Hơn 22h, nhiều khán giả vẫn nán lại để chia sẻ và chụp ảnh kỷ niệm cùng các nghệ sĩ của vở múa Jakob
Vở múa đương đại Jakob là một tác phẩm múa đôi đến từ Na Uy của biên đạo múa gốc Việt Tony Tran, lần đầu công diễn tại châu Á và Việt Nam.
Chuyến lưu diễn kết hợp cùng các workshop về chuyển động và ánh sáng sân khấu do các nghệ sĩ trong đoàn hướng dẫn, nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa Na Uy và Việt Nam (1971 - 2021).
Suốt 45 phút, hai nghệ sĩ Tony Tran và Knut Vikstrøm Precht đã khiến khán giả phải tập trung cao độ để thưởng thức một màn trình diễn đầy năng lượng và hấp lực trên nền sân khấu trắng tối giản, cùng ngôn ngữ ánh sáng ấn tượng của nhà thiết kế Tobias Leira.
Vở múa mang đến một sân khấu tối giản nhưng đầy sức hút
Khởi đầu từ ý tưởng "sự thân mật không nhất thiết lệ thuộc vào tính dục, giới tính hay tình yêu", biên đạo Tony Tran đã đặt ra câu hỏi và khám phá sự tương tác xảy ra giữa hai nhân vật nam đối lập về tính cách.
Đó là một Jakob tốt tính thích phiêu lưu trong bối cảnh Na Uy, và một Jakob lọc lừa dối trá trong Kinh Thánh. Tất cả bắt đầu từ những cái nhìn, chuyển động, và phần biên đạo chú trọng chi tiết đến từng ngón tay, trọng lượng, hơi thở, phản ứng của hai cơ thể...
Câu chuyện về mối quan hệ giữa hai con người được thể hiện trọn vẹn và đầy tinh tế, từ sự xa lạ ban đầu đến những phản kháng, đấu tranh, nâng đỡ, rồi nương tựa và chăm sóc về sau... Tất cả mang đến những khoảnh khắc căng thẳng đến nín thở, có lúc thót tim, rồi lại vỡ òa khi kết thúc.
Nhiều khán giả chúc mừng vở múa rất thành công khi dùng ngôn ngữ cơ thể kể một chuyện tình đầy cảm xúc từ đầu đến cuối, từ người lạ đến người yêu. Cách các nghệ sĩ sử dụng những hình tượng trên sân khấu tạo nên một màn trình diễn đầy tế nhị, khiến người xem quên đi chuyện giới tính, chỉ đọng lại tình yêu đẹp giữa hai con người.
Đó cũng là vẻ đẹp đầy gợi mở, tự do của múa đương đại.
Câu chuyện về mối quan hệ giữa hai con người được thể hiện qua nhiều hình tượng đáng nhớ
Trong phần trò chuyện sau đêm diễn, nhiều khán giả chia sẻ cùng cảm nhận rằng những chuyển động chậm rãi và "suýt chạm" giữa hai nghệ sĩ trong gần hai mươi phút đầu còn gây hồi hộp hơn cả những va chạm sau đó.
Với biên đạo Tony Tran, sức căng trong biên đạo đó đến từ chính hai nhân vật, từ sự tìm kiếm thân mật đến khi họ chấp nhận và khẳng định sự hiện diện lẫn nhau.
Anh tâm sự về ý tưởng vở diễn: "Bố tôi là một người đàn ông rất truyền thống và nam tính. Ông ở nhà nhiều nhưng bằng cách nào đó, tôi luôn cảm thấy ông vắng mặt.
Sự hiện hữu của ông hơi độc tài, nên khi lớn lên, tôi tìm kiếm sự thân mật với một nhân vật nam tính khác. Vở diễn có những sự tương phản mâu thuẫn giữa hai con người, họ vừa yêu thương vừa tranh đấu, thao túng lẫn nhau...".
Nghệ sĩ Knut Vikstrøm Precht bổ sung: "Đó có thể là tình cảm giữa anh em, bạn bè, giữa hai người chênh tuổi, người yêu... Giữa họ có tình cảm và cả sự phản kháng giành lấy không gian riêng. Dù gì, họ cũng đã nâng đỡ nhau theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, và đi qua hành trình đó với đong đầy yêu thương cùng sự chăm sóc lẫn nhau".
Vở múa đôi mang đến nhiều cảm xúc từ mâu thuẫn, phản kháng đến nương tựa lẫn nhau
Từ trái sang: nghệ sĩ Knut Vikstrøm Precht và biên đạo - nghệ sĩ Tony Tran trong phần trò chuyện cùng khán giả
Cả hai nghệ sĩ đã dành hơn một năm để thuần thục mọi chi tiết, động tác với nhau. Dù đã diễn nhiều lần, cả hai vẫn tập đi tập lại, chia sẻ vai trò lẫn nhau, làm nóng kỹ càng trước mỗi lần diễn, chăm sóc nhau từng chút một khi diễn vì chỉ cần sai sót một chút là có thể gây tai nạn.
Đó cũng là lý do cả hai quyết định sẽ có thêm một workshop về các kỹ thuật nâng đỡ trong múa đôi dành cho những ai quan tâm vào chiều ngày 1-12 tại Trường Múa TP.HCM.
Một vài hình ảnh trong vở múa Jakob:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận