Biết “Cái Răng” nào?
Đặt theo tên địa phương Một cán bộ Sở GTVT TP Cần Thơ cho biết hiện việc đặt tên cầu thường theo địa danh của địa phương như vàm Đầu Sấu có cầu Đầu Sấu, rạch Cái Sơn có cầu Cái Sơn... Không giống như đặt tên đường có cả hội đồng đặt đổi tên và trình HĐND tỉnh thành quyết định, tên cầu thường do cơ quan chủ quản xây cầu đặt nên dẫn đến tình trạng trùng tên như trên. Theo ghi nhận, tại TP Cần Thơ còn có các cầu na ná tên như cầu Bình Thủy, Bình Thủy 2; cầu Rạch Ngỗng, Rạch Ngỗng 2... |
Đầu năm nay, ông Ba (quê ở Vĩnh Long) cùng người nhà đi xe máy qua thăm cháu ở đường tỉnh 923 (Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Người cháu chỉ đường cho ông Ba đi: “Từ chân cầu Cái Răng quẹo phải vào đường tỉnh 923 chạy thẳng chừng vài cây số tới nhà”, vậy mà đi đoạn đường chừng 50km từ nhà ông tới nhà người cháu mà ông phải mất... cả buổi sáng do đi lạc.
Số là khi vừa qua cầu Cần Thơ, ông Ba hỏi thăm mấy bác xe ôm đường đến cầu Cái Răng thì được chỉ thẳng đến cầu Cái Răng mới trên đường dẫn cầu Cần Thơ. Đến cầu, tìm mãi không thấy nhà thờ An Bình nào như hướng dẫn của cô cháu, ông Ba hỏi người dân địa phương thì mới tá hỏa đây là cầu Cái Răng mới, còn cầu Cái Răng mà ông cần tìm nằm trên quốc lộ 1A (cũ) cách đó chừng 3km.
Do con đường mới mở lạ hoắc nên ông Ba phải tiếp tục hỏi thăm người dân địa phương rồi lần mò đến cầu Cái Răng trên quốc lộ 1A...
Sáng 14-2, tại cầu Cái Răng trên đường dẫn cầu Cần Thơ, chúng tôi hỏi đường qua cầu Cái Răng trên quốc lộ 1A, anh Lộc (một người dân ở P.Thường Thạnh, Q.Cái Răng) quả quyết: “Chắc anh bị lộn rồi. Ở đây có rất nhiều người đi lộn cầu như anh”.
Anh Lộc kể mấy ngày trước anh hẹn người bạn từ Hậu Giang ở cầu Cái Răng trên đường dẫn cầu Cần Thơ và dặn bạn đứng ở nhà hàng Mỹ Xuyên để anh ra đón dẫn vô nhà, nhưng chờ mãi không thấy bạn đâu. Đến khi cô bạn gọi điện trách “Tui đang đứng ở cầu Cái Răng, có thấy nhà hàng Mỹ Xuyên nào đâu” thì anh mới biết bạn mình đã đi lộn cầu...
Khổ cho người bệnh
Nhà của bác sĩ Nguyễn Thanh Hồng ở sát chân cầu Rau Răm nằm trên đường Vòng Cung (còn gọi là đường tỉnh 923) thuộc P.An Bình, Q.Ninh Kiều tưởng dễ tìm, nhưng các bệnh nhân cũng phải vã mồ hôi mới tìm được bởi cách đó hơn 2km cũng có cầu Rau Răm trên đường Nguyễn Văn Cừ nối dài.
“Tôi thường chỉ bệnh nhân qua cầu Rau Răm nhìn bên trái là nhà tôi nhưng họ thường đi qua cầu Rau Răm trên đường Nguyễn Văn Cừ hoài à. Bệnh nhân thường đi xe ôm nên mỗi khi đi lộn cầu xe phải chạy lòng vòng khiến bà con vừa tốn tiền xe vừa tốn tiền điện thoại gọi hỏi thăm đường” - bác sĩ Hồng kể.
Không chỉ người bệnh ở xa mới nhầm cầu Rau Răm như thế. Bác sĩ Hồng kể trước đây một cửa hàng bán hoa ở Q.Ninh Kiều cử người giao hoa tới nhà bác sĩ Hồng cũng mất mấy giờ vì đi nhầm cầu. Bác sĩ Hồng ngán ngẩm: “Người ở đây còn vậy, người ở xứ khác như Sóc Trăng, Hậu Giang đến đây bị lạc là cái chắc”.
Theo người dân địa phương, đường tỉnh 923 và đường Nguyễn Văn Cừ nối dài đều đi ngang qua rạch Rau Răm và rạch Cái Sơn nên ở hai đường này đều có cầu Rau Răm và cầu Cái Sơn, trong đó cầu Rau Răm và cầu Cái Sơn trên đường Nguyễn Văn Cừ nối dài được “khai sinh” muộn hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận