11/08/2011 07:28 GMT+7

Khi chị em học quản lý chi tiêu

MAI VINH
MAI VINH

TT - Hai ngày cuối tuần vừa qua, nông dân ở xã An Điền, huyện Thạnh Phú và xã An Nhơn, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre háo hức rủ nhau đi học... quản lý tài chính.

7CiZ9dGZ.jpgPhóng to
Nhóm phụ trách lớp hướng dẫn bà con định hình các khoản thu nhập cần thiết Ảnh: MAI VINH

Khu nhà bếp của miễu Bà ở xã An Điền sáng 7-8 rộn ràng tiếng cười nói dù không phải là ngày cúng lễ. Những chiếc bàn tròn bằng gỗ thô thâm đen được chà rửa cẩn thận từ trước đó và được sắp xếp lại theo trật tự. Gần 50 phụ nữ dự lớp, vài ba chị phe phẩy nón lá cười nói: “Tui đi học để về nói chuyện cho ổng biết mặt, tiền nong gì mà không rõ ràng gì hết”. Khi giảng viên, những nhân viên trẻ của Ngân hàng HSBC TP.HCM, vừa bước lên lớp là các cặp mắt chăm chú tập trung nuốt lấy từng chữ.

“Tiền ơi là tiền...”

Lớp học về quản lý tài chính trong gia đình là dự án hoạt động cộng đồng mới của một nhóm nhân viên trẻ ở Ngân hàng HSBC TP.HCM. Dự án hiện đã phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện ở Hậu Giang và Bến Tre bằng kinh phí từ Ngân hàng HSBC, nhằm giúp bà con nông dân ở vùng sâu vùng xa có cách tính toán thu chi trong gia đình một cách khoa học. Dự án đã triển khai cho 300 người dân ở mười lớp, sắp tới sẽ thực hiện tại TP.HCM, Long An, Tiền Giang.

“Trời ơi là trời, tiền ơi là tiền. Tiền đám cưới nhà anh hai, tiền chữa bệnh cho con... Chồng ơi, ông bán tui đi mà được tiền thì bán cũng được rồi đó”. Người phụ nữ trong vở kịch ôm mặt khóc. Lẫn trong đám đông, “học trò” Lưu Thị Năm đưa vạt áo chặm mắt, những chị bên cạnh cũng sụt sùi.

Những người phụ nữ sống trên các vuông tôm có chung nỗi lo không đủ tiền trang trải cuộc sống khi đợi vụ thu hoạch kế tiếp, chưa kể rủi ro mất mùa, thiên tai. Chị Năm nói: “Chồng ở nhà không lo làm ăn, thằng con trai bỏ học giữa chừng đi làm công nhân, chưa làm đã bị đau nằm ở Sài Gòn chờ mẹ lên thăm, bao nhiêu chuyện phải chi tiêu nên mùa thu hoạch chưa đến mà túi trống trơn rồi”.

Hai tay ôm con, ngồi dựa vào cột nhà ở cuối lớp, chị Phan Thị Hiền nhìn chăm chú lên màn hình với ánh mắt hi vọng. Chị bảo: “Tui tính rồi, cứ tính toán tiền nong bằng cách bấm đốt ngón tay thì không dành dụm được đâu dù có tằn tiện”. Ngập ngừng một lúc rồi vuốt đầu con, chị nói tiếp: “Tui muốn sắp nhỏ được đi học xa, làm này làm nọ với người ta”.

Trong buổi học, giảng viên hướng dẫn cho bà con hiểu chi tiêu nào thuộc về nhu cầu thiết yếu, chi tiêu nào thuộc về thứ yếu bằng những hình ảnh minh họa gần gũi được thu thập từ cuộc sống của vùng Tây Nam bộ. Có học viên mắc cỡ vì “lớn rồi ai chơi xếp hình” khi mỗi học viên được phát một bộ hình in toàn hình ảnh trứng gà, rau củ, gạo, tiền thừa kế, tiền trúng số...

Các giảng viên nhẹ nhàng bảo các dì, các chị phân biệt rõ giúp cái nào trong hình là chi tiêu, cái nào là thu nhập. Sau mỗi câu trả lời đúng là một phần quà nho nhỏ và những tràng pháo tay động viên. Sau những ngại ngùng ban đầu thì ai cũng ham phát biểu. Mỗi cánh tay giơ lên xin phát biểu kèm tiếng: “Tui nè cậu”...

“Ông nhà hỏi thì tui đưa ra”

“Mỗi khi cầm một số tiền lớn trong tay, mấy dì làm sao tính toán chi tiêu?” - giảng viên hỏi. “Thưa cậu, tui cứ thấy khoản nào cần là chi trước, những chuyện gì muốn làm mà mùa thu hoạch trước chưa làm thì giờ làm” - chị Lê Thị Né trả lời. Giảng viên hỏi dồn: “Rồi có thiếu hụt gì không dì?”. Chị Né gãi đầu cười rồi ngồi xuống.

Giảng viên nói: “Thưa bà con, hằng ngày bao nhiêu chuyện làm sao mà nhớ hết chuyện chi cái gì, bao nhiêu. Chi bằng mình làm cuốn sổ, mỗi đêm nhẩm lại rồi ghi vô để kiểm soát cho tiện”. Nói rồi nhóm hướng dẫn phát cho lớp học mỗi người một cuốn sổ được in ấn cẩn thận, có hình vẽ minh họa và hướng dẫn cách lập sổ cụ thể.

Mỗi người ngồi tại chỗ ghi vô sổ những chi tiêu ngày hôm qua. Những đôi tay quen ngâm trong nước phèn, nước mặn run run nắn nót từng chữ. Có chị mím môi lại mới ghi được vài chữ, mồ hôi trên trán rịn ra. Có tiếng xì xào: “Mới hôm qua mà nay quên béng rồi”. Ghi xong, nhiều chị nhoẻn miệng cười: “Ông nhà hỏi tui đưa ra, đỡ mất công nói dài dòng, ổng nổi quạu thì mệt”.

Ngồi ở đầu lớp, cô Nguyễn Thị Kim thắc mắc: “Làm sao tui ghi sổ được cậu, tui có biết chữ đâu, tui quen tính nhẩm rồi”. Giảng viên đến tận nơi và chỉ vào từng mục: “Tụi con đánh số từng mục, con chỉ cho cô hiểu từng mục rồi cô bảo tụi nhỏ ở nhà ghi phụ”.

Rôm rả nhất là phần thi trắc nghiệm để hướng dẫn bà con xác định khoản thu nhập chính. Một câu hỏi đặt ra: “Tiền trúng số là thu nhập chính hay phụ?”. Ở cuối lớp có người đàn ông phát biểu đó là thu nhập chính vì tiền nhiều, trúng là xài cả đời. Chị Đặng Thị Chia ngồi gần đó vỗ vai người đàn ông, bảo: “Ông tính kỳ quá, trúng số độc đắc thì nhiều thiệt nhưng năm thì mười họa ông mới trúng. Ông ngồi đó đợi trúng rồi đói à, đừng có mơ màng ông ơi...”.

Cuối lớp học, một nữ phụ trách lớp đang ngồi nghe chị Kim kể về chuyện nợ nần chưa trả được, rồi tiền vay ngân hàng lần sau chồng lên lần trước, lãi mẹ đẻ lãi con. Lật cuốn sổ vừa được phát, người phụ trách ghi số nợ và hỏi cặn kẽ thu nhập rồi hướng dẫn cách dành dụm từng tháng, chia nhỏ nợ ra trả một cách rạch ròi. “Nếu chị tuân thủ chặt chẽ kế hoạch này, chậm nhất 16 tháng chị trả hết nợ”. Chị Kim gật gù, trên mặt chị nét căng thẳng chợt giãn ra...

MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên