Kết quả kiểm tra sức khỏe của tôi một lần nữa đã khẳng định lời của bác sĩ là đúng. Những cơn tức ngực và khó thở kéo dài hòng làm tôi gục ngã. Đang học lớp 12, tôi đành bỏ dở việc học nửa chừng để nhập viện điều trị bệnh.
Nhớ bạn bè kinh khủng, nhớ những buổi tan trường bụng đói cồn cào chia nhau ổ bánh mì, nhớ lớp trưởng nghiêm trang khi trịnh trọng tuyên bố một quyết định gì, nhớ những sáng đầu thu đạp xe trên đường mặc cho gió luồn vào tóc... Những giấc mơ cứ kéo mình về thời đi học. Cả lớp đã vào lớp học còn tôi luôn đi học trễ. Các bạn nhởn nhơ trước mặt tôi rồi đi thẳng vào lớp như không quen biết. Tôi muốn chạy, muốn kêu mà mở miệng không được, bàn chân cứ nặng trình trịch nhấc không lên. Mình trễ hẹn mất rồi! Như một người mộng du, tôi cứ lang thang với những buổi học không thành, những cơn hoảng loạn lại ùa về xé nát tâm can. Tôi sẽ chết ư! Chết ở tuổi mười tám với bao ước mơ và dự định chưa thực hiện. Khi người ta trẻ người ta hay nghĩ về tương lai đầy hi vọng, còn tương lai của tôi cứ mịt mờ thăm thẳm.
Có đêm tôi mơ thấy mình lạc vào một khu nghĩa địa, những người dân ở đây mời kéo tôi về sống cùng họ. Tôi hãi quá thét toáng lên và thức giấc, mồ hôi đầm đìa. Mẹ ôm tôi vào lòng, tôi khóc ngất: “Mẹ ơi, con muốn sống, con muốn được đi học!”. Giấu giọt nước mắt, mẹ nhẹ nhàng an ủi tôi: “Con sẽ sống, con sẽ khỏe mạnh, con còn phải đi làm nuôi mẹ nữa mà!”.
Một năm trời chống chọi với bệnh tật, từ một cô bé tràn trề sức sống với mái tóc dài óng ả ngang lưng, tôi không dám bước lên bàn cân khi thấy mình bé choắt, nước da tai tái và mái tóc rụng xác xơ qua những lần xạ trị. Mọi người ai cũng thương tôi và cũng từ đó, tôi coi sự nuông chiều của mọi người như một sự hiển nhiên. Tôi như một nữ vương trong ngôi nhà bé nhỏ, tôi làm mọi điều trái với lẽ thường, tôi hành hạ người này đến người kia, không ai làm tôi vừa ý. Có lúc buồn chán, tôi đập phá, la hét khản giọng chỉ với ý nghĩ ngông cuồng: Cuộc đời bạc đãi mình, mình phải trả thù cho bõ tức. Tôi không chịu nổi ánh mắt thương hại của mọi người. Tôi chỉ muốn sống, một cuộc sống bình thường như bao nhiêu người khác, như vậy thì có gì là sai. Có lúc quẫn trí, cứ nghĩ đến cuộc sống vất vưởng, bám víu vào người khác, tôi chỉ muốn chết quách cho mọi người rảnh nợ. Chỉ vì lo chữa bệnh cho tôi mà cả nhà khánh kiệt, chỉ vì tôi bị bệnh mà nhà tôi vắng hẳn nụ cười. Chết là hết! Cát bụi lại trở về với cát bụi.
Hình như biết ý định buông xuôi với số phận của tôi, mẹ vừa thương vừa giận. Tôi chưa từng thấy lúc nào mẹ giận như lúc này: “Con bệ rạc thế này sao hả con! Trong mắt mọi người con đã chết rồi đấy! Sống cho ra sống mới là khó chứ chết thì dễ ợt con à! Mà bệnh của con đã đâu hết thuốc chữa, còn biết bao người mắc bệnh nan y mà họ vẫn sống, vẫn yêu đời, vẫn làm việc giúp ích cho mọi người kia mà. Con định trả ơn mọi người như thế này sao? Mẹ thật thất vọng về con”. Mẹ nói một hồi rồi bỏ tôi chết sững trong căn phòng vắng lặng. Tôi tự xỉ vả mình: Mày là đứa ích kỷ chỉ nghĩ cho mình mà không nghĩ đến người khác. Nếu mày chết đi mẹ sẽ buồn khổ biết dường nào! Vậy là những ý nghĩ dại dột biến mất khỏi đầu tôi ngay tức khắc.
Sáng hôm sau, mọi người ngạc nhiên khi thấy tôi xin phép mẹ về quê thăm ngoại một chuyến. Mẹ gật đầu “Thế cũng tốt!” rồi đưa tôi cân trà, gói quà cho bà. Quê ngoại thiệt là yên ả và thanh bình. Sáng sáng tôi cùng dì thăm đồng, nhìn thảm lúa xanh, cánh cò rập rờn trên sóng lúa tôi thấy lòng mình lắng dịu. Trưa, trải chiếu xuống nền đất mát lạnh nhìn những vạt nắng lung linh trên thềm như có như không, lắng tai nghe ngoại kể bao chuyện từ hồi xửa hồi xưa kéo tôi về ký ức những ngày xa xưa thời khai hoang lập ấp. Chiều, tiếng chân người rậm rịch đường quê, tiếng nghé ọ của một con bê lạc bầy gọi mẹ, mọi người dân sao mà gần gũi thân thương đến lạ. Bao năm vật lộn với bao khó khăn trong cuộc sống đời thường, bây giờ tôi mới cảm nhận được hai tiếng “quê hương”: Nơi những đứa con hoài hương luôn hướng về tổ ấm, nơi xoa dịu những vết thương lòng trong tôi sau những va chạm bầm dập của cuộc đời, nơi tôi có thể trải lòng mình, nơi giúp tôi có lại niềm tin vào cuộc đời.
Mọi người trong nhà không nén nổi vui mừng khi thấy tôi trở về nhà với tâm trạng vui vẻ như ngày xưa. Tự tay tôi làm lấy những công việc mà trước kia mọi người thường làm giúp. Năm sau, tôi trở lại trường học nốt lớp 12. Rồi cả nhà ủng hộ khi thấy tôi nộp đơn thi vào trường sư phạm. Mẹ tôi mừng rơi nước mắt khi thấy tôi cầm tờ giấy trúng tuyển nhập học trong tay. Mẹ nói trong nước mắt: “Mẹ biết mà, con gái mẹ sẽ trưởng thành, con sẽ là cô giáo tốt như mọi người mong đợi”. Quay sang cả nhà mẹ bảo: “ Nhà mình phải tổ chức ăn mừng mới được, mừng con bé bệnh dữ hóa hiền, mừng cô giáo tương lai tìm được chính mình”. Nhìn gương mặt mẹ rạng rỡ hạnh phúc như một thiên thần, tôi thầm hứa với lòng mình chẳng bao giờ tôi làm mẹ rơi nước mắt như trước đây nữa.
Thấm thoát bao năm trôi qua, tôi đã là cô giáo với những bước đi vững vàng trên đường đời, nhưng với mẹ tôi vẫn là đứa con bé bỏng như ngày nào. Cuộc sống với muôn vàn khó khăn thử thách nhưng cứ nghĩ về mẹ, về nét mặt rạng ngời của mẹ khi mình làm được một việc tốt là tôi thấy mình như được tiếp thêm sức sống. Là một giáo viên tôi vẫn tiếp tục học, học để bù lại những tháng năm mình nằm trên giường bệnh, học để làm người có ích cho xã hội, học để xứng đáng là con gái của mẹ. Giờ đây ngồi viết những dòng này, tôi đã hiểu ra một điều mẹ muốn dạy cho tôi: Có những việc xảy ra với tôi dường như thật đau đớn và quá sức chịu đựng, nhưng khi vượt qua rồi tôi mới nhận ra rằng nếu không có những biến cố đó tôi sẽ không thể trưởng thành và biết được khát vọng sống của chính mình.
Áo Trắng số 23 ra ngày 15/12/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận