17/04/2015 09:38 GMT+7

​Khi đàn ông bị thử thách

NGUYỄN NGỌC THUẦN
NGUYỄN NGỌC THUẦN

TT - Chuyện gì xảy ra khi theo phản xạ tự nhiên trước một tai nạn bất ngờ, ở đây là một trận lở tuyết, người chồng vùng bỏ chạy, bỏ mặc vợ con?

Cảnh cả gia đình đánh răng trước một tấm kính lớn trong phim Force majeure - Ảnh: imdb
Cảnh cả gia đình đánh răng trước một tấm kính lớn trong phim Force majeure - Ảnh: imdb

Trong khi người vợ chân yếu tay mềm lại là người đứng lại bảo vệ hai đứa con nhỏ trong thời khắc hiểm nghèo nhất.

Nghịch lý hơn nữa, hóa ra chẳng có trận lở tuyết nào, chỉ là một mớ sương mù hỗn độn ùn ùn đổ sụp. Sau khi sương tuyết tan, người chồng tẽn tò quay lại. Thay vì thoát khỏi một tai nạn thảm khốc thì giờ đây anh ta đang đối diện với sự đổ vỡ trong hôn nhân. Chuyến đi trượt tuyết tưởng đem lại hạnh phúc cho gia đình, lại đem đến một thảm họa.

Bộ phim Force majeure (Thụy Điển, đạo diễn sinh năm 1974 Ruben Östlund) mở đầu như thế với nhạc nền rền rĩ, một bối cảnh đầy tuyết trắng tuyệt đẹp, trong một ngày bình yên đến nỗi người ta tin rằng mình có thể làm được những điều tốt đẹp cho gia đình, cho đến khi trận lở tuyết “không hề diễn ra”.

Câu hỏi được đặt ra cho người chồng lúc này là gì?

Anh ta chạy trốn theo phản xạ tự nhiên?

Anh ta là một kẻ hèn nhát chỉ lo mạng sống của mình?

Hay còn lý do nào khác?

Cái nào cũng có thể xảy ra.

Nhưng dù bất cứ lý do gì thì nó đều báo hiệu cái chết không tránh khỏi trong bản chất của một người đàn ông thực thụ. Trận lở tuyết không phải là điều đáng sợ nhất, mà chính là bản thân anh ta bắt đầu sống trong sự kinh tởm của bạn bè, vợ con và cả chính anh ta.

Hay nói cách khác, người đàn ông bắt đầu sống trong chính bi kịch “là đàn ông” của mình. Anh ta có còn xứng đáng với tên gọi một người đàn ông được viết hoa nữa không.

Sau trận lở tuyết không xảy ra, câu hỏi đầu tiên trong đầu của hai đứa trẻ cũng chính là “bố đã ở đâu” trong cơn hoạn nạn này? Và sự câm nín đến khó hiểu của người vợ.

Có một cảnh được lặp lại trong phim là cảnh cả gia đình đánh răng trước một tấm kính lớn. Những con người xếp hàng ngang, nhìn đối diện mình trong gương vào buổi tối. Nó có vẻ là một việc đơn giản trong mọi gia đình, nhưng khi trận lở tuyết xảy ra lại là những giờ phút ngột ngạt nhất, quá trình chung đụng cả bên ngoài lẫn bên trong những hình ảnh hiện hữu của chính họ. Họ buộc phải tránh nhìn nhau bên ngoài lẫn bên trong gương.

Cuộc đi trượt tuyết của gia đình vẫn tiếp tục những ngày kế tiếp, bởi chính bản thân những người trong cuộc vẫn không biết nên xử trí với sự kiện đó như thế nào. Họ tiếp tục suy nghĩ về nó, chịu đựng nó và không nói ra. Họ muốn bình thường hóa nó nhưng nó vẫn treo lủng lẳng đâu đó trong tâm hồn nhau, chờ đến lúc bùng nổ.

Cái hay của Force majeure là ở chỗ những sự kiện kinh hoàng trấn áp người xem theo kiểu phim bom tấn không hề có, thậm chí chi tiết kinh hoàng nhất trong phim là trận lở tuyết cũng không hề xảy ra. Thay vào đó, nó lại đưa tâm trạng người xem vào một vụ nổ còn đáng sợ hơn: sự đổ vỡ về những giá trị thuộc về lòng tin giữa con người với con người.

Chúng ta, những người quan sát trận lở tuyết sẽ làm gì trong tình trạng như thế? Chúng ta sẽ bảo vệ mạng sống “không được phép dừng lại” của chúng ta, hay chúng ta sẽ hi sinh nó để bảo vệ những điều thiêng liêng hơn như gia đình, lẽ sống, sự tận hiến cho người khác, cũng là tương lai của chính mình?

Suốt cả bộ phim có thể người xem sẽ không tìm thấy câu trả lời nào thỏa đáng về sự yếu đuối của con người. Với khoảnh khắc chớp nhoáng đó, bạn có đủ tỉnh táo để hành xử ngược lại hay không, bạn không có đủ thời gian để có một sự lựa chọn đúng đắn hay không, tùy thuộc vào chính bản chất sâu thẳm. Mà điều đó lại thuộc về vô thức.

Đó là về phía người đàn ông, còn người phụ nữ thì sao, nếu chúng ta là cô ấy, bị người đàn ông bỏ rơi trong lúc nguy cấp? Chúng ta sẽ chọn thái độ nào trước câu chuyện này? Chấp nhận tiếp tục cuộc hôn nhân nhưng đổ vỡ niềm tin hay sẽ hủy hoại nó để có thể sống một cách thanh thản hơn?

Điện ảnh năm 2014 phải nói rằng đã để lại những bộ phim đậm chất suy tư nhất về con người, và Force majeure là một trong những ví dụ xuất sắc, một bộ phim tâm lý day dứt cho đến phút cuối.

Nó hấp dẫn chúng ta bằng những câu hỏi đánh động về lương tri. Và phá vỡ chúng ta cũng bằng chính câu hỏi đó.

Cách đưa đẩy câu chuyện gần cuối phim là một hành động cố chống chọi và hàn gắn. Người chồng òa khóc tức tưởi, rống lên, nằm úp mặt xuống sàn nhà, hai đứa con chạy đến ôm, sau đó gọi mẹ chúng đến ôm người cha giờ phút này đã trở thành một điều sỉ nhục. Và quan trọng hơn, những điều đó có thể hàn gắn những tâm hồn đổ vỡ không? E là không.

Âm nhạc rất tuyệt, bối cảnh rất tuyệt, diễn viên rất tuyệt, câu chuyện tiết chế, sắc sảo. Một bộ phim xứng đáng giành lấy cho mình những nhành nguyệt quế như nó đã từng có (đề cử phim nước ngoài hay nhất tại Quả cầu vàng 2015, giải Un certain regard - Một góc nhìn tại LHP quốc tế Cannes 2014 và 28 giải thưởng khác).

NGUYỄN NGỌC THUẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên