công cụ sáng tạo nội dung AI.
Thú tiêu khiển không vô hại
Google và Universal Music đã nhìn ra tương lai của trào lưu ghép giọng ca sĩ này vào bài hát nọ. Nếu là một người nghiện YouTube, có lẽ bạn đã biết đến tài khoản There I Ruined It được một anh chàng lập ra trong thời kỳ COVID-19 với slogan: "Tôi thích hủy hoại những bài hát yêu thích của mình".
Các ý tưởng của anh nghe qua thì tào lao, ví dụ như tượng đài nhạc đồng quê Johnny Cash với tông giọng đục khàn sẽ hát bản dance pop thập niên 1990 ngọt như kẹo dẻo Barbie Girl như thế nào?
Bản gangsta rap kinh điển Straight Outta Compton về những băng đảng đường phố sẽ ra sao qua giọng ca miền viễn Tây của huyền thoại Hank Williams từ những năm đầu thế kỷ 20?
Hay một bản crunk (một tiểu loại rap) sẽ biến hóa kiểu gì dưới sự thể hiện của biểu tượng nhạc jazz Louis Armstrong? Đúng, chúng đều nghe rất tào lao, nhưng thật khó tin là những phiên bản trình diễn do AI thực hiện này lại hết sức bắt tai và hấp dẫn bất ngờ.
Một số người có thể nghĩ rằng trào lưu dùng AI ghép giọng chỉ là một thú tiêu khiển cho vui, nhưng có thể họ sẽ phải nghĩ lại khi Paul McCartney hứa hẹn sẽ sáng tạo đĩa nhạc hoàn chỉnh cuối cùng của The Beatles bằng cách tận dụng AI để "kéo" giọng của John Lennon trong bản demo ra.
Trong khi đó, nữ ca sĩ electropop nổi tiếng Grimes hân hạnh mời mọi người tự do sử dụng giọng của cô cho các ca khúc AI.
AI sẽ bình đẳng với con người?
Vào tháng 7 vừa qua, Viện hàn lâm Âm nhạc Hoa Kỳ cũng thông báo một loạt thay đổi về giải thưởng Grammy với mục tiêu phản ánh tốt hơn những sự thay đổi trong ngành công nghiệp ghi âm, trong đó mặc dù vẫn giữ nguyên tiêu chí chỉ con người mới được đề cử giải thưởng, nhưng các ca khúc có yếu tố AI hoàn toàn đủ tiêu chuẩn để được xét giải.
Thứ mà nhạc AI thách thức không chỉ có bản quyền và khung pháp lý, có lẽ điều lớn lao nhất mà nó đang làm lung lay, đó là giá trị của sự chân thật trong âm nhạc. Nghệ thuật là thành lũy cao nhất của nhân tính, và nếu như cả nghệ thuật cũng bị máy hóa, người ta sợ rằng con người sẽ chẳng còn gì nữa.
Thực ra không phải đợi tới khi công nghệ phát triển như hôm nay, chúng ta mới thích những ban nhạc ảo hay những giọng ca ảo.
Cuối thập niên 1960, người ta từng chứng kiến The Archies - một ban nhạc hoạt hình - soán ngôi đầu bảng Billboard Hot 100 lúc ấy đang được nắm giữ bởi The Rolling Stones, và trở thành ban nhạc ảo duy nhất trong lịch sử giành danh hiệu ca khúc số 1 của năm tại bảng xếp hạng này, với bản hit Sugar, Sugar.
Tất nhiên, đằng sau hoạt hình vẫn là những ca sĩ, nhạc sĩ bằng xương bằng thịt, khác với AI chỉ là thuật toán. Tuy nhiên, thành công bất ngờ ấy chứng minh rằng đôi khi con người sẵn sàng đánh đổi cảm giác chân thật để có được cảm giác làm chủ một thế giới giả hoàn hảo.
Nhưng trước khi phản đối trí tuệ nhân tạo, bạn hãy cứ nghe thử Hank Williams bản AI hát ca khúc gangsta rap của N.W.A theo phong cách cao bồi trên lưng ngựa cái đã.
Khi nghe câu kết: "Từ Nashville hát những bản rap điên rồ, nhưng giọng tôi không thực sự phù hợp lắm. Tôi cô đơn đến mức phát khóc, và chẳng có gì hay ho được sản sinh từ thứ AI này cả", có khi bạn sẽ bật cười và trộm nghĩ, đoạn nhạc ghép này cũng hay ho ra phết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận