24/05/2006 10:45 GMT+7

Khai thác tối đa thế mạnh của những Hãng phim lớn

Theo Nhân Dân
Theo Nhân Dân

Năm 2006 Nhà nước không còn bù lỗ, đồng thời cũng chấm dứt việc phân bổ chi tiêu sản xuất đối với ba hãng phim truyện trực thuộc Bộ VH-TT.

0RFsBRxn.jpgPhóng to
Một cảnh trong phim Thời xa vắng

Ai cũng biết cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là một bước phát triển tất yếu của xã hội, nhất là khi VN đang đẩy mạnh hội nhập kinh tế thế giới. Xin được cùng bạn đọc nhìn lại những bước đi đầu tiên trên lộ trình còn nhiều khó khăn này qua cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Cục phó Cục Ðiện ảnh.

* Với tư cách là người phụ trách kinh tế của Cục Ðiện ảnh VN, xin bà cung cấp những thông tin cụ thể về chủ trương của Nhà nước chấm dứt việc bù lỗ cho các đơn vị làm phim quốc doanh, hiện có thể coi như một trong những bước khởi đầu nhằm thúc đẩy tiến trình này?

- Từ năm 1993 đến nay, các Hãng phim thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin vẫn sản xuất phim đặt hàng hoặc tài trợ theo kế hoạch được giao hằng năm, đây cũng là những cơ sở có năng lực sản xuất phim rất lớn, đặc biệt từ năm 1995 đến nay các Hãng này được đầu tư hiện đại hóa thiết bị kỹ thuật và đào tạo theo mục tiêu, chương trình phát triển điện ảnh.

Trước thực trạng năng lực sản xuất lớn, được trang thiết bị hiện đại, chi phí khấu hao cao nhưng số lượng đầu phim sản xuất hằng năm còn khá thấp dẫn đến nguồn thu không đủ bù đắp chi phí của các Hãng, vì vậy Nhà nước phải bù lỗ cho khoản chênh lệch phát sinh hằng năm.

Ðây là một trong những chính sách của Nhà nước tiếp tục giành sự hỗ trợ cho ngành nhằm củng cố và phát triển nền điện ảnh dân tộc trong giai đoạn chuyển đổi để các Hãng sản xuất phim từng bước thích ứng với cơ chế.

Theo thông báo của các cơ quan quản lý tài chính, từ năm 2006 Nhà nước sẽ dừng việc bù lỗ cho các Hãng phim, đồng thời thay đổi từ phương thức giao chỉ tiêu kế hoạch đặt hàng tài trợ cho các Hãng sản xuất sang đặt hàng hoặc tài trợ trực tiếp cho từng tác phẩm cụ thể.

Thực chất sự thay đổi này cũng để từng bước thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp theo lộ trình chung đến hết năm 2005 của Chính phủ đặt ra đối với các doanh nghiệp thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin và thực hiện Nghị định 31/2005/NÐ-CP của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích đối với sản xuất phim truyện bắt đầu từ năm 2005.

* Sau khi được thông báo về vấn đề này, Ban lãnh đạo các Hãng phim cùng số đông nghệ sĩ điện ảnh tỏ ra khá lo lắng. Ðể giúp họ có thể yên tâm, bà sẽ nói gì?

- Phải khẳng định rằng chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp để khai thác mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển điện ảnh và chuyển đổi phương thức đặt hàng tài trợ để sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách Nhà nước là hoàn toàn đúng.

Tuy nhiên, xuất phát từ đặc thù của bộ môn nghệ thuật thứ bảy, một ngành công nghiệp - nghệ thuật tạo ra tác phẩm điện ảnh vừa là sản phẩm hàng hóa như các sản phẩm hàng hóa thông thường khác nhưng đồng thời cũng là sản phẩm nghệ thuật luôn đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng, vì vậy Bộ Văn hóa - Thông tin rất thận trọng trong việc chọn mô hình và bước đi thích hợp, tạo điều kiện tốt nhất để thúc đẩy sáng tạo trong điện ảnh gắn liền với hoạt động kinh doanh phục vụ đạt hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

Chủ trương tiến tới không bù lỗ cho các Hãng phim đã được Nhà nước đặt ra từ sau năm 2000 và mục tiêu sẽ kết thúc giai đoạn quá độ vào năm 2005, đây cũng là bước đi phù hợp tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước nói chung và cổ phần hóa doanh nghiệp điện ảnh nói riêng.

Việc chấm dứt bù lỗ sẽ gây rất nhiều khó khăn cho các Hãng sản xuất phim nếu không có sự năng động cần thiết trong hoạt động kinh doanh, cũng bởi trước mắt năm 2006 các hãng chưa thể tăng sản lượng sản xuất phim một cách đột biến, trong khi đó các Hãng vẫn phải duy trì hoạt động, vẫn phải giữ gìn đội ngũ làm nghề, chưa thể ngay một lúc "cải tổ" để bộ máy trở nên tinh thông, thích ứng và hoạt động hiệu quả.

Ðể giải quyết các yêu cầu trên, các đơn vị phải cố gắng tìm ra phương hướng và giải pháp rất cụ thể bằng cách khai thác tối đa những thế mạnh của những Hãng phim lớn, tận dụng triệt để ưu thế về thiết bị máy móc, năng lực con người, tìm kiếm thêm nhiều việc làm tăng nguồn thu (Thí dụ tổ chức lại bộ máy cho tinh gọn, cung cấp dịch vụ làm phim cho cả trong nước lẫn nước ngoài, cho thuê máy móc, thiết bị, nhân lực...).

Về phía Cục Ðiện ảnh, bằng cố gắng của mình, cũng đã đệ trình với Bộ Văn hóa - Thông tin và Nhà nước tiếp tục bù lỗ cho các Hãng phim năm 2005 (tức là đã lùi thêm một năm so với mốc đặt ra đầu tiên).

Thực hiện Nghị định 31/2005/NÐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 1-3-2005 về sản xuất và cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích, từ năm 2006 Nhà nước sẽ thực hiện phương thức đặt hàng, tài trợ trực tiếp đối với các sản phẩm điện ảnh cụ thể.

Khi đó, chỉ còn hai đơn vị là Hãng phim tài liệu khoa học trung ương và Hãng phim hoạt hình Việt Nam được tiếp tục giao chỉ tiêu kế hoạch sản xuất phim từ đầu năm. Những cơ sở còn lại như Hãng phim truyện Việt Nam, Hãng phim truyện I, Hãng phim Giải phóng không còn giao kế hoạch đặt hàng tài trợ như trước.

Các Hãng này và các Hãng sản xuất phim thuộc mọi thành phần kinh tế trong nước sẽ cùng tham gia sản xuất sản phẩm công ích theo tiêu chí đặt hàng hoặc tài trợ của Nhà nước và chỉ có được những dự án sản xuất phim thông qua tuyển chọn kịch bản, đấu thầu và đặt hàng.

Chính sách mới đặt ra yêu cầu mới đó là việc tổ chức khai thác nguồn kịch bản của các Hãng phải chủ động đi trước một bước, tạo được nguồn kịch bản tốt về nội dung tư tưởng nghệ thuật, tính hấp dẫn cao đối với người xem, mở ra khả năng gắn liền hiệu quả kinh tế với hiệu quả xã hội.

Nếu không, phim làm ra ít người xem thì chẳng những tiền đầu tư không thu lại được mà hiệu quả tuyên truyền, xã hội cũng không đạt được. Với phương thức mới này, một đơn vị năng động, nhiều kịch bản hay, có phương án tổ chức sản xuất tốt, thậm chí có thể nhận được toàn bộ chỉ tiêu tài trợ trong một năm của Nhà nước.

Nhà nước hằng năm vẫn tiếp tục dành ngân sách thường xuyên để đặt hàng sản xuất phim truyện, vẫn tiền đầu tư đó chỉ thay bằng phương thức đầu tư khác nhằm đạt hiệu quả cao hơn mà thôi.

Việc hoang mang, lo lắng của các cơ sở là những phản ứng dễ hiểu, nhưng tôi nghĩ đã là chủ trương chung của Nhà nước, theo hướng thúc đẩy phát triển thì đương nhiên phải thực hiện, trì hoãn, níu kéo hay đi ngược lại đều khó có thể được chấp nhận.

Chủ trương đúng, bước đi thận trọng, để có thể tiến hành thật tốt chủ trương mới của Nhà nước - nhằm khai thác tối đa nguồn lực về tài chính cũng như con người, để nghệ thuật điện ảnh nước nhà ngày một phát triển chứ không phải để nó vấp váp, tan rã như suy nghĩ của một số người nào đó. Lo lắng là đúng, nhưng theo tôi trong lúc này, mỗi Hãng và trong toàn ngành cần đưa ra được những chương trình hành động, những giải pháp triển khai thiết thực, mau chóng thích ứng để phát triển.

* Có một thực tế là trong khi hai Hãng phim lớn (Hãng phim truyện Việt Nam, Hãng phim Giải phóng...) dường như muốn trì hoãn tiến độ cổ phần hóa thì một đơn vị có quy mô nhỏ hơn như Hãng phim truyện 1 lại đề nghị đẩy nhanh tiến trình này?

- Câu hỏi này theo tôi chưa thật chính xác. Nói cho đúng thì không phải. Hãng phim truyện Việt Nam và Hãng phim Giải phóng muốn trì hoãn, và cũng chẳng phải Hãng phim truyện 1 muốn đẩy nhanh tiến trình này bởi hơn ai hết, cả lãnh đạo Cục Ðiện ảnh lẫn Ban giám đốc các hãng phim đều đang phải cân nhắc, thận trọng trong từng bước đi để vẫn có thể chuyển đổi mô hình theo chủ trương của Nhà nước nhưng cũng không gặp phải bất cứ một vấp váp gì.

Riêng với Hãng phim truyện 1, đây là một đơn vị ra đời sau, biên chế rất gọn nhẹ, trong hoạt động có sự năng động nhất định (vì gọn nhẹ nên dễ năng động) và trên thực tế cũng là nơi duy nhất mà Nhà nước chưa bao giờ phải bù lỗ (vì luôn cân đối được thu - chi) nên việc giải bài toán cổ phần hóa cũng đơn giản hơn hai cơ sở còn lại. Vì thế, đạt thí dụ họ có muốn đẩy nhanh tiến trình thì cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, chỉ có trong tay một đội ngũ nghệ sĩ làm phim chứ không có cả nhà xưởng lẫn tài sản lớn nên mọi người vẫn nói đùa, Hãng phim truyện 1 có bán cổ phần thì chắc cũng ít ai mua! (Cười).

Theo Nhân Dân
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên