Kỳ 1: Nhạc thiếu nhi: nhìn từ giọng hát nhí
Phóng to |
Các thí sinh nhí trong chương trình Đồ Rê Mí 2013 - một trong những sân chơi thường niên hiếm hoi dành cho thiếu nhi vào dịp hè - Ảnh: Multimedia |
Hàng ngàn bài hát mới xuất hiện mỗi năm trong các đĩa karaoke chỉ thuần túy là nhạc tình của tuổi thiếu niên và người lớn. Hầu hết các bậc phụ huynh khi mua một bộ karaoke về nhà để giải trí vẫn thường giải thích rằng "để cho mấy đứa nhỏ nó chơi", nhưng liệu con em họ tìm được gì thuộc về mình để "chơi" theo suy nghĩ của người lớn?
Ít người chơi với trẻ em
"Nói một cách nào đó, âm nhạc cho thiếu nhi cứ quẩn quanh vài đề tài rất buồn chán. Chúng ta không thể đợi một nhạc sĩ tài hay một trung tâm làm điều gì đó nổi bật cho thiếu nhi, mà đây phải là một dự án lớn, lâu dài được tổ chức, ươm mầm từ các chính sách tầm quốc gia mới mong thay đổi tình hình được" Ông Đinh Trung Cẩn |
Theo ông Ðinh Trung Cẩn - giám đốc phụ trách phía Nam của VCPMC, tiền bản quyền nhạc thiếu nhi thu được hằng năm trong cả nước chỉ khoảng vài phần trăm trong tổng số, và mỗi lúc dường như càng thấp hơn. Con số đó phản ánh phần nào sự nghèo nàn trong đời sống trẻ em Việt hôm nay. Khi hỏi về lý do của chuyện này, ông Cẩn thở dài và nói rằng "đó là một câu chuyện dài của hôm nay, khi chúng ta thiếu quá nhiều sự hậu thuẫn để tổ chức, tìm kiếm những người có tâm, có tài có thể đem lại các sản phẩm đúng với tinh thần trẻ em ở mỗi giai đoạn".
Cách đây hơn hai thập niên, nhạc thiếu nhi vẫn còn là một thị trường rộn rịp gây chú ý. Người sáng tác, dàn dựng, đầu tư... cho nhạc thiếu nhi vẫn còn. Nhưng thị phần này ngày càng thu hẹp dần. Người viết cho trẻ em cũng mất dần. "Biết sao bây giờ, nhạc cho giới teen, người lớn làm ra tiền nhanh hơn, nhiều người bỏ vốn vào sản xuất hơn" - một nhà sản xuất thật lòng chia sẻ như vậy. Thế là khi người lớn giành toàn quyền trong cuộc chơi lớn vì lợi nhuận, trẻ em đã trở thành khán giả với những phần ăn đong tinh thần, ngồi trong một khán đài mà sân khấu không có gì thuộc về mình.
Người ta vẫn còn nhớ đến những cái tên kỳ cựu "chơi với trẻ em" như Trương Quang Lục, Phạm Trọng Cầu, Trần Thanh Tùng... Về sau lại có thêm những người mới như Lê Quốc Thắng, Ngọc Lễ, Nguyễn Quốc Việt... Thế nhưng, mọi thứ vốn đã ít ỏi lại cứ mất dần. Thị trường phục vụ trẻ em cũng teo tóp theo sự phát triển kinh tế, cho đến lúc này thì dường như không còn ai "chơi với trẻ em" nữa, kể cả các nhà sản xuất lừng danh các sản phẩm thiếu nhi một thời như Trẻ, Bến Thành, Phương Nam, Trùng Dương... cũng mang một gương mặt nghèo nàn, cũ mòn trong gian hàng dành cho thiếu nhi của mình.
Nên đừng vội trách trẻ em hôm nay tại sao không thuộc nhiều bài hát Việt Nam mà chỉ quen với các bài hát nước ngoài. Các bản K-pop vui tươi, rộn ràng như Gangnam style của Hàn Quốc hoặc các bài hát từ phim hoạt hình Nhật vẫn được nhiều trẻ em Việt ngâm nga, hát theo...
Những khu vườn trống
Với trẻ em, âm nhạc giúp nâng đỡ hành trình tuổi thơ một cách gần gũi nhất. Thế nhưng âm nhạc cho trẻ em Việt Nam hôm nay chưa đủ sức làm được điều đó. Mọi thứ vẫn đang lặp lại những điều rất cũ và thế giới quan của trẻ em cũng nghèo nàn theo.
Âm nhạc cho trẻ em ở Việt Nam thường đóng khung trong các nội dung như thương mẹ cha, thương gia đình, thương cô thầy, yêu thiên nhiên nói chung. Sự buồn chán này cũng là lý do từng khiến bài hát Con heo đất của Ngọc Lễ gây sóng gió trong thế giới tuổi thơ một thời. Nội dung thật đơn giản, một cô bé được tặng con heo đất và cô chơi với nó, ước mong nó cũng lớn lên như heo thật. Khi nào thì chúng ta sẽ có lại những điều đơn giản và thật sự trong sáng này?
Không chỉ cũ mòn, thậm chí có những bài hát mà nhiều người sáng tác nghĩ rằng viết cho thiếu nhi nhưng thật ra nội dung chỉ là những câu chữ và suy nghĩ của người lớn. Nhạc sĩ Minh Châu nói rằng anh tìm thấy vô số bài hát cũ cũng như mới cho trẻ em, được viết theo môtip rất cũ, thậm chí còn có hại theo quan điểm giáo dục hiện đại: "Rất nhiều bài hát cho trẻ em chỉ dạy rằng lớn lên phải là kẻ mạnh nhất, hay nhất. Nhiều bài hát dạy cách phải cạnh tranh để có được thứ mình muốn... tưởng như là vô tư và vui vẻ, nhưng lại hướng trẻ vào sự ích kỷ trong đời sống. Thật khó tìm được những bài hát sẻ chia với bạn bè, nâng đỡ người già, biết ứng xử tốt với mọi người xung quanh".
Ðang thực hiện chương trình thiếu nhi Chào bé yêu và Năm ngón tay ngoan trên truyền hình, nhạc sĩ Minh Châu cho biết mỗi năm anh phải hòa âm, thu, dựng cho các giọng hát thiếu nhi ít nhất là 500 bài cho một chương trình. "Ngay cả khi có tiền, có thể Việt Nam cũng không làm nổi vì không có đủ êkip thực hiện bài hát, sáng tạo các ý tưởng kịch bản giáo dục định kỳ, tìm người biểu diễn cho chương trình..." - nhạc sĩ Minh Châu nói.
Chương trình nói trên là một kịch - ca nhạc truyền hình lấy từ phiên bản Hi Five của Úc. Hầu hết các chương trình âm nhạc, nhạc kịch dài hơi trên truyền hình cho thiếu nhi hiện nay đều làm lại từ định dạng nước ngoài. Việt Nam gần như kiệt sức với thể loại này. Việc đầu tư có hệ thống mang tính quốc gia cho các chương trình trẻ em, đặc biệt là âm nhạc, đang kêu gào sự cần thiết. Bởi hầu như chưa có kênh truyền hình nào thực hiện một chương trình thuần Việt cho trẻ em để các em giải trí và nhận thức thế giới chúng đang sống. Hãy thử tưởng tượng chúng ta bắt đầu từ những bài quốc văn giáo khoa thư dạy trẻ nên người, hoặc những điều đơn giản hát và giải thích 12 con giáp là gì...
Công ty Multimedia - nơi sản xuất chương trình thiếu nhi lừng danh Ðồ Rê Mí - cũng từng than rằng sau các chương trình, các tài năng thiếu nhi lúng túng không biết đi về đâu. Phần lớn là bỏ quên khả năng của mình vì không có nơi diễn, không có nơi đầu tư phát triển lâu dài, và đáng buồn là nhiều em chuyển hướng sang "thần đồng", chuyển hướng hát nhạc người lớn, mua vui ở các sân khấu không phải của mình rồi phai tàn dần. Khắc khoải vì điều đó, bà Lê Thị Quỳnh Trang - giám đốc Multimedia - từng đi nhiều nước để tìm, xin mua các bản quyền giáo dục nghệ thuật trẻ em. Ước mơ xây dựng một học viện nghệ thuật trẻ em đối với bà vẫn còn quá khó vì không tìm được nhân lực cho công cuộc này.
Và để trống những khu vườn bí mật trong thế giới tuổi thơ, chúng ta có cả một thế hệ thiếu niên hôm nay đầy những người chỉ ưa thích các tình khúc trẻ con, lời lẽ không sâu sắc... như một cách tự chữa lành những gì họ đã thiếu thốn hôm qua. Ðó có là một trong những câu trả lời dễ thấy cho những gì chúng ta đã từng coi nhẹ?
Phóng to |
Trở lại tuổi thần tiên - một chương trình ca nhạc tạp kỹ hiếm hoi dành cho thiếu nhi TP.HCM trong mùa hè 2013 - Ảnh: T.T.D. |
Mất một cầu nối
Chúng ta đang chăm chú vỗ béo thật cầu kỳ những đứa trẻ về thể chất, nhưng một sự nghiệp giáo dục tinh thần trẻ em bằng âm nhạc vẫn còn bỏ ngỏ. Người lớn cần ngồi lại, nghĩ suy để thấy rằng âm nhạc chính là một trong những cầu nối quan trọng để đưa trẻ em đến với ngày mai cùng những điều tử tế mà chúng ta có thể dễ dàng gửi gắm vào đó hôm nay. Mất cầu nối giáo dục hòa nhập với một tương lai đầy đặn trong tâm hồn, đặc biệt là với âm nhạc, là một thiệt hại ẩn giấu cho tuổi thơ, hơn nữa là lãng phí cả một thị trường khổng lồ.
Vài ví dụ về một cách làm Một trong những câu chuyện kể về cách làm âm nhạc trẻ em thiết thực có thể trích ra từ loạt video của Tổ chức giáo dục PBS (Public Broadcasting Service) của Hoa Kỳ. Rất nhiều trẻ em ở độ tuổi 2-4 vẫn còn phải mặc tã giấy khi đi học, thế nhưng từ độ tuổi đó đã có nhiều em phản ứng, không chịu mặc hoặc hỏi vì sao phải mặc tã. Thực hiện một câu chuyện về các con gấu bông, loạt video của PBS chuyển tải nhiều bài hát, múa giải thích rằng cha mẹ của gấu bông đã thương con mình như thế nào khi mặc tã cho chúng, và nếu không mặc tã thì gấu bông có thể bị hư. Bất cứ đứa trẻ nào sau khi xem loạt video đó đều hầu như thuộc các bài hát một cách tự nhiên và thậm chí còn có thể tự mặc tã một mình để chứng minh rằng mình đã lớn. Một câu chuyện nhỏ khác cho thiếu nhi, một vở nhạc kịch của nước ngoài được Việt hóa trên truyền hình, kể rằng một con nai có cái sừng quá to khiến ai cũng bật cười. Nai hết sức mặc cảm khiến các con thú chợt buồn vì thấy mình có lỗi, đã quá vô tâm. Thế là mọi người kéo nhau đến gặp nai và nói rằng trên cuộc đời không có ai là tệ. Chiếc sừng dị dạng có thể dùng để giúp nhà bạn phơi đồ, có thể chơi đánh banh hoặc hù dọa lũ sói khi chúng đến gần bạn của nai. Câu chuyện nhỏ được hát lên ở mọi tình huống và làm người lớn cũng cảm động. Rõ ràng những điều hiện đại, hay và đơn giản này không khó làm với tầm vóc đời sống âm nhạc Việt Nam hôm nay. Nhưng đã chẳng có ai, ở mọi hướng, nghĩ và làm. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận