25/08/2022 09:21 GMT+7

Khi bệnh viện không muốn tự chủ...

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Sau Bệnh viện Bạch Mai, đến lượt Bệnh viện K đề nghị xin ngưng tự chủ toàn diện bệnh viện.

 Trước đó nữa, từ năm 2021 Bộ Tài chính đã có đề nghị Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định không tiếp tục thí điểm tự chủ đối với Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Việt Đức (khi 2 bệnh viện này chưa chính thức triển khai).

Cuối năm 2019, khi đề án thí điểm cho phép tự chủ toàn diện 4 bệnh viện kể trên đã mang đến nhiều hy vọng cho cả Bộ Y tế, bệnh viện và y bác sĩ.

 Khi đó, ai cũng nghĩ đề án sẽ "cởi trói" về cơ chế khi bệnh viện được quyết định về nhân lực, lương, giá dịch vụ và nhiều điểm nghẽn, điểm vướng khác. Thay vào đó, bệnh viện sẽ hoàn toàn không còn nhận được hỗ trợ từ ngân sách.

Ông Dương Đức Hùng, chủ tịch hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ: "Là bệnh viện tự chủ, nhưng thực tế bệnh viện không được tự quyết bất kỳ điều gì". 

Giả sử bệnh viện tìm được nhân lực giỏi, có chuyên môn, kinh nghiệm điều hành bệnh viện, có thể bổ nhiệm làm lãnh đạo được không thì thực tế là không bởi còn quy định ràng buộc xem người đó có trong quy hoạch hay không?

Trong khi đó, viện phí chưa được "tính đúng tính đủ" thì tự chủ cũng khó vì lấy đâu ra kinh phí để trả lương, phụ cấp?

Ông Lê Văn Quảng, giám đốc Bệnh viện K, cho hay từ khi thực hiện tự chủ, bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn. "Bệnh viện tự chủ nhưng không được tự quyết về viện phí mà vẫn theo quy định khung giá chung. Về nhân lực, bệnh viện cũng không được tự quyết hoàn toàn mà vẫn phải có đề án báo cáo Bộ Y tế" - ông Quảng nói.

Những điểm vướng này đã dẫn đến các bệnh viện chỉ tự chủ trên giấy, lại bị cắt nguồn hỗ trợ từ ngân sách, trong khi các khoản thu vẫn thế, lại thêm khó khăn từ dịch COVID-19.

Theo ông Trần Tuấn, chuyên gia phản biện chính sách y tế, nghị quyết 33/2019 cho phép thí điểm tự chủ toàn diện bệnh viện là "phép thử" trao toàn quyền cho y tế, thực hiện giấc mơ vận hành bệnh viện công theo hình thức như bệnh viện tư. 

"Nhưng trong lúc bệnh viện tư đã vượt qua đại dịch thì các bệnh viện công tự chủ toàn diện lại "buông súng", muốn trở về công lập bình thường" - ông Tuấn nói.

Rõ ràng khi bắt đầu thí điểm, người ta đã không đặt ra hết các tình huống, các điều kiện kèm theo để bệnh viện có thể tự chủ toàn diện. Và kết quả là đề án thất bại.

Tuy nhiên, điều đó đáng mừng hay đáng lo? Các chuyên gia đánh giá đây là điều đáng mừng vì bệnh viện công trở về trạng thái công lập đích thực. Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K trở lại là cơ sở y tế tuyến đầu, là nơi chữa bệnh khó và nặng, bệnh nhân bảo hiểm y tế, người có nhu cầu, nghiên cứu khoa học, dẫn dắt về chuyên môn cho y tế.

Tất nhiên, để bệnh viện tự chủ quay trở lại là "công lập đích thực", không phải Nhà nước quay lại cấp cho họ chút ngân sách như trước đây là xong, mà muốn các bệnh viện như Bạch Mai, K giữ được vai trò đầu tàu thì cần phải có thêm các chính sách đồng bộ, tháo gỡ cho họ những vướng mắc về đấu thầu, mua sắm, viện phí, tuyển dụng nhân lực...

Nếu được như vậy, khi trở lại "công lập đích thực", các bệnh viện này mới phát huy được hiệu quả thật sự.

Thăm dò ý kiến

Hiện nay, bệnh viện tự chủ nhưng không được tự quyết viện phí, nhân lực... nên gặp nhiều khó khăn. Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K đã đề nghị xin ngưng tự chủ toàn diện bệnh viện. Theo bạn:

Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Tự chủ bệnh viện công: Chất lượng tốt hơn nhưng lạm thu của người bệnh Tự chủ bệnh viện công: Chất lượng tốt hơn nhưng lạm thu của người bệnh

TTO - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có cuộc điều trần việc thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập trước Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên