27/11/2005 10:25 GMT+7

Khi bấm máy thông qua luật

ĐẶNG ĐẠI - XUÂN TOÀN thực hiện
ĐẶNG ĐẠI - XUÂN TOÀN thực hiện

TTCN - Ông Trần Hứa Hậu, giám đốc Công ty Cơ khí Tây Ninh, là một trong những đại biểu Quốc hội (ĐBQH) không phát biểu nhiều nhưng luôn có những góp ý đáng chú ý. Tại diễn đàn QH, ông từng phản đối mạnh mẽ dự luật thuế giá trị gia tăng nhưng cuối cùng cũng phải bấm bụng ấn nút “tán thành” thông qua đạo luật. Tại sao?

9yZ5qlFd.jpgPhóng to

* Ông đánh giá như thế nào về việc làm luật của QH trong kỳ họp này và ông nhìn nhận như thế nào về việc tiếp thu của ban soạn thảo?

- Khi QH bắt đầu cho ý kiến về dự luật đầu tư, các nhà báo tỏ ra hoài nghi về kiểu làm luật của chúng ta (là dù có ý kiến ngược xuôi như thế nào rồi... cũng sẽ thông qua). Hình ảnh thường thấy lặp đi lặp lại khi làm luật là Ủy ban Thường vụ Quốc hội ít có thời gian tranh luận với góp ý của ĐB nhưng cứ “xin phép được giữ nguyên” rồi sau đó thông qua.

Tuy nhiên lần này đã có sự thay đổi cơ bản trong dự thảo Luật đầu tư, kể từ bản dự thảo lần 16 (trình lần đầu ra QH) đến nay. Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc vừa gặp gỡ các ĐBQH là doanh nhân và cho biết ông sẽ tiếp thu một số điều quan trọng.

* “Xin phép được giữ nguyên như dự thảo” là câu rất quen thuộc. Gọi là “xin” nhưng thực chất cơ quan soạn thảo luật (không phải là QH) đặt QH vào thế đã rồi. Tâm trạng của ông như thế nào khi “bấm nút” thông qua luật?

- Nhiều khi (bấm nút) lấn cấn lắm vì mình không đồng tình. Nhưng có quá nhiều ĐB đồng tình nên mình đành chấp nhận cái chung. Còn thường những nội dung tôi không đồng tình thì tôi bấm nút “không đồng tình”.

Nhưng điều lấn cấn nhất không phải là đồng tình hay không đồng tình với từng điều khoản mà là khi bấm nút thông qua toàn luật. Bởi tán thành thì không phải, mà không tán thành lại càng không phải nốt! Cuộc sống đang rất cần luật. Lúc đó tôi phải lựa chọn.

* Ví dụ như điều khoản nào của luật nào mà ông bấm bụng thông qua?

- Nhiều đấy... Tôi không nhớ hết. Nhưng trong sổ tay của tôi luôn ghi lại những điều luật mà mình không đồng tình hoặc còn tranh luận nhưng phải thông qua.

* Qua bốn năm là ĐBQH và đã có nhiều đạo luật được ông bấm nút thông qua, có luật nào mà cho đến nay (khi đối diện với thực tế) ông mới nhận ra rằng: chúng ra đời để cản ngại cho sự phát triển?

- Ví dụ Luật thuế giá trị gia tăng. Khi đó chính tôi là người phát biểu phản biện và phản đối rất mạnh mẽ về dự luật này nhưng cuối cùng tôi cũng đành thông qua trong tâm trạng mà tôi đã nói. Và giờ đây, khi đối diện với thực tế mới thấy rằng những điều tôi dự báo đã đúng. Đó chính là nhiêu khê trong phương pháp tổ chức hành thu, gây thất thoát cho Nhà nước...

Khi đó tôi nói rằng: thuế của Nhà nước giống như miếng mỡ để trước mặt con mèo nhưng vẫn cứ dặn dò con mèo rằng “mày phải nâng cao quan điểm, củng cố lập trường, đây là của chủ, không được ăn!”.

Vấn đề là “chó treo mèo đậy” chứ không thể giáo dục chung chung là nâng cao quan điểm, giữ vững lập trường. Không thể làm luật như vậy mà là phải làm theo kiểu úp, đậy miếng mỡ đó thật kín đáo lại. Chính vì vậy giờ đây chúng ta phải giải quyết một đống vấn đề của việc hoàn thuế.

* Đó là do cơ quan lập pháp hay hành pháp?

- Tôi nghĩ là cơ quan soạn thảo.

* Tại sao QH không khoán hẳn cho các chuyên gia để họ làm trọn vẹn một dự luật và QH chỉ giữ vai trò phản biện?

- Chính chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ Hồ Đức Việt đề nghị như vậy trong một kỳ họp nhưng không hiểu vì sao không được ghi nhận.

* Có phải nếu đưa một đơn vị trung gian làm luật thì bộ ngành chủ quản không thể hiện được ý chí chủ quan của mình trong luật (vốn như cách làm xưa nay)?

- Đây là một cách lý giải: vì hiện nay chúng ta thiếu chuyên gia nên khi soạn một luật thì tận dụng luôn chuyên gia, chuyên viên trong lĩnh vực đó đang làm việc ở bộ, ngành nào đó.

* Người dân cho rằng một số vấn đề về chủ trương chính sách, về luật được đưa ra cho ĐBQH thảo luận chỉ là để “minh họa” thôi, còn thực chất nó đã được quyết?

- Những gì diễn ra với dự án Luật đầu tư đang sắp sửa biểu quyết đây sẽ là xu thế đúng đắn nhất: những đóng góp có lợi cho dân, công bằng cho các mối quan hệ sẽ được ban soạn thảo tiếp thu nghiêm túc.

* Nhiều ĐBQH không am tường luật nhưng họ lại có quyền biểu quyết. Làm sao khắc phục tình trạng này để việc “bấm nút” thông qua luật có chất lượng hơn?

- Chủ tịch QH Nguyễn Văn An có nói rằng: cần có thêm nhiều ĐBQH chuyên trách, tăng về số lượng và cả chất lượng.

Chúng ta có một cái yếu lớn nhất là đội ngũ chuyên gia soạn thảo luật. Cho nên quốc gia phải làm luật theo kiểu “yếu” đó. Lẽ ra việc tranh luận, “cãi nhau” về luật là việc của đội ngũ chuyên gia để cuối cùng đạt sự nhất trí. Còn khi ra QH chỉ nên biểu quyết thông qua.

* Ở các nước, các nghị sĩ QH luôn có đội ngũ luật sư, chuyên gia cố vấn để giúp ĐB QH làm tốt trọng trách của mình. Chúng ta không được như vậy thì làm sao làm luật cho tốt?

- Theo tôi biết thì một số đoàn ĐBQH đã mời các đoàn luật sư trong nước hỗ trợ. Ở đoàn Tây Ninh chúng tôi mỗi lần góp ý các dự án luật bao giờ chúng tôi cũng mời đoàn luật sư trong tỉnh góp ý. Cách này tạm thời vẫn chỉ là biện pháp chữa cháy, còn về lâu dài cần phải tính toán lại. Hiện nay cũng có ý kiến đề nghị mỗi đoàn ĐBQH phải có riêng một nhóm luật sư. Nhưng “đụng” vấn đề cơ chế, chính sách... Chẳng hạn kinh phí lấy đâu ra?

* Trong kỳ họp này nhiều ĐBQH khi đề cập đến vấn đề “luật làm ra nhưng không đi vào được cuộc sống” đã qui trách nhiệm không chỉ cơ quan hành pháp mà cả cơ quan lập pháp?

- Luật được ban hành nhưng triển khai như thế nào, các văn bản qui phạm pháp luật được soạn thảo ra sao, QH đã không theo dõi. Cho đến kỳ họp này QH mới tổ chức được một chuyên đề giám sát. Điều này nói lên cách tổ chức bộ máy của QH đang có nhiều bất cập khiến QH chúng ta chỉ tiến tới (làm luật) mà khó nhìn lui (giám sát). Nghĩa là QH chỉ biết ban hành và ban hành mà không có thời gian để giám sát việc thực thi luật. Theo tôi, đây là căn bệnh chung.

* Ông thích thú giai đoạn nào nhất của một kỳ họp QH?

- Đó là đóng góp những dự luật mà tôi quan tâm. Khi đó tôi có thể thức suốt đêm để suy nghĩ về những điều mình cần đóng góp. Suy nghĩ và tự thấy mình lớn lên qua mỗi lần như thế. Đó là Luật thuế, Luật đầu tư...

* Ông là ĐB của dân nhưng ông lại là doanh nhân. Ông có nhiều cơ hội để “làm” chính sách có lợi cho nghề của mình. Ông có tận dụng chúng không?

- Trước diễn đàn, tôi thường lột trần những cái thuộc về mánh khóe của những người (một số trong đó là doanh nhân) làm hại cho nền kinh tế, xâm hại lợi ích toàn dân. Và tôi bày chúng ra giữa bàn QH (mánh khóe trốn thuế, lậu thuế; vấn đề chuyển giao quốc tế; những tiểu xảo trong đấu thầu, thông thầu...). Từ nghề nghiệp của mình, tôi phát hiện ra những cái chưa tốt và muốn có luật để “rào” chúng lại vì lợi ích chung của đất nước.

* Ý kiến bạn đọc: Không thể dễ dàng “bấm bụng” thông qua dự luật

ĐẶNG ĐẠI - XUÂN TOÀN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên