Tinh thần khoa học ấy ảnh hưởng lớn đến quan điểm y học của ông: cái gì chưa có chứng cứ thì phải xem xét tận ngọn ngành!
Kỳ 1: Khát khao sống thật Kỳ 2: Cánh cửa vi phẫu
Bác sĩ cũng sẽ khóc thét lên!
Ông kể về chứng dương vật vùi, một hiện tượng đang được nhắc tới rất nhiều trong thời gian gần đây mà ông thì lại rất nghi ngờ. Y văn thế giới trong 20-30 năm nay có khoảng 60 báo cáo đề cập đến chuyện này. Một con số không nhiều. Chuyện dương vật vùi bẩm sinh chỉ có trong sách nhi chứ không xuất hiện trong các tài liệu nam khoa của người trưởng thành.
“Tôi ngạc nhiên về điều đó. Nếu trẻ con bị vùi thì lớn lên chúng đi đâu mà trong y văn cho người lớn không thấy?”. Rồi ông đọc được luận văn của một thạc sĩ trong nước nói về chứng này có dẫn hai tài liệu nước ngoài nói rằng người ta đã nghiên cứu trên cả trẻ em và người lớn. Ông lật đật tìm tài liệu gốc về đọc và không thấy có nội dung đó, tức là tác giả đã “đọc nhầm”. Chuyện dương vật vùi giống như một “hội chứng” khi mọi người hô lên và các bậc cha mẹ thì hốt hoảng.
Ông kể: “Tôi khám cho nhiều trẻ, có những đứa trẻ 3 tuổi dương vật giống như bị vùi, nhưng khi gia đình đưa hình chụp lúc sơ sinh, rõ ràng bộ phận sinh dục của bé rất bình thường. Té ra bé bị béo và lớp da xung quanh đã che bớt lại dương vật. Cộng với những hù dọa, người ta bối rối và muốn con mình được mổ. Nhiều người mổ, nhiều nơi ra quyết định mổ... mà không biết rằng tôi từng phải tìm cách khắc phục những hậu quả sau phẫu thuật với những vết sẹo rất xấu, những biến chứng tồi tệ. Tôi mất bốn năm năm để chiêm nghiệm vấn đề này và thấy mọi thứ không đến mức phải “đe dọa” như cách mà người ta nói và mổ”.
Đa số các bậc cha mẹ dẫn con tới đều lo sợ đứa trẻ sẽ mặc cảm, ảnh hưởng đến tâm sinh lý nhưng khi bác sĩ Như quay sang hỏi: “Con có thấy mình bất thường gì so với bạn bè không?”, phần lớn trẻ sẽ lắc đầu bảo con thấy bình thường. Té ra mối lo là do người lớn bị một “bóng ma” hù dọa quá đáng!
Chúng tôi phân trần với ông về nỗi bận tâm của hầu hết các bậc cha mẹ thời hiện tại khi những đứa trẻ luôn được khuyến cáo phải cắt bao quy đầu từ trong trường mẫu giáo. Bác sĩ Như bức xúc cho rằng có vài sự nhầm lẫn trong y tế học đường. Ông viết hóm hỉnh: “Gần như 100% bệnh nhi đưa tới tôi khám vì lý do “hẹp bao quy đầu”, nhưng thật ra chỉ là bao quy đầu dài hay dính bao quy đầu sinh lý mà thôi, không cần thiết phải mổ và tuyệt đối không phải nong. Tôi luôn tự hỏi nếu vị thầy thuốc nam (bác sĩ hay điều dưỡng) mà cũng được người khác nong bao quy đầu thì sao nhỉ? Có lẽ vị thầy thuốc đó sẵn sàng khai tuốt luốt mọi bí mật hơn là bị nong. Vậy mà những đứa trẻ 1-4 tuổi lại bị nong, mẹ đè hai tay, cha giữ chặt hai chân của bé và thầy thuốc nong bao quy đầu, mặc trẻ khóc thét!”.
Coi chừng “lạc đường”
Có một chuyện khá tức cười vào năm 2000, bác sĩ Như khám và ghi toa có thuốc Viagra. Thời ấy Viagra còn bị xếp vào loại thuốc kích dục. Ông nhớ rất rõ những mẩu tin trên báo chí về việc cơ quan chức năng phát hiện quả tang nhà thuốc A, B nào đó có bán thuốc kích dục Viagra. Một nhà báo hỏi ông: “Vì sao bác sĩ Như cho thuốc kích dục?”. Ông thẳng thừng: “Đây là một tiến bộ khoa học và tôi có bằng chứng nó là thuốc điều trị. Tôi cho và chịu trách nhiệm về quyết định của mình!”. Đó là một câu chuyện tức cười của thuở ban đầu, còn bây giờ những tiến bộ y học đã làm cho mọi thứ bình thường hơn. Có điều trong sự phát triển đó thì những định kiến hoặc cách giáo dục vẫn chưa hỗ trợ thế hệ tương lai một sự chuẩn bị cần thiết.
Chẳng hạn, người ta quá chú trọng đến việc làm sao người trẻ không phải “dính bầu” mà quên mất chuyện phải “an toàn” trước đã. Người ta chú ý đến bộ phận sinh dục trẻ với “chú bé” của trẻ to hay nhỏ, bị “vùi” hay nằm bên ngoài... mà lại quên chú ý đến tinh hoàn với chức năng sinh sản và duy trì giống nòi cực kỳ quan trọng. Ít bậc cha mẹ nào chú ý kiểm tra xem tinh hoàn của con mình có đủ hai hòn hay không, kích thước lớn nhỏ thế nào, có nằm dưới bìu hay không, có bướu u gì đó không... Chính những thứ đó nhiều khi còn nguy hiểm hơn những “bóng ma” mà mẹ cha hay lo lắng nữa.
Dạo này người ta hay nói đến việc con nít dậy thì sớm hơn trước. Ông không đồng ý: “Tôi trở ngược thời gian, ông bà mình ngày xưa 12-13 tuổi là cưới gả nhau và thành vợ chồng. Tuổi dậy thì thời đó đã sớm hay trễ? Cái mới có chăng là lũ trẻ đang tiếp cận với đa dạng thông tin và những tiến bộ của con người. Chúng biết nhiều hơn, sớm hơn... là điều đương nhiên. Còn nói trẻ con hôm nay dậy thì sớm phải có những số liệu khoa học. Tôi sẽ chỉ tin vào những số liệu nghiêm túc và cụ thể!”.
“Dương vật vùi bẩm sinh là một “bệnh” chỉ mới được đề cập nhiều thời gian gần đây, trở thành “bệnh” thời thượng. “Bệnh” này trước đây chẳng hề được nhắc đến trong sách vở và ngay cả bây giờ các sách vở tiết niệu - nam khoa cũng vẫn không ghi nhận “bệnh” này ở người lớn. Một đứa trẻ bị sứt môi nếu không được phẫu thuật thì khi lớn lên môi bé vẫn sứt. Vậy tại sao “bệnh” dương vật vùi được coi là dị tật bẩm sinh ở trẻ em, thế nhưng đến khi trẻ lớn lên thì “bệnh” lại tự biến mất dù chẳng có sự can thiệp nào của phẫu thuật? Trước thực trạng ngày càng có nhiều trẻ em “được” (hay là “bị”?) mổ vì “bệnh” dương vật vùi, Frank - một bác sĩ tiết niệu Mỹ, năm 2000 đã phải thốt lên: “Vì sao các bác sĩ tiết niệu chúng ta chẳng nhìn thấy tình trạng dương vật vùi ở các bệnh nhân lớn tuổi?”. Frank không tin là có “bệnh” này, tôi cũng không tin. Trước đó, năm 1987, Shapiro - một nhà tiết niệu người Mỹ khác - cũng lên tiếng: “Tiếc thay, chưa từng có nghiên cứu nào về “bệnh” dương vật vùi”. Theo vị bác sĩ này, muốn chứng minh là có “bệnh” dương vật vùi hay không thì phải theo dõi quá trình phát triển của những đứa trẻ đã được chẩn đoán là bị dương vật vùi (ví dụ từ khi bé 4-5 tuổi) cho tới khi trưởng thành (với điều kiện trẻ không được phẫu thuật), để xem sau một thời gian kéo dài cả thập kỷ “bệnh” có còn tồn tại không. Kết quả là cho đến nay, vẫn chưa hề có một nghiên cứu khoa học nào khẳng định là có “bệnh” dương vật vùi bẩm sinh ở người lớn cả. Nói cách khác, dương vật vùi chỉ là một tình trạng sinh lý bình thường ở dương vật của một số trẻ và tới giai đoạn phát triển thì tình trạng này sẽ tự hết”. |
_____________
Đó là những câu chuyện nghề, còn một câu chuyện khác về “người”: làm thế nào một cậu bé nghèo khổ, có lúc từng “mất cả định hướng” trở thành một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nam khoa?
Kỳ tới: Con đường nam khoa
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận