23/02/2009 04:30 GMT+7

Khai phá tứ giác Long Xuyên (Kỳ 1): Nữ tập đoàn trưởng

DƯƠNG THẾ HÙNG
DƯƠNG THẾ HÙNG

TT - Bà Nguyễn Thị Sáu, nay đã 75 tuổi, thường được người dân xã Vọng Đông (huyện Thoại Sơn, An Giang) gọi là bà Sáu Hùng. Con đường vô nhà bà Sáu bây giờ xe hơi có thể đi tới tận nơi, nhà cửa dân cư mọc lên xung quanh đông vui. Nhưng 53 năm về trước, lúc bà vô đây đường đi chỉ là những lối mòn trên đồng cỏ, còn nhà dân thì thưa thớt.

Tứ giác Long Xuyên có diện tích tự nhiên khoảng 489.000ha, là một vùng đất hình tứ giác thuộc vùng ĐBSCL trên địa phận Kiên Giang, An Giang và Cần Thơ. Những năm 1988-1989, các tỉnh đã mở bước đột phá khai thác tiềm năng vùng đất hoang hóa, nhiễm phèn nặng, ít người lui tới này.

Nhiều người là nông dân, cán bộ, đảng viên đã “xâm mình” quyết dấn thân với mảnh đất “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tợ bánh canh”. Nhiều người khác đã cùng làm theo, góp phần xây dựng nên diện mạo mới của vùng tứ giác Long Xuyên ngày nay.

NMCCnFTc.jpgPhóng to
Bà Sáu Hùng bên chiếc máy Kubota mà bà đã gắn bó trong vụ hè - thu lũ lụt năm 1978. Bà lưu giữ chiếc máy để kỷ niệm về những ngày khốn khó đã qua - Ảnh: D.T.Hùng

Cách 2-3km mới có một căn nhà, toàn nhà tranh vách đất. “Mình cứ đi riết thì thành con đường”, bà Sáu nói. Bà chỉ ra cánh đồng rộng bao la, nơi hàng chục máy cày đang làm đất chuẩn bị xuống giống vụ đông xuân: “Hồi đó đồng này ngó ra là cỏ và cỏ. Nước thì chỉ có phèn với phèn. Tối đến cánh đồng tối thui một màu đen như mực. Ai ở nhà nấy, không dám bước ra vì sợ rắn rít, cọp dữ...”.

Nghĩ khác

Năm 1956, bà theo chồng - ông Sáu Hùng - vô đây theo cách gọi của người xưa là “gái về nhà chồng”. Bên họ nhà chồng cắm mốc sẵn một lô đất hoang rộng chừng 50 công giao cho đôi vợ chồng trẻ. Năm 1972, ông Sáu Hùng đột ngột qua đời để lại cho bà một nách tám con. Chôn cất ông xong, bà rớt nước mắt nhìn đám con thơ dại, xung quanh là đồng không mông quạnh, tâm trí bà rối bời chỉ muốn chết theo ông cho hết cuộc đời. Nhưng tiếng khóc vì đói của các con đã kéo bà về với thực tại.

Rồi bà xắn tay áo, xăn quần lội ruộng đắp bờ, đốt cỏ, tự tay đánh trâu đi cày mỗi sáng thay vào vị trí của chồng mình. Hết xuống ruộng bà lại lên xuồng đi hái bông điên điển, giăng lưới bắt cá tìm thức ăn cho các con.

Năm 1978, lũ lớn ập về toàn vùng ĐBSCL. 50 công ruộng lúa mùa của bà cũng cùng chung số phận bị nước chụp, mất trắng. Coi lại trong nhà chỉ còn 40 giạ lúa giống Thần Nông (loại ngắn ngày mới được Nhà nước phổ biến), bà nhẩm tính nếu để ăn hết thì đủ nhưng sau đó thì chết đói bởi sẽ chẳng còn hột nào xuống giống cho vụ sau. Còn nếu để dành phân nửa cho xuống giống thì liệu có chắc ăn không và trước mắt các con sẽ thiếu ăn trầm trọng.

Nhìn ra xung quanh, mấy thửa ruộng kế bên ai cũng bỏ phế. Nước ngập mênh mông, ai cũng nghĩ rằng nước lũ như vầy có gieo sạ lúa cũng chết, trước mắt cứ lo “bỏ bụng” cái đã, mặc ra sao thì ra. Nhưng bà nghĩ khác. Bà chấp nhận để con mình ăn cháo cầm hơi, bất quá thì bà chịu khó bơi xuồng đi bắt cá hái rau cho tụi nhỏ ăn độn. Bà quyết tâm phải xuống giống vụ hè thu kế tiếp, chấp nhận “được ăn cả, ngã về không”, thí mạng với ông trời.

Bà mướn thêm người đắp bờ bao ngăn lũ quanh thửa ruộng. Nhà còn cái máy Kubota, bà nhờ ông Út Xoàn ở xóm trên xuống quay máy, thức đêm canh nước bơm ra. Ruộng cạn, bà gieo sạ thật nhanh, sau đó cứ đi ra đi vô liền tù tì bên bờ ruộng canh nước. Cả cánh đồng chỉ có mỗi thửa ruộng của bà xuống giống, xung quanh bỏ không nước trắng xóa. Vụ đó bà thu hoạch được hơn 200 giạ lúa, đủ để các con no bụng. Chẳng những vậy, tới khi nước lũ rút, vào vụ mùa tiếp theo những nhà kế bên chẳng ai còn hột lúa giống nào vì đã ăn hết rồi. Bà kêu qua cho mượn, cứ sạ đi rồi vụ tới trả cũng được. “Đàn ông trong xóm chưa chắc làm được như bà”, chú Út Xoàn cười hà hà kể lại.

6PbMKj4x.jpgPhóng to

Bà Sáu Hùng vui vầy bên đàn cháu trên mảnh đất xưa kia là đồng hoang cỏ cháy - Ảnh: D.T.Hùng

“Làm cái gì có lợi cho dân thì làm”

Năm 1979, tỉnh chủ trương hợp tác hóa nông nghiệp, đưa ruộng đất vào tập đoàn sản xuất. Thấy bà Sáu Hùng giỏi giang, biết tính toán làm ăn, đặc biệt là có công giúp đỡ dân trong vùng thoát cảnh khan hiếm lúa giống vừa qua, mọi người đều nhất trí bầu chọn bà làm tập đoàn trưởng Tập đoàn sản xuất số 3 của ấp Sơn Thành.

Khi tập đoàn đi vào hoạt động, bà thấy cách làm ăn có vẻ kỳ kỳ. Hồi nào tới giờ nông dân mình quen ra đồng từ lúc 5 giờ sáng, chiều 4 giờ đã nghỉ ăn cơm chiều, tối đến phải đi thăm ruộng coi có bị cua cắn lúa hoặc bờ bị bể không. Nay lại chờ tới 7 giờ mới tập trung ra làm một lượt theo kiểu giờ hành chính tám tiếng. Tất cả ruộng là của chung, không phải của mình nên “cha chung không ai khóc”.

Thấy không ổn, bà kêu tập đoàn viên họp bàn cách làm theo... kiểu cũ, giao phần đất ruộng ai nấy làm. Đa số nông dân đều tán thành, nhưng cũng có người băn khoăn: “Làm sai chủ trương coi chừng bị kỷ luật!”. Bà cương quyết: “Làm cái gì có lợi cho dân thì làm. Kỷ luật hả, không sợ!”. Rồi bà quyết định ngay bữa sau mạnh ai về ruộng cũ người nấy làm. Thực tế là vậy nhưng về mặt sổ sách, báo cáo, bà cho kế toán cũng làm bảng chấm công theo biểu mẫu đàng hoàng. Cũng lên kế hoạch sản xuất, ăn chia, phân phối vật tư, tính công điểm lao động chính phụ... y như tập đoàn.

Vụ thu hoạch đó lúa trúng quá trời. So với các tập đoàn khác năng suất chỉ có 9-10 giạ/công, tập đoàn của bà thu 12-13 giạ/công. Mọi nghĩa vụ với Nhà nước như huy động lương thực, thuế, nợ vật tư, phân bón, xăng dầu, tập đoàn bà đều hoàn thành vượt mức chỉ tiêu. Đã vậy mức “ăn chia” của từng hộ nông dân đều khá hơn so với các tập đoàn khác.

Năm 1980, tập đoàn của bà được bầu chọn là tập đoàn làm ăn giỏi nhất, được báo cáo điển hình toàn tỉnh. Lúc này bà mới thú thật: “Tui không có ăn chia công điểm mà giao ruộng nhà ai nấy làm. Tui không có học tập kinh nghiệm của ai hết, tại thấy tình hình lúc đó làm vậy phù hợp, đa số dân đồng tình vì có lợi ích cho mọi người. Cái khó ló cái khôn thôi!”.

Trong chín năm làm tập đoàn sau đó, bà Sáu Hùng đều được dân tín nhiệm bầu làm tập đoàn trưởng liên tục ba nhiệm kỳ. Các tập đoàn lân cận đều bắt chước làm theo mô hình của bà và cũng thu hái nhiều kết quả khả quan. Chẳng những lấp đầy diện tích xuống giống trong các vụ mùa, tập đoàn của bà còn sản xuất thêm vụ hè thu, đi đầu trong phong trào thâm canh tăng vụ, là tập đoàn đầu tiên dám làm lúa hai vụ trong vùng đất mới năm nào còn hoang hóa phèn nặng này. Bà Huỳnh Thị Hiểu, bí thư kiêm chủ tịch xã Vọng Đông (năm 1988-1990), kể lại: “Sau này, khi có phong trào khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động thì chúng tôi mới sực nhớ cái này bà Sáu Hùng đã làm trước rồi. Mà bà chỉ làm tự phát chứ không có bài bản gì hết. Cái hay của bà là thấy đúng thì làm, không đúng không làm, chủ yếu là hợp lòng dân, có lợi cho mọi người”. Giờ đây, tám người con của bà đã trưởng thành, bà có đủ dâu rể và một đàn cháu chắt đông vui. Bà nói: “Bây giờ làm lúa thiệt sướng. Tất cả đều có máy móc, khoa học kỹ thuật hỗ trợ. Nhớ lại hồi đó chỉ có con trâu đi trước cái cày đi sau mà có thể làm được như vậy thì quả là ngoài sức tưởng tượng”.

___________________

Cũng ở An Giang, Út Ngãi dấn thân vào vùng hoang hóa cùng người vợ trẻ, vốn liếng được ba má vợ cho là 1ha đất, một đôi trâu với lời nhắn: “Ráng sống thuận thảo, nương tựa vào nhau thì sẽ có của ăn của để”. Làn gió mới thổi qua vùng đất tứ giác Long Xuyên...

Kỳ tới: Làm giàu trên vùng đất hoang

DƯƠNG THẾ HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên