![]() |
* Thưa ông, chính xác ở thời điểm hiện tại, VTV3 có bao nhiêu chương trình?
- Khoảng ngoài 30 chuyên mục thường xuyên. Có cả những chương trình lẻ, không thường xuyên.
* Trong các chương trình đó ông hài lòng nhất với chương trình nào - với tư cách lãnh đạo VTV, và thích xem nhất chương trình nào - với tư cách khán giả?
- Mỗi chương trình thích một phần, chưa thích một phần. Cũng có chương trình tôi không thích nhưng khán giả lại thích. Tôi không biết cách tự phân mình ra thành hai vai như thế và cũng không thấy cần thiết.
* Sau 10 năm ra đời, VTV3 từ chỗ được đón nhận nồng nhiệt đã chuyển sang bị "săm soi" nhiều hơn. Các chương trình game show quá nhiều, lượng phim Hàn và Trung Quốc "quá tải", các chương trình ca nhạc trực tiếp ồ ạt và thiếu chọn lọc... là những nguyên nhân chính khiến VTV3 bị kêu ca...
- Không phải bị mà là được “săm soi”. Từ sự “săm soi” ấy mà cân nhắc, điều chỉnh. Game show là thể loại phổ biến ở bất kỳ kênh giải trí nào trên thế giới. Vấn đề là ở chỗ nếu chúng giống nhau thì rất nhàm chán. Nếu nhiều nhưng mỗi chương trình hướng đến một đối tượng chính, khác biệt với các game show khác thì khán giả sẽ chọn cho mình một hai game để xem.
![]() |
Sao Mai - một "thương hiệu" quen thuộc với người xem - Ảnh: Trung Nghĩa |
Về phim, vừa qua chúng tôi đã có đợt đặt hàng đầu tiên với ba hãng phim (tư nhân) số lượng hàng trăm tập và sẽ tiếp tục đặt hàng tiếp hàng trăm tập nữa. Phim VN sẽ dần nhiều lên trên sóng.
Về các chương trình ca nhạc, thật ra VTV3 chỉ có một số tên chương trình thường xuyên truyền hình trực tiếp (Con đường âm nhạc, Bài hát Việt, Điểm hẹn âm nhạc, Sao Mai...). Nhưng đúng là có nhiều chương trình âm nhạc do các đơn vị khác tổ chức, VTV3 hoặc VTV1 có truyền theo yêu cầu.
* Thưa ông, có bao giờ ông có cảm giác thời lượng của VTV3 quá lớn và đôi khi những người làm chương trình không biết làm gì cho hết giờ không?
- Đôi lúc tôi cũng đọc thấy một bài báo dài, có thể nên ngắn hơn, chiếm ít diện tích trang hơn. Nhưng tôi không vì thế mà đặt câu hỏi tờ báo đó có thừa diện tích không. Có những chương trình cụ thể của VTV3 hoặc của kênh khác nội dung không tương xứng với thời lượng, trong trường hợp đó chúng tôi góp ý với tác giả. Còn về thời lượng VTV3 nói chung, nhất là buổi tối và các ngày cuối tuần, hiện quá chật chội, đến mức muốn làm thêm cái gì cũng chẳng ngọ nguậy được.
* Kênh VTV3 từ khi mới ra đời đã có nhiều đơn vị đóng góp chương trình: Trung tâm sản xuất phim truyền hình, Ban văn nghệ, Ban khoa giáo, nòng cốt là Ban thể thao - giải trí và thông tin kinh tế. * Ngày đầu, VTV3 chỉ có chín thành viên hoạt động theo slogan rất kêu: "Hãy xoay đi" (xoay như chong chóng để làm việc) - trích từ câu nói của Napoleon do ông Trần Đăng Tuấn in ra và dán lên bảng công tác. Nay, số lượng thành viên đã là 107 người, phần lớn có độ tuổi từ 30 - 40. * Thời gian đầu, VTV3 khai thác chương trình phát sóng từ 12g - 24g. Hiện nay từ 6g - 24g (có lúc muộn hơn) với hàng chục chuyên mục, trong đó nhiều chương trình hấp dẫn và thu hút khán giả như thể thao có Giải bóng chuyền quốc tế VTV; game show, talkshow có: Đường lên đỉnh Olympia, Hành trình văn hóa, Gặp nhau cuối tuần, Quà tặng âm nhạc, Âm nhạc và những người bạn, Bài hát Việt, Ở nhà chủ nhật, Gặp nhau cuối tuần, Những chuyện lạ VN... H.N. (tổng hợp từ tạp chí VTV) |
- Những vấn đề văn hóa - thể thao “dễ đụng chạm, đang tranh cãi” VTV đề cập ở các chương trình, các mục về văn hóa - thể thao trên VTV1,VTV3 cũng có lúc gay gắt. Nếu bạn cho rằng cần tăng thêm các yếu tố chính luận văn nghệ, chính luận thể thao... thì tôi đồng ý, đó là điều tôi cũng nhiều lần bàn bạc với các đồng nghiệp.
Mặt khác, chúng tôi cũng không thích tạo ồn ào kiểu “bão táp trong cốc nước”. Có thể đề cập, nhưng ầm ĩ kéo dài (về một vụ xìcăngđan người mẫu, ca sĩ... chẳng hạn) không phải là cách nâng cao tầm chính luận văn hóa - thể thao.
* Có bao giờ từ một trong những sự phê phán của dư luận báo chí mà một chương trình phải chấm dứt, một biên tập viên hay một MC phải ra đi hay không?
- Khi có bài phê phán, chúng tôi xem rất kỹ, thông tin và thảo luận cùng nhau, xác định sự hợp lý hay không hợp lý của ý kiến phê phán, tiếp thu và chỉnh lại chương trình, góp ý với biên tập viên hoặc MC.
Chưa có trường hợp nào từ sự phê phán mà cần thiết phải chấm dứt chương trình, ngừng việc biên tập viên, MC, nhưng phê bình nhau gay gắt thì cũng đã có. Thường xuyên hơn là không có phê phán trên báo nhưng vẫn có phê bình nhau trong VTV.
* Thưa ông, sắp tới có phải VTV3 sẽ tách kênh, sẽ có thêm một kênh thể thao và kênh dành cho thanh niên? Nếu đúng thì khi nào sẽ thành hiện thực và diện mạo của hai kênh mới sẽ như thế nào?
- Theo qui hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, VTV có thêm một số kênh quảng bá nữa. Trước mắt muốn xúc tiến nhanh ra kênh VTV6 (Thể thao và sự kiện văn hóa), VTV đã chuẩn bị các mặt (nguồn chương trình, tài chính để mua máy phát phủ sóng toàn quốc...), vướng mắc duy nhất là chưa được cấp tần số phát sóng. Chúng tôi đang rất sốt ruột vì chuyện này.
* Cuối cùng, với tư cách một người làm truyền hình, người đặt viên gạch đầu tiên cho VTV3, ông muốn nói gì với những khán giả đã thủy chung với kênh truyền hình "của mình" (thủy chung bằng cả sự ủng hộ lẫn sự phê phán)?
- Một lời cảm ơn chân thành.
Và một đề nghị chân thành: VTV3 hay bất cứ kênh truyền hình nào khác chỉ có thể tránh cằn cỗi nếu liên tục đổi mới. Và muốn đổi mới thì phải thu nạp được nhiều ý tưởng chương trình mới. Mong khán giả hãy cho chúng tôi biết các ý tưởng chương trình mà khán giả thấy là nên thực hiện trên VTV3. Mong khán giả là đồng tác giả của kênh VTV3, cũng như các kênh khác của Truyền hình VN.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận