Phóng to |
Thanh Tùng đang chơi cho đội bóng rổ của lớp - Ảnh: V.T.B. |
Trịnh Thanh Tùng vừa vào lớp 12 chuyên hóa (Trường THPT chuyên Lào Cai), còn Phạm Thị Thanh Thủy năm nay lên lớp 7C (Trường THCS chuyên Lê Quý Đôn). Cả hai đều học giỏi và là học sinh các trường chuyên của tỉnh.
Người bé hạt tiêu nhưng Thanh Thủy đã thành trụ cột trong gia đình, thay mẹ lo việc nhà, nuôi em nhỏ. Không những thế, nhiều năm liền Thủy là học sinh giỏi và là thủ lĩnh năng động của trường. Từ 5 tuổi Thủy đã sống cùng ông bà nội vì lúc ấy bố Thủy - trung tá Đặng Hồng Vương đang bám trụ ở đồn biên phòng Simacai - xa nhà hàng trăm cây số; mẹ - đại úy Phạm Tú Oanh vừa nhận công tác ở đồn biên phòng Tả Gia Khâu - nơi khó khăn, hiểm trở nhất của tỉnh Lào Cai. Đồn biên phòng xa xôi cách trở, sóng điện thoại chập chờn nên chỉ thỉnh thoảng Thủy mới liên lạc được với bố mẹ, vài tháng mới được gặp bố mẹ một lần.
Bây giờ Thủy tròn 12 tuổi. Em gái Thủy mới 4 tuổi, đang học mẫu giáo. Hằng ngày từ 5g sáng Thủy đã dậy dọn dẹp nhà cửa, nấu bữa sáng cho cả nhà, dỗ em ăn rồi bế em tới trường... Xong xuôi em mới tiếp tục đạp xe đến trường cách nhà hơn 4km. Học xong, Thủy vội vã đạp xe ra chợ mua thức ăn làm bữa. Xong bữa tối lại lăn ra dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo và dỗ em ngủ, học bài. Ròng rã mấy năm liền lịch sinh hoạt của Thủy đều đặn như thế.
Còn cha của Trịnh Thanh Tùng - đại úy Trịnh Quang Trường, cũng chín năm liền làm việc tại đồn biên phòng xa xôi Tả Gia Khâu; người mẹ, chị Nguyễn Thị Len, làm nhân viên tổng đài kiêm quân bưu ở biên phòng tỉnh.
Vừa tự học vừa giúp mẹ chăm em trai, Thanh Tùng liên tục là học sinh giỏi. Người học trò ấy có gương mặt cương nghị như một người trưởng thành. “Cha mẹ thường xuyên vắng nhà nên cháu sống rất có trách nhiệm, nghiêm túc “- người mẹ bảo. Năm ngoái Tùng là phó bí thư chi đoàn lớp và đang cùng đội bóng rổ khối lớp 12 tập luyện chuẩn bị thi đấu trong một giải chuẩn bị năm học mới.
Tự hào và thương bố mẹ hơn
Trịnh Thanh Tùng tâm sự: “Bố em thường xuyên vắng nhà. Mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều do một mình mẹ chăm lo trong khi còn phải làm việc trong ngành thông tin rất bận. Tuy vậy, bố mẹ vẫn luôn động viên em học tập. Em rất tự hào về công việc của bố mẹ và luôn cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng mong mỏi của bố mẹ”.
Phóng to |
Một gia đình có cả vợ chồng cùng là bộ đội biên phòng thì có gì đặc biệt? “Chúng tôi rất hiểu công việc của nhau, dễ thông cảm cho nhau hơn để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống”- chị Len nói.
Còn đại úy Phạm Tú Oanh lại là một trường hợp khá tiêu biểu: là một trong bốn nữ sĩ quan hiện công tác tại các đồn biên phòng Lào Cai, khi có những nhiệm vụ đặc biệt các đồn rất cần đến họ. Dù được sắp xếp thời gian công tác tại đồn ngắn hơn so với đồng nghiệp nam, nhưng những hi sinh thầm lặng của các chị thật đáng ngưỡng mộ. Khi chúng tôi đến, con đường lên đồn nơi chị Oanh làm việc đã bị sạt lở, ách tắc. Trong khi đó sóng điện thoại chập chờn nên chị vẫn chưa gọi điện về nhà hỏi thăm chồng con được.
Trong hoàn cảnh cha mẹ đều làm công việc đặc thù như vậy, những đứa con đã sống rất nghị lực và đang xây đắp ước mơ đẹp. Thanh Tùng năm nay sẽ thi vào đại học xây dựng, còn Thanh Thủy tâm sự rất hồn nhiên và chân thành: “Nhiều lần thấy người nghèo bị bệnh, người nhiễm chất độc da cam, cháu thương lắm nên mong trở thành bác sĩ giỏi chữa bệnh cho mọi người”. Cô bé đang tuổi ăn tuổi lớn ấy lặng lẽ cáng đáng hết công việc mà có lẽ ngay với người trưởng thành cũng khá vất vả.
“Xa ba mẹ cháu buồn và tủi thân lắm nhưng dần rồi cũng quen - giọng cô bé chùng xuống rồi lại rạng rỡ với vẻ rắn rỏi - Ngày trước còn bé, chưa hiểu rõ về công việc của bố mẹ nên buồn, thậm chí giận nữa, nhưng bây giờ cháu thấy tự hào và thương bố mẹ hơn”.
Nuôi dưỡng ước mơ miền biên cương Tổ quốc Hôm nay, 25-8, lễ trao học bổng “Gần lại với biên cương” được tổ chức tại Bảo tàng Hồ Chí Minh dành cho 263 gương mặt học sinh vượt khó học khá, giỏi là con em cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng ở bảy tỉnh biên giới phía Bắc. Học bổng do báo Tuổi Trẻ và Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng phối hợp tổ chức; Tổng công ty Viễn thông quân đội Viettel tài trợ với tổng kinh phí gần 900 triệu đồng (trị giá 2 triệu đồng/suất). Học bổng là nghĩa tình gửi đến các chiến sĩ biên phòng ngày đêm canh giữ biên cương Tổ quốc, đồng thời khích lệ HS miền biên ải phát huy tinh thần học tập, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão. Sáng nay, trước khi nhận học bổng, các HS đã dự lễ báo công và vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, dâng hương tưởng niệm tại đài liệt sĩ Bắc Sơn. Trước đó, ngày 24-8, các HS nhận học bổng từ các tỉnh đã tề tựu về thủ đô Hà Nội tham quan, vui chơi và xem chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc của Nhà hát Tuổi Trẻ. |
Phóng to |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận