25/10/2004 08:41 GMT+7

Khai nhận di sản thừa kế ở đâu?

CHI MAI
CHI MAI

TT - Mới đây, Cục Thuế TP.HCM đã có công văn số 6935/CT-TTHT chỉ đạo cho chi cục thuế các quận huyện chấm dứt việc cho khai nhận di sản thừa kế tại cơ quan thuế. Việc cơ quan thuế không xác nhận tờ khai di sản thừa kế là phù hợp qui định của nghị định 75CP về công chứng, chứng thực.

Tuy nhiên, khi người dân đổ dồn đến các phòng công chứng để chứng thực văn bản khai nhận di sản thì các phòng công chứng đã gặp lúng túng, không thể giải quyết yêu cầu này của người dân. Tuy nghị định 75/CP qui định thẩm quyền xác nhận khai di sản, phân chia, từ chối nhận di sản thừa kế là do cơ quan công chứng thực hiện, nhưng khi đi vào cụ thể thì tại điều 52 và 53 của nghị định chỉ qui định cơ quan công chứng có thẩm quyền công chứng, chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản (khi các đồng thừa kế không có tranh chấp), nhường quyền hưởng di sản cho người khác và khai nhận di sản thừa kế trong trường hợp đặc biệt là người duy nhất được hưởng di sản. Còn các trình tự, thủ tục về khai nhận di sản thừa kế thông thường (nhiều người được hưởng di sản) thì không có điều khoản nào qui định.

Việc xin khai nhận di sản thừa kế của nhiều người là nhu cầu chính đáng của công dân, không trái luật, và theo qui định của nghị định 75/CP thì cơ quan công chứng phải tiếp nhận (hợp đồng, giao dịch mà pháp luật không qui định phải công chứng, chứng thực nhưng cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu). Chính vì vậy, Sở Tư pháp TP.HCM đã phải có văn bản tạm thời hướng dẫn cho các phòng công chứng trong khi chờ hướng dẫn của Bộ Tư pháp là phải vận dụng qui định tại điều 52 và 53 nghị định 75/CP (về thủ tục khai nhận di sản thừa kế cho người duy nhất và thủ tục thỏa thuận phân chia di sản giữa các đồng thừa kế) để giải quyết nhu cầu của người dân trong việc khai nhận di sản thừa kế của nhiều đồng thừa kế.

Theo ông Trần Anh Tuấn, trưởng Phòng công chứng số 3, nghị định 75/CP giao thẩm quyền khai nhận di sản thừa kế của nhiều người cho cơ quan công chứng là phù hợp vì khi công chứng sẽ thực hiện theo một trình tự rất chặt chẽ, đảm bảo chính xác trong việc xác định những người thừa kế, vì cơ quan công chứng có thể xác minh hoặc yêu cầu các cơ quan, tổ chức xác minh. Người khai nhận di sản thừa kế cũng phải niêm yết việc khai nhận này tại nơi cư trú hoặc nơi có bất động sản trong thời hạn 30 ngày để tránh tình trạng tranh chấp. Tuy nhiên, nghị định 75/CP lại có thiếu sót và bất hợp lý khi chỉ qui định trường hợp khai nhận di sản thừa kế của người duy nhất được hưởng di sản mà không qui định trường hợp khai nhận di sản thừa kế của nhiều người.

Thiếu sót của nghị định 75/CP cũng chính là thiếu sót điển hình trong nhiều văn bản pháp luật hiện nay. Có những sự việc được quá nhiều văn bản luật điều chỉnh dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn nhau, nhưng cũng có những sự việc có liên quan chặt chẽ đến quyền lợi của người dân lại không được văn bản nào điều chỉnh, gây khó khăn cho việc áp dụng, rất cần sự hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền.

CHI MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên