Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ bồi thường học sinh bị ném thước mù mắt của TAND huyện Tĩnh Gia - Ảnh: Hà Đồng |
Liên quan vụ Học sinh bị ném thước mù mắt, trường phải “đền” 109 triệu đồng, Viện KSND huyện Tĩnh Gia tỉnh Thanh Hóa vừa có quyết định kháng nghị tòan bộ bản án của TAND huyện, đề nghị TAND tỉnh xử phúc thẩm theo hướng bác đơn đòi bồi thường của gia đình em Vũ Phương Anh.
Theo Viện KSND huyện Tĩnh Gia, bản án của TAND huyện Tĩnh Gia không đúng với tình tiết khách quan của vụ án.
Nhà trường có lỗi trong quản lý học sinh?
Như đã thông tin, vào giờ ra chơi buổi học chiều 15-1-2016, em Lê Ngọc Tuấn (lớp 1A Trường tiểu học Hải An) trong khi nô đùa cùng em Nguyễn Hữu Quốc Bảo (lớp 1B) đã dùng thước gỗ bị gãy ném Bảo nhưng không may trúng vào mắt trái của em Vũ Phương Anh cùng lớp 1A đứng cạnh đó.
Chấn thương khiến em Ngọc Anh bị vỡ nhãn cầu, bong võng mạc, xuất huyết nội nhãn, tiên lượng mù vĩnh viễn (thương tật 41%).
Sau nhiều lần đề nghị Ban giám hiệu nhà trường phải bồi thường không được, gia đình em Phương Anh đã khởi kiện vụ án đến tòa.
Khi xét xử sơ thẩm, bản án TAND huyện Tĩnh Gia nhận định nhà trường có lỗi trong việc quản lý học sinh, không giám sát chặt chẽ, nhắc nhở kịp thời đối với các cháu.
Vì thế trong giờ ra chơi, cháu Tuấn đã có hành vi dùng thước kẻ bị gãy ném bạn, không may trúng vào mắt bạn Phương Anh, gây thương tích nặng cho bạn.
Nhà trường cũng không chứng minh được đã nhắc nhở nhiều lần về hành vi vi phạm của cháu, chưa có việc liên hệ với gia đình để cùng nhà trường giáo dục, nhắc nhở học sinh.
Do trường tiểu học Hải An không chứng minh được không có lỗi trong quản lý học sinh nên tòa đã tuyên buộc trường Hải An phải bồi thường cho gia đình cháu Phương Anh 109 triệu đồng.
Viện kiểm sát: Cha mẹ học sinh phải bồi thường
Theo kháng nghị của Viện KSND huyện Tĩnh Gia, năm học 2015-2016, Trường tiểu học Hải An có ban hành nội quy cấm học sinh dùng các vật cứng như đá, gạch, ngói, cây… tung hoặc ném chơi trong và ngoài nhà trường.
Nhà trường đã triển khai nội quy này đến ban giám hiệu, cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, đồng thời thông báo cho phụ huynh học sinh biết nội quy trong các cuộc họp phụ huynh.
Hàng tuần, giờ chào cờ nhà trường đều nhắc nhở học sinh phải thực hiện nội quy của nhà trường.
Nhà trường còn lập kế hoạch kiểm tra, giao cho Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên đôn đốc, giám sát việc thực hiện nội quy, quy chế của nhà trường.
Theo VKS, tất cả học sinh trường tiểu học Hải An, trong đó có học sinh Lê Ngọc Tuấn đã nhiều lần được nhà trường nhắc nhở, ngăn cấm thực hiện các hành vi nguy hiểm quy định trong nội quy của nhà trường.
Tuy nhiên, trong giờ ra chơi ngày 15-1-2016, học sinh Lê Ngọc Tuấn đã không chấp hành nội quy, cố tình cầm một đoạn thước kẻ dùng cho học sinh ném học sinh Nguyễn Hữu Quốc Bảo khiến đoạn thước trúng vào mắt bên trái của học sinh Vũ Phương Anh gây tổn hại 41% sức khỏe.
Đây là hành vi bột phát của học sinh Tuấn, nên nhà trường không thể thấy trước, cũng như không thể biết trước được thiệt hại có thể xảy ra cho học sinh Phương Anh để kịp thời ngăn cản.
Vì vậy, theo VKS, trường tiểu học Hải An không có lỗi trong quản lý, nên không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho học sinh Phương Anh.
Lỗi này hoàn toàn thuộc về học sinh Tuấn, do đó người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho học sinh Phương Anh là cha, mẹ, người giám hộ của học sinh Tuấn.
Do vậy, VKS đề nghị cấp phúc thẩm xét xử theo hướng bác đơn đòi bồi thường thiệt hại của chị Nguyễn Thị Hà (mẹ của cháu Vũ Phương Anh).
Bản án áp dụng sai luật Kháng nghị của Viện KSND huyện Tĩnh Gia còn nhận định: TAND huyện xác định yêu cầu nhà trường bồi thường của chị Nguyễn Thị Hà là giao dịch dân sự một bên. Do đó, áp dụng Bộ Luật dân sự năm 2015 buộc Trường tiểu học Hải An phải bồi thường cho cháu Vũ Phương Anh là sai lầm trong việc áp dụng pháp luật. Vì trong vụ án này là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh trước ngày 1-1-2017 (ngày Bộ Luật dân sự năm 2015 có hiệu lực). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận