07/09/2006 06:24 GMT+7

Khai nhận di sản thừa kế: Bó tay với giấy tờ

CHI MAI
CHI MAI

TT - Muốn mua bán, chuyển nhượng, sửa chữa nhà cửa do cha mẹ chết để lại, trước tiên con cái phải làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế. Thế nhưng, thủ tục này đang gây khổ sở cho rất nhiều người.

9tUV8peO.jpgPhóng to
Nộp hồ sơ tại Phòng công chứng số 4, TP.HCM - Ảnh: Chi Mai
TT - Muốn mua bán, chuyển nhượng, sửa chữa nhà cửa do cha mẹ chết để lại, trước tiên con cái phải làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế. Thế nhưng, thủ tục này đang gây khổ sở cho rất nhiều người.

Có nhà, bán không được

Căn nhà của ông Trần Văn Ba, ngụ đường 3-2, TP.HCM do hai vợ chồng ông đứng tên. Năm 2000, vợ ông qua đời không để lại di chúc. Đến nay, ông và các con muốn bán nhà để chia đều cho bốn người con. Đăng báo cả nửa năm trời, ông mới bán được nhà. Khi tiến hành thủ tục mua bán, ông được phòng công chứng hướng dẫn trước tiên phải làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế.

Thế nhưng, khi được hướng dẫn thủ tục khai nhận di sản thì ông Ba và các con toát mồ hôi vì hàng loạt các giấy tờ hộ tịch phải xuất trình như: giấy chứng tử của vợ ông, đăng ký kết hôn giữa hai vợ chồng, khai sinh của các con ông, khai sinh của vợ ông, giấy chứng tử của cha mẹ vợ (do cha mẹ vợ ông đã chết)...

Khổ nỗi, theo ông Ba (nay đã 78 tuổi): “Vợ chồng tôi lấy nhau gần 60 năm nay làm sao giữ được giấy đăng ký kết hôn? Cha mẹ vợ tôi cũng chết từ những năm 1945-1950 thì lấy đâu ra giấy chứng tử mà xuất trình?”.

Theo hướng dẫn của công chứng viên, ông đã phải xuất trình hộ khẩu (để thay cho đăng ký kết hôn), về tận quê vợ ở Cà Mau để nhờ UBND xã xác nhận thời điểm chết của cha mẹ vợ vì không có giấy chứng tử, còn khai sinh của vợ thì ông đành bó tay vì lúc còn sống vợ ông cũng chưa hề có khai sinh.

Mất mấy tháng trời đi lại bổ túc các giấy tờ nhưng hồ sơ khai nhận di sản thừa kế của gia đình ông vẫn chưa thể hoàn tất. Việc mua bán nhà phải hủy bỏ, ông phải bồi thường tiền cọc cho người mua.

Theo qui định của pháp luật, nếu người để lại di sản là nhà đất khi chết không để lại di chúc, nếu muốn mua bán, chuyển nhượng, thế chấp hay xây dựng sửa chữa nhà... thì những người được hưởng thừa kế di sản theo pháp luật (bao gồm: cha mẹ, vợ hoặc chồng, các con) của người để lại di sản phải làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế.

Thủ tục này phải thực hiện tại cơ quan công chứng và niêm yết 30 ngày tại địa phương nơi người để lại di sản thừa kế cư trú hoặc nơi có tài sản.

Nghị định 75/CP về công chứng qui định để làm được thủ tục khai nhận di sản thừa kế thì những người thuộc diện được thừa kế di sản có nghĩa vụ xuất trình các giấy tờ chứng minh mối quan hệ với người chết. Rất nhiều người đã phải khổ sở nhiều tháng trời để đi trích lục, xác nhận các loại giấy tờ: khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn... Thế nhưng, không phải ai cũng có khả năng xuất trình đầy đủ các loại giấy tờ này dù đã làm hết khả năng.

Trước đây khi người dân thiếu một số giấy tờ như chứng tử, kết hôn… một số phòng công chứng tại TP.HCM đã cho người dân viết cam đoan, tự chịu trách nhiệm về lời khai của mình. Tuy nhiên, việc này lại không được văn bản nào qui định cho nên theo chỉ đạo của Sở Tư pháp TP, các phòng công chứng không được tự tiện cho người dân tự cam đoan mà chờ xin ý kiến của Bộ Tư pháp. Sở Tư pháp TP.HCM đã xin ý kiến của Bộ Tư pháp để tháo gỡ các thủ tục này nhưng đến nay gần một năm vẫn chưa có hướng dẫn.

Hãy để tự cam đoan

Do hoàn cảnh lịch sử của đất nước, nhiều người hiện khó lưu giữ đầy đủ các loại giấy tờ hộ tịch liên quan đến bản thân, cha mẹ, vợ chồng. Thế nhưng, thủ tục khai nhận di sản thừa kế qui định tại nghị định 75/CP về công chứng rất cứng nhắc. Theo các phòng công chứng tại TP.HCM, hiếm có trường hợp nào các đương sự cung cấp đầy đủ các loại giấy tờ hộ tịch theo yêu cầu.

Nhiều trường hợp thiếu khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn thì các công chứng viên đã phải “vận dụng” bằng cách cho đương sự xuất trình các loại giấy tờ khác như hộ khẩu, giấy xác nhận của chính quyền địa phương, bản lý lịch cán bộ công chức, lý lịch đảng viên trong đó có nêu rõ các tình tiết về nhân thân, cha mẹ đã được các cơ quan, tổ chức xác minh và xác nhận...

Theo ông Trần Anh Tuấn - trưởng Phòng công chứng số 3 (TP.HCM), qui định về trình tự, thủ tục khai nhận di sản thừa kế hiện quá cứng nhắc, còn gây khó khăn cho cơ quan công chứng.

Ông Tuấn đề xuất một hướng “mở”: trong trường hợp đương sự không thể xuất trình đầy đủ các loại giấy tờ hộ tịch thì có thể tự cam kết và chịu trách nhiệm về lời khai của mình về số lượng người đồng thừa kế, đồng hưởng di sản. Nếu khi công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế theo sự cam đoan của đương sự mà còn thiếu, sót đồng thừa kế nào đó thì người khai nhận di sản phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

CHI MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên