TT - Tại hội nghị sơ kết lượt đi mùa giải bóng đá 2011 ngày 6-5 ở Hà Nội, trả lời câu hỏi sẽ có bao nhiêu đội lên - xuống hạng ở mùa giải năm nay, trưởng ban tổ chức giải Dương Nghiệp Khôi nói điều này còn tùy thuộc sự chuyên nghiệp của các CLB ở giải hạng nhất.
Câu trả lời này không sai vì điều lệ của V-League 2011 đã quy định rất rõ về số lượng đội sẽ lên xuống hạng dựa theo ba trường hợp. Cụ thể, nếu đến 17g ngày 31-7-2011 Giải hạng nhất có chín đội chuyên nghiệp thì V-League có 1,5 suất xuống hạng (một rớt hạng trực tiếp, một tranh vé vớt). Nếu có 10-12 đội, V-League sẽ có hai suất xuống hạng. Nếu có 13-14 đội, V-League sẽ có 2,5 suất xuống hạng. Nói chính xác, số đội ở V-League 2011 bị rớt hạng tiếp tục phụ thuộc vào Giải hạng nhất.
Điều này cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp của bóng đá VN bởi theo quy định của LĐBĐ VN (VFF), năm 2014 là thời hạn cuối để các CLB hạng nhất chuyển đổi sang mô hình chuyên nghiệp. Với thời hạn quá xa này, nếu không có lợi trong việc thăng hạng V-League thì các CLB hạng nhất chưa chuyên nghiệp không “dại” chuyển đổi mô hình sớm để có lợi (thăng hạng) cho đội khác.
Cũng từ sự nhập nhằng này, ở mùa trước CLB xếp áp chót bảng Navibank Sài Gòn đã được tranh vé vớt và ở lại V-League 2011 thay vì rớt hạng như đúng luật. Trong khi đó, á quân Giải hạng nhất Than Quảng Ninh thay vì ăn mừng thăng hạng trực tiếp lại phải đá vé vớt và mất quyền thăng hạng do thua Navibank Sài Gòn.
Chuyện này có khả năng lặp lại ở mùa này khi các CLB ở Giải hạng nhất như An Giang, Quảng Nam, XSKT Cần Thơ, Huda Huế... vẫn chưa cho thấy động tĩnh gì trong việc chuyển đổi mô hình sang CLB chuyên nghiệp. Do đó, hai đội chót bảng hiện nay ở V-League 2011 với 10 điểm sau 13 trận là Đồng Tâm Long An và Hà Nội ACB có lẽ không phải quá lo lắng bị rớt hạng trực tiếp. Bởi chỉ cần xếp hạng 13/14 vào cuối mùa bóng là Đồng Tâm Long An hoặc Hà Nội ACB vẫn còn cửa trụ hạng bằng trận tranh vé vớt.
PHẠM QUỲNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận