Tối 22-1 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân rời Thụy Sĩ, khép lại chuyến công tác từ ngày 15-1 đến ba nước châu Âu gồm Ba Lan, Cộng hòa Czech và Thụy Sĩ. Đây cũng là hoạt động đối ngoại cuối cùng của Thủ tướng trong năm Giáp Thìn 2024 và chào đón xuân Ất Tỵ 2025.
Lan tỏa thông điệp hợp tác, phát triển
Là điểm đến cuối cùng của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến công tác, Thụy Sĩ cũng được chú ý nhiều hơn với những hoạt động dày đặc của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam. Đây cũng là nơi chứng kiến các hoạt động đối ngoại đa phương đầu tiên của Thủ tướng Việt Nam trong năm 2025.
Tại Davos (Thụy Sĩ), bên lề hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 55, ông đã gặp nhiều nhà lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế.
Trong bối cảnh vấn đề đang được nhiều quan tâm hiện nay là cuộc xung đột ở Ukraine, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và nhấn mạnh lập trường của Việt Nam. Đó là tất cả các tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực hòa giải của cộng đồng quốc tế nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình bền vững với sự tham gia của các bên liên quan. Điều này một lần nữa thể hiện rõ cam kết của Việt Nam trong việc quan tâm đến các vấn đề toàn cầu và sẵn sàng đóng góp tích cực vào nỗ lực xây dựng hòa bình chung.
Về khía cạnh kinh tế, các cuộc tọa đàm của Thủ tướng Phạm Minh Chính với giới doanh nghiệp toàn cầu tại Davos đã phát đi thông điệp của Việt Nam đến các nhà đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực sẽ định hình thế kỷ này như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn. Qua đó huy động nguồn lực cho các mục tiêu phát triển của Việt Nam trong bán dẫn, đổi mới sáng tạo, phát triển trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0, dược phẩm…
Theo giới quan sát, sự hiện diện của Thủ tướng tại WEF Davos lần này đã cho thấy sự đánh giá cao và sự quan tâm của thế giới đối với Việt Nam. Một phiên đối thoại đặc biệt dành riêng cho Việt Nam đã được tổ chức ngày 21-1. Được biết WEF đã sắp xếp sự kiện này để làm điểm nhấn trong ngày làm việc chính thức đầu tiên của WEF Davos 2025.
Tại sự kiện trên, Thủ tướng đã chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam về đổi mới sáng tạo và vai trò lãnh đạo toàn cầu. Đồng thời, ông cũng phản hồi những quan tâm của người dẫn chương trình cũng như giới đầu tư về cách Việt Nam cân bằng quan hệ giữa các nước lớn, các vấn đề liên quan một sự kiện thời sự mới diễn ra là Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Nâng cấp các quan hệ đối ngoại
Về khía cạnh song phương, chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa quan hệ của Việt Nam với từng nước Ba Lan, Czech và Thụy Sĩ sang một giai đoạn phát triển mới.
Với Ba Lan, Thủ tướng đã cùng lãnh đạo nước này tạo dựng cơ sở để kết nối hơn nữa hai nền kinh tế được xem như "ngôi sao tăng trưởng" của Trung - Đông Âu và Đông Nam Á.
Điểm đáng chú ý nhất là cam kết của cả tổng thống lẫn lãnh đạo Thượng viện Ba Lan trong việc thúc đẩy sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư liên minh châu Âu - Việt Nam. Đây là một tín hiệu khả quan, xét đến việc Ba Lan đang đảm nhận cương vị chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu đến hết tháng 6 năm nay.
Còn với Czech và Thụy Sĩ, "nâng cấp" được xem là từ khóa chính khi tại Prague, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Czech chính thức tuyên bố thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Đây có thể xem là "trái ngọt" cho hai nước sau 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Tại Thụy Sĩ, sau cuộc gặp với Tổng thống chủ nhà Karin Keller-Sutter, hai bên đã nhất trí về nguyên tắc thiết lập Đối tác toàn diện.
Những khuôn khổ quan hệ mới đều có ý nghĩa với Việt Nam, không chỉ giúp hàng hóa tiến sâu hơn vào châu Âu thông qua Czech, mà còn hỗ trợ cho các mục tiêu phát triển như xây dựng hai trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM và Đà Nẵng nhờ kinh nghiệm của Thụy Sĩ.
Thúc đẩy các hiệp định tự do thương mại
Cũng trong chuyến công tác châu Âu lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thúc đẩy việc sớm hoàn tất đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC).
Lãnh đạo hai nước thành viên EFTA là Thụy Sĩ và Liechtenstein cùng tổng thư ký GCC đều phát đi các tín hiệu lạc quan về tiến trình này, cam kết sớm hoàn thành trong thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận