* Phát động phong trào thi đua giai đoạn 2011-2015
![]() |
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gặp các đại biểu tại Phủ chủ tịch - Ảnh: TTXVN |
Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại lễ bế mạc Đại hội thi đua yêu nước lần 8 vào ngày 28-12.
Phát động phong trào thi đua giai đoạn 2011-2015
Phát biểu tại đại hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Chúng ta đánh giá cao, trân trọng ghi nhận và thật sự xúc động về những việc làm, hành động cao đẹp và thành tích của các anh hùng, chiến sĩ thi đua, điển hình tiên tiến đã báo cáo và giao lưu tại đại hội. Đây là những tấm gương sáng để mọi người noi theo”.
Thay mặt Chính phủ và Hội đồng thi đua - khen thưởng trung ương, Thủ tướng phát động phong trào thi đua trong cả nước với chủ đề: “Đoàn kết, năng động, sáng tạo, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015”.
Theo đó, phải làm cho phong trào thi đua thật sự trở thành ý thức tự giác, trách nhiệm và thường xuyên của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi đơn vị, cá nhân; gắn phong trào thi đua yêu nước với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tạo bước chuyển biến mạnh về chất trong các phong trào thi đua; khen thưởng phải trên cơ sở đánh giá đúng thành tích, bảo đảm dân chủ, công khai, được dư luận xã hội đồng tình, tránh khen thưởng tràn lan, làm suy giảm ý nghĩa của việc khen thưởng và kiên quyết chống bệnh thành tích; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đề cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi pháp luật về thi đua khen thưởng... Đồng thời tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức bộ máy về thi đua khen thưởng, trong đó khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật thi đua khen thưởng phù hợp với tình hình mới.
Cũng tại hội nghị, ông Võ Văn Thưởng (bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn) đại diện cho Đoàn và tuổi trẻ cả nước phát biểu hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2011-2015.
Những câu chuyện đẹp
Trong ngày làm việc thứ hai, đại hội tiếp tục lắng nghe nhiều câu chuyện sinh động của các đại biểu. Đó là câu chuyện từ xã Nậm Cang, một nơi thuộc vùng sâu vùng xa của huyện Sa Pa (Lào Cai), bao đời qua người dân chỉ biết phá rừng làm nương rẫy, nay đã trở thành xã anh hùng lao động.
Đó là nhờ trồng cây thảo quả và đưa giống lúa mới vào canh tác để thoát đói nghèo. Đến nay Nậm Cang đã phá bỏ toàn bộ diện tích trồng cây thuốc phiện và cải tạo nhiều phong tục tập quán lạc hậu ở địa phương.
Hay câu chuyện làm giám đốc ở tuổi 30 của anh Trương Văn Trị (giám đốc Công ty TNHH giống thủy sản Hải Long, Thái Bình). Sinh ra trong điều kiện gia đình khó khăn, Trương Văn Trị quyết chí làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Sau gần chục lần thất bại muốn tán gia bại sản, anh đã tìm được đúng quy trình để thuần hóa và nuôi thương phẩm thành công cá vược trong nước ngọt. Đến nay, loài cá vược của Công ty Hải Long đã có mặt trên 20 tỉnh, thành. Bên cạnh công việc sản xuất kinh doanh, anh còn kiên trì ôn tập văn hóa và cuối cùng đã thi đỗ vào khoa quản lý kinh tế của Trường đại học Nông nghiệp Hà Nội.
Đó còn là câu chuyện của PGS.TS Nguyễn Thị Trâm (Đại học Nông nghiệp Hà Nội), người lai tạo thành công nhiều giống lúa lai, lúa thuần chất lượng cao, được chuyển nhượng bản quyền cho các công ty bên ngoài với trị giá mỗi giống lúa hàng tỉ đồng. Nhưng không phải không có những thất bại trong công việc, song bà không nản lòng. Đến tuổi về hưu, bà dành thời gian còn lại của cuộc đời để cống hiến cho cây lúa và sự cố gắng không mệt mỏi của bà đã đem lại thành công với nhiều giống lúa được người nông dân chấp nhận.
Trân trọng đóng góp của những người nước ngoài Chiều 28-12 tại Phủ chủ tịch, các đại biểu là người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài, các cá nhân là anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đã được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp đón. Chủ tịch nước đánh giá cao nỗ lực và đóng góp của các cá nhân vào các lĩnh vực khác nhau của đời sống và bày tỏ niềm tin những tấm gương đó sẽ có sức lan tỏa rộng lớn. Một trong số ít người nước ngoài được mời dự đại hội thi đua yêu nước lần này là ông John Hendra, người Canada. Ông chính thức đảm nhiệm cương vị điều phối viên Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Việt Nam vào tháng 6-2006. Với sự đóng góp hoạt động của ông, LHQ đã hỗ trợ Việt Nam trong các vấn đề nóng của phát triển cũng như nỗ lực thúc đẩy cải cách LHQ tại Việt Nam. Ngoài ông John Hendra, những người nước ngoài khác được mời dự đại hội lần này là: GS Ahn Kyong Hwan (ĐH Chosun, Hàn Quốc), ông là người đã dịch Truyện Kiều, Nhật ký trong tù và Nhật ký Đặng Thùy Trâm ra tiếng Hàn. Người Hàn Quốc thứ hai được mời là ông Lee Seoung Young - phó chủ tịch dòng họ Lý Hoa Sơn có nguồn gốc từ Việt Nam tại Hàn Quốc. Đại biểu tiếp theo là ông Vilayvong Bouddakham, chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Lào, người đã có nhiều đóng góp cho quan hệ hữu nghị Lào - Việt. Đại hội lần này cũng chào đón sự trở lại Việt Nam của ông Kosta Sarantidis, năm nay đã trên 80 tuổi. Ông là người Hi Lạp, sang Việt Nam trong đội lính lê dương của Pháp, theo cách mạng Việt Nam từ tháng 4-1946 và tham gia kháng chiến cùng nhân dân Việt Nam đến năm 1965. Ông được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam, nhập quốc tịch Việt Nam và có tên Việt là Nguyễn Văn Lập. Một đại biểu người nước ngoài nữa được mời dự đại hội là giáo sư Cốc Nguyên Dương, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới thuộc Viện Khoa học - xã hội Trung Quốc. Ông là một trong những chuyên gia nước ngoài hàng đầu nghiên cứu sâu về Việt Nam, đặc biệt là tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận