Sài Gòn mỹ lệ, Gia Định xưa cũ tinh tế, Chợ Lớn phồn hoa..., những bức tranh của một bạn trẻ đưa người xem nhiều thế hệ về không gian ký ức với hoài niệm xa xăm.

Kha Liêm có nét hao hao nhân vật Gil Pender trong Midnight in Paris (tạm dịch: Nửa đêm ở Paris). Bộ phim kể về một nhà biên kịch thời hiện đại khao khát được quay trở về và sống trong không khí văn nghệ những năm 1920 ở Paris, nơi Ernest Hemingway, Picasso, Salvador Dalí, Man Ray... tụ tập hằng đêm say sưa đời nghệ sĩ. Một chuyến xe bí ẩn giữa đêm đã giúp cho ước mơ của Gil Pender trở thành hiện thực.

Kha Liêm và Sài Gòn rực rỡ - Ảnh 1.

Không có chiếc xe, Kha Liêm có cây bút vẽ. Gil Pender và Kha Liêm cùng chia sẻ sự hoài niệm về ký ức rực rỡ của một thời đã qua.

"Có lúc mình thấy lạc lõng, như thể ngày nay không dành cho mình, như thể mình đang sống trong bản nhạc của Trúc Phương, Khánh Băng, văn chương của Bình Nguyên Lộc hay Lê Xuyên" - Kha Liêm giãi bày khi gặp tôi cạnh lăng Lê Văn Duyệt.


Kha Liêm và Sài Gòn rực rỡ - Ảnh 2.

Sinh năm 1985, tưởng chừng Kha Liêm chẳng liên quan gì đến Sài Gòn một thời quá vãng. Nhưng không. Anh khoe mình lớn lên ở khu vực gần chợ Bà Chiểu, ăn mì người Hoa ở chợ Cây Quéo và thường lang thang khắp khu vực Đồng Ông Cộ.

Anh có thể kể vanh vách câu chuyện xoay quanh những ngôi nhà mang dấu ấn của ngày cũ và vẽ lại các họa tiết, hoa văn cứ ngỡ chỉ còn trong kỷ niệm.

Tập artbook mang tên Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn - Ký ức rực rỡ do Kha Liêm vẽ minh họa và nhà báo Phạm Công Luận biên bài, khởi đầu chỉ là những bức vẽ một số ngôi chùa cổ, rạp chiếu bóng, chân dung danh ca, thế rồi bồi tụ dần thành hơn 200 bức tranh gây ngạc nhiên cho những người thưởng thức.

Năm năm thực hiện, cuốn sách trình bày theo phong cách màn hình đại vĩ tuyến với ý tưởng những trang sách sẽ được lần giở như bộ phim đang tua lại quá khứ.

Một Sài Gòn thu nhỏ trong sách với từng ngóc ngách đời sống được đặc tả chi tiết, từ ngôi chùa của người Hoa, người Khmer, những dinh thự cổ cho đến chân dung các nghệ sĩ, gánh hát, những bảng hiệu quảng cáo...

Nhờ sự công phu của Kha Liêm, người xem có thể soi vào họa tiết, hoa văn trên kiến trúc xưa và sống lại những kỷ niệm của riêng mình.

Mỗi bức là một cuộc du hành về mảnh đất Sài Gòn cách đây hơn nửa thế kỷ với phòng trà ca nhạc vọng lên giọng danh ca Thanh Thúy, Lệ Thu, ánh đèn từ vũ trường Baccara, vẻ nhộn nhịp của dòng người đi xem đoàn cải lương Phước Cương, dãy lồng đèn rực rỡ treo trên mái Hội quán Nghĩa An...

Tôi đưa vài trang sách cho một người bạn xem, anh quả quyết những bức tranh được in mới lại từ bản vẽ tay cách đây vài chục năm. "Phải sống trong dòng chảy Sài Gòn xưa, thấm cái phong vị trữ tình ấy thì mới vẽ được thế này" - anh nói đinh ninh để rồi "té ngửa" khi biết Kha Liêm đang còn trẻ.

Kha Liêm và Sài Gòn rực rỡ - Ảnh 4.

Những gam màu gợi nỗi niềm nửa phồn hoa, nửa man mác như tình yêu đặc biệt Kha Liêm dành cho mảnh đất mà anh sống. Con mắt họa sĩ luôn tò mò về Sài Gòn. Ở góc nào đi qua, Kha Liêm đều thấy một câu chuyện còn dang dở.

Anh miệt mài tìm câu trả lời, dù phải đi hỏi người dân cố cựu hay tự tra cứu tài liệu. Thành quả là những tác phẩm mỹ thuật có góc nhìn độc đáo nhưng lại bình dị, gần gũi. Quyết tâm của Kha Liêm khiến tôi tự hỏi, anh tái khám phá nét đẹp Sài Gòn hay chính vùng đất này đang tự sự với anh - người bạn tâm giao.


Kha Liêm và Sài Gòn rực rỡ - Ảnh 5.

"12 năm" - Kha Liêm nhắc về thời điểm mình bắt đầu lần giở văn hóa Sài Gòn xưa từ những tờ bìa nhạc và một tờ báo văn nghệ in trước năm 1975. Là một người làm quảng cáo, anh bị lối vẽ chân phương của các họa sĩ miền Nam thu hút với đường nét giản dị, sử dụng ít màu nhưng lại hiệu quả khi phối trộn.

"Mình lập tức bị choáng ngợp kể từ khi nhìn thấy các bìa nhạc nổi tiếng của họa sĩ Duy Liêm. Cũng phong cách lập thể như Tạ Tỵ nhưng Duy Liêm lại gọt bỏ phần hàn lâm, đưa đời sống sinh hoạt vào tranh vẽ, phù hợp với cuộc sống bình dân của người Sài Gòn" - anh kể mà vẫn còn vẻ hồi hộp.

Kha Liêm và Sài Gòn rực rỡ - Ảnh 6.

Tranh Kha Liêm cũng mang đậm phong cách cá nhân. Anh là người "say" chi tiết. Các tác phẩm được vẽ trên máy tính khi được phóng lớn có thể trông thấy từng nét tỉa tinh tế, làm nổi bật lên kiến trúc của các di tích cổ, giữ lại hầu hết hoa văn xưa một cách trung thực để người đọc hoặc nhà nghiên cứu có thể xem là một cứ liệu tham khảo.

Với sự tỉ mẩn ấy, Kha Liêm tự nhận công việc của mình là lưu giữ lại hình ảnh, câu chuyện đẹp của Sài Gòn cho thế hệ sau. Những ngày căng thẳng, anh ngồi trước máy in, scan các tờ bìa nhạc rời mượn được của nhà sưu tập Lê Minh Nhựt để số hóa dữ liệu, xem đó như thú vui.

Kha Liêm và Sài Gòn rực rỡ - Ảnh 7.

Vẽ tranh đã mang lại cho Kha Liêm niềm hạnh phúc bất ngờ: "Ban đầu mình chỉ muốn vẽ lại không khí Sài Gòn ngấm vào người từ các tập tiểu thuyết, đĩa nhạc chứ chưa biết phải làm gì với số tranh này.

Cứ muốn vẽ để cảm xúc trôi ra thôi. Có lúc đi trên đường đông xe, mình nhìn về những căn nhà cũ lọt thỏm giữa các tòa nhà cao tầng, dán mắt vào không buông ra được.

Ngày hôm sau lại lục tục chạy xe ra từ sáng sớm để chụp hình về vẽ lại. Ai nói Sài Gòn này có gì mà mê dữ vậy, mình chịu không trả lời được. Nhờ những bức tranh, mình đã được quen biết nhiều nghệ sĩ trước giờ chỉ nghe thấy trên băng đĩa và gặp được bạn bè, nhà sưu tập cùng chia sẻ đam mê".

Kha Liêm và Sài Gòn rực rỡ - Ảnh 8.
Kha Liêm và Sài Gòn rực rỡ - Ảnh 9.

Hành trình đi tìm tư liệu càng cho chàng họa sĩ trẻ thêm hiểu thêm yêu. Anh nhớ khi bị đuổi đi vì chụp một xe bán mì của người Hoa, và anh cũng nhớ cảm giác vui sướng khi khám phá điểm khác nhau giữa một xe bán mì xưa và nay:

"Ngày trước, xe mì làm bằng gỗ và có đến 12 bức tranh kiếng vẽ theo kiểu liên hoàn họa với những tuồng tích cổ. Với số lượng tranh như vậy, họ phải làm 3 tầng mới đủ. Nhưng xe inox bây giờ chỉ có 8 tấm tranh kiếng và 2 tầng thôi...".

Tuy nhiên Kha Liêm không cho rằng nét đẹp văn hóa Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn bị mai một. Một tòa nhà có thể bị đổ nát, một rạp chiếu bóng đóng cửa nhưng hồn cốt thành phố vẫn còn mãi trong tính cách hào sảng của người dân. Điều làm anh luyến tiếc nhất là sự biến mất của biển quảng cáo vẽ tay. "Khi những tấm bảng độc đáo mất dần đi, có cảm giác đời sống thành thị kém đi một phần rực rỡ...".

Kha Liêm và Sài Gòn rực rỡ - Ảnh 10.

MAI THỤY
NGỌC THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên