20/12/2011 06:04 GMT+7

Khảo cổ không "đua" kịp công trình

THU HÀ
THU HÀ

TT - Sau hơn một tháng khai quật “chữa cháy” tại một diện tích hẹp (10x20m) gần chính giữa công trường thi công nút giao thông Văn Cao - Hoàng Hoa Thám - Hồ Tây (bắt đầu từ ngày 10-11-2011), kết quả khai quật sơ bộ (Tuổi Trẻ ngày 14-12) đã khẳng định những suy đoán của các nhà khảo cổ từ năm 2010 trong đợt khai quật lần thứ nhất: “Đối chiếu với bản đồ Thăng Long thời Hồng Đức (Lê Sơ) thì đó là một đoạn phía bắc - giáp tây bắc của Hoàng thành Thăng Long thời Lê Sơ và nằm trong kinh thành Thăng Long thời Lý Trần”.

kEmbjfod.jpgPhóng to
Mảnh sành, mảnh gốm xuất hiện dày đặc tại hố khai quật -Ảnh: Nguyễn Khánh

Chiều 19-12, một thành viên của đoàn khảo cổ cho biết có đến 17 lớp văn hóa liên tiếp được phát lộ trong một hố khai quật có địa tầng 7,4m, đặc biệt có những lớp như 12, gia cố móng kiến trúc xuất hiện với đoạn thành dài 12m, rộng 3,9m, sáu lớp gạch được đầm xen với năm lớp đất, có những đoạn thành mặt cắt choãi rộng hơn 20m, mang tính chất của một lũy thành hoặc một đê bao rất lớn và kiên cố.

Trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một khối lượng hiện vật rất phong phú: đồ kim loại, sứ, sành, tiền, các phế phẩm của lò nung gốm và gạch ngói xây dựng với đủ các giai đoạn Lý - Trần - Lê. Đặc biệt, những loại hình gốm sứ đều đã được phát hiện tại khu vực Hoàng thành Thăng Long, từ đó có thể thấy các di vật thu được ở đây có ý nghĩa rất lớn trong việc nghiên cứu di sản văn hóa Thăng Long.

jkR25qK1.jpgPhóng to
Những gì còn lại của một thạp gốm hoa nâu thời Trần - Ảnh: Thu Hà

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, ngoài một vài cuộc “hội thảo đầu bờ” được tổ chức ngay tại hố khai quật, các nhà khảo cổ chưa có thời gian cũng như điều kiện để tổ chức một hội thảo khoa học về cuộc khai quật quan trọng này. Mà nghịch cảnh là, trong hợp đồng khai quật được ký với chủ đầu tư, các nhà khảo cổ phải bàn giao mặt bằng hiện trạng cho bên thi công vào ngày 21-12.

Một nhà khảo cổ có uy tín được mời làm cố vấn cho cuộc khai quật cho biết: “Điều trớ trêu của Luật di sản là kinh phí khai quật cũng như thời hạn khai quật hoàn toàn do bên chủ đầu tư quyết định. Mà chủ đầu tư thì quan trọng nhất là tiến độ xây dựng, họ chưa bao giờ quan tâm thật sự đến kết quả khai quật, nếu không nói là rất sợ độ quan trọng của hiện vật hay di chỉ khai quật sẽ ảnh hưởng đến tiến độ”.

Đến thời điểm này, theo thông tin của Tuổi Trẻ, chủ đầu tư công trình vẫn muốn lấp hố khảo cổ sau khi đã lấy hết hiện vật lên, còn “chủ nhân ông” thật sự của khu khảo cổ này là UBND TP Hà Nội thì chưa có động thái gì, dù cuộc khai quật và phát lộ này đã tốn giấy mực của báo chí khá nhiều suốt hai năm nay.

THU HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên