Chuỗi cửa hàng thiết bị điện tử Nojima vừa bỏ quy định giới hạn độ tuổi nhân viên là 80 tuổi, bắt đầu từ tháng 10. Công ty này thậm chí sẽ tuyển dụng nhân viên mới nhiều hơn 80 tuổi.
Động thái trên đã cho thấy nguồn lao động đã trở nên khan hiếm như thế nào khi nền kinh tế Nhật Bản cố gắng phục hồi sau đại dịch COVID-19. Năm nay, nhà sản xuất dây kéo khóa YKK Group ở Nhật Bản cũng đã bỏ giới hạn tuổi nghỉ hưu của mình để nỗ lực giữ chân công nhân.
Khác với một số đối thủ cạnh tranh, Nojima không sử dụng nhân viên từ các nhà sản xuất sản phẩm để hỗ trợ bán hàng tại cửa hàng. Do đó, công ty này coi những nhân viên bán hàng cao tuổi, giàu kinh nghiệm về sản phẩm và quan hệ vững chắc với khách hàng là những tài sản quý giá nhất.
Trong số 3.000 nhân viên toàn thời gian ở Nojima, có khoảng 10 người cao hơn 75 tuổi. Theo tờ Nikkei Asia, công ty này cũng sẽ thuê thêm nhân viên hơn 80 tuổi. Những nhân viên cao tuổi này được trả lương gần 120.000 yên/tháng (tương đương 24 triệu đồng) cho khung giờ làm việc 5 tiếng/ngày và 4 ngày/tuần. Các hợp đồng làm việc hiện tại cũng sẽ được phía công ty gia hạn nếu nhân viên đảm bảo sức khỏe cũng như đồng ý tiếp tục làm việc.
Vào tháng 7/2020, Nojima đã sửa đổi quy tắc của công ty để cho phép nhân viên sau 65 tuổi tiếp tục ký hợp đồng tạm thời hàng năm cho đến khi 80 tuổi. Tuy nhiên, nhiều nhân viên cho biết họ muốn tiếp tục làm việc sau tuổi 80.
Trong khi đó, YKK vào tháng 4 cũng cho phép nhân viên đến tuổi nghỉ hưu tiếp tục làm việc với tư cách nhân viên chính thức bao lâu tùy ý. Theo công ty, trong một số trường hợp, người nhân viên đến tuổi nghỉ hưu có thể được giữ nguyên lương nếu người quản lý đánh giá cao.
Nojima và YKK đều đang cố gắng thuê thêm nhân viên song tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng ở Nhật Bản khiến họ có rất ít cơ hội tuyển dụng. Ví dụ, Nojima có kế hoạch thuê 870 nhân viên mới vào mùa xuân năm 2022, nhưng cho đến nay công ty chỉ tìm được 700 người.
Theo kết quả điều tra của Liên hợp quốc năm 2021, tỉ lệ người cao tuổi trong cơ cấu dân số của Nhật Bản đang đứng đầu thế giới, tiếp đến là Italy (23,6%) và vị trí thứ ba thuộc về Bồ Đào Nha (23,1%). Theo ước tính năm 2017 của Viện Nghiên cứu Dân số và An sinh Xã hội Quốc gia, dân số trong độ tuổi lao động của Nhật Bản hoặc những người từ 15 đến 64 tuổi sẽ giảm xuống còn 59,78 triệu người vào năm 2040. Điều đó đánh dấu mức giảm 17,5 triệu so với năm 2015. Mặt khác, những người già từ 65 tuổi trở lên được dự đoán sẽ chiếm 35,3% tổng dân số Nhật Bản vào năm 2040.
Tính đến tháng 9/2021, số người cao tuổi tại Nhật Bản là 36,4 triệu người, tăng 220.000 người so với cùng thời điểm năm ngoái. Tỉ lệ người cao tuổi trong cơ cấu dân số tăng 0,3%, lên mức kỷ lục 29,1%. Xét theo giới tính, số người cao tuổi nam giới là 15,83 triệu người, nữ giới là 20,57 triệu người.
Để thực hiện chính sách an sinh xã hội và đảm bảo nguồn lao động trong bối cảnh dân số giảm, Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực đảm bảo cơ hội việc làm cho những người cao tuổi có nguyện vọng. Theo luật Ổn định việc làm cho người cao tuổi sửa đổi có hiệu lực vào tháng 4 năm nay, các doanh nghiệp có nghĩa vụ hỗ trợ việc làm cho người lao động đến năm 70 tuổi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận