Xem bài giải môn hóa khối B, văn khối C,D
Phóng to |
Thí sinh thi vào trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM tại hội đồng thi trường THCS Ngô Quyền, Quận Tân Bình, TP.HCM sáng 10-7 - Ảnh: Minh Đức |
Môn hóa: học sinh trung bình có thể đạt 5-6 điểm
Hầu hết các ý kiến cho rằng thí sinh học lực trung bình khá trở lên cũng có thể đạt được 5-6 điểm. Một số thí sinh bất ngờ vì đề thi ra về tốc độ phản ứng của chương trình lớp 10, ít thí sinh chú trọng ôn phần này.
Bạn Hồ Thế Bảo, dự thi Trường ĐH Y dược TP.HCM cho biết: "Mình thấy môn Hóa khối B năm nay nói chung là dễ hơn năm ngoái, một số câu khá vừa sức, tương đương đề hóa khối A. Tuy vậy, trong đề cũng có những câu rất khó, khó hơn đề hóa khối B năm ngoái".
Một số thí sinh bước ra khỏi phòng thi với khuôn mặt nhẹ nhõm, thoải mái nhưng một số bạn lại khá căng thẳng: Môt số ý kiến cho rằng đề thi có nhiều câu hỏi rơi vào phần hóa hữu cơ của lớp 11 nên làm thí sinh bối rối.
Nhiều bạn cho rằng các câu hỏi đều nằm trong những dạng đề quen thuộc đã ôn từ trước nhưng do một số câu có quá nhiều dữ kiện, qua nhiều bước nên khi giải sẽ rất tốn thời gian.
Theo nhận định của nhiều thí sinh, những bạn nào quen giải đề thật nhanh thì mới kịp thời gian. Tuy nhiên với đề này các bạn khá giỏi đạt 8-9 điểm là không khó, thậm chí có thể là điểm tối đa.
Trong khi đó, tại Đà Nẵng, khi được hỏi về đề thi môn Hóa, phần lớn thí sinh đều than khó. Tại điểm thi Trường THCS Trưng Vương, thí sinh Ngô Văn Đức (quê Hà Tĩnh), thi vào Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng cho biết: “Em nghĩ mình chỉ đạt mức trung bình, có khoảng 25 câu chắc chắn đúng, số còn lại phải xem đáp án mới khẳng định được. Đề thi khó vì sử dụng nhiều phép tính”.
Cùng chung nhận định này, nhiều thí sinh từng dự thi khối A trước đó cũng cho rằng đề thi môn Hóa lần này khó hơn: “Đợt thi trước em làm được khoảng 80% nhưng đợt này dù cố gắng lắm cũng chỉ được khoảng 60%”, thí sinh Lê Thị Ngọc (quê Quảng Bình), dự thi vào Trường ĐH sư phạm Đà Nẵng chia sẻ.
Theo đánh giá chung của các thí sinh, những câu hỏi tính phần trăm phải sử dụng nhiều phép toán nên mất nhiều thời gian. “Em cố gắng hết sức cũng chỉ làm được 50 câu, 10 câu còn lại em chọn đáp án theo cảm tính chứ không còn thời gian để phân tích và làm phép tính nữa”, thí sinh Lê Văn Khải (quê Quảng Nam), dự thi vào Trường ĐH Bách khoa cho biết thêm.
Đề văn khối D: hay nhưng khó
Thí sinh bất ngờ vì đề văn khối D yêu cầu thể loại bình luận nhiều quá. Lâu nay, với câu nghị luận xã hội, thí sinh vẫn quen với dạng đề phân tích thơ hoặc văn xuôi (một hình ảnh, một nhân vật, một phần tác phẩm…)
Thí sinh Trịnh Tụê An, Thủ Đức, dự thi ngành Ngôn ngữ Anh nhận xét: "em thấy đề thi năm nay vừa sức, chủ yếu tập trung vào kiến thức lớp 12. Câu 1 theo em hiểu bài và nghe giảng là làm được chứ không cần học thuộc lòng. Câu 2 vấn đề hay, gần gũi, thiết thực. Em và các bạn hơi bất ngờ với tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa vì thi tốt nghiệp đã có rồi, nên cách làm cũng quen thuộc, bình luận sâu một chút là được".
Thí sinh Lê Anh, Đồng Nai, dự thi ngành Ngôn ngữ Anh lại có ý kiến khác: "Với câu 1 và 3 em thấy người làm cần nhớ chi tiết và học bài mới làm tốt. Nhìn chung, em thấy đề cũng hơi khó, cần sâu sắc và hiểu bài nhất định mới có thể làm trọn vẹn".
Kết thúc môn thi cuối cùng kỳ thi ĐH đợt 2, tại Đà Nẵng mặc dù nhiều thí sinh ra sớm nhưng đa số đề có chung nhận định: đề văn khối D “khó nuốt” vì gây bất ngờ.
Thí sinh La Trọng Thẩm (quê Hà Tĩnh) dự thi vào trường ĐH Ngoại Ngữ (ĐH Đà Nẵng) nhận định: “Đề văn gây bất ngờ với em. Thứ nhất tác phẩm Người lái đò sông Đà rất “khó đọc”, để làm được câu này phải học rất kỹ, nắm từng chi tiết, cách miêu tả. Thứ 2, câu nghị luận xã hội dễ làm, nhưng khó được điểm cao, ai đọc tác phẩm này rồi thì có cảm nhận tốt hơn, có lợi thế hơn”.
Thí sinh Dương Thị Diệp Thúy (quê Quảng Nam) nhận định: “Câu nghị luận nằm trong cuốn sách vừa mới xuất bản, em không nghĩ lại vào đề văn nhanh như vậy. Cũng may em đã đọc tác phẩm này rồi, hiểu được tư tưởng nên việc bày tỏ quan điểm không khó lắm”.
Trong khi đó, đánh giá đề văn khối D, PGS-TS Đoàn Lê Giang - Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM - cho rằng đề năm nay tuy vẫn chưa thoát được lối mòn nhưng là một đề hay nếu so với những năm trước. Đề này sẽ tránh được kiểu làm bài theo văn mẫu, gợi được tính tư duy độc lập của thí sinh.
Câu nghị luận xã hội là ý kiến đánh giá của một người trẻ, thí sinh cũng có thể sẽ có nhiều cách đánh giá khác nhau về nhận định này và đưa ra các quan điểm, đánh giá của riêng mình.
Như vậy, đáp án phải thật sự mở, không cần phải nêu ý kiến chi tiết mà chỉ cần đưa ra những khả năng, ý kiến khác nhau và các luận điểm kèm theo nhận định, từ đó đánh giá năng lực tư duy, ý tưởng và tổ chức bài văn của thí sinh.
Riêng hai câu nghị luận văn học năm nay là những câu khó, trong đó câu 3a là khó nhất. Câu này đòi hỏi thí sinh phải hiểu về bài thơ Vội vàng, phải biết so sánh các quan niệm kèm dẫn chứng cụ thể. Về quan niệm, trước đây người ta đánh giá tiêu cực nhưng sau này lại đánh giá tích cực. Trong chương trình phổ thông, giáo viên thường chỉ dạy những điều hay, cái đẹp của tác phẩm chứ không dạy những đánh giá tiêu cực.
Với đề thi này, không chỉ đáp án phải mở mà ngay cả người chấm thi cũng không được trung thành mù quáng với đáp án, không đếm ý cho điểm mà phải đánh giá tư duy của thí sinh.
Đề văn khối C: Giáo viên khen hay, thí sinh than khó
Thí sinh dự thi môn văn khối C ra về trong tâm trạng kém phấn khởi. Nhận định đề thi, nhiều bạn có cảm nhận trái chiều. Cũng có những thí sinh cho rằng đề lạ nhưng hay. Những ai có tư duy sắc sảo, giỏi văn thật sự rất thích với dạng đề này. Nhưng hầu hết thí sinh đều lắc đầu với dạng đề quá lạ.
Bạn Lâm Nguyễn Trường Duy dự thi vào Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), cho biết: “Lúc đọc đề xong em rất choáng, nhiều bạn thi chung phòng cũng hết hồn. Đề khó mà trừu tượng quá. Câu 1 hỏi tác phẩm Hai đứa trẻ không khó nhưng nằm trong chương trình lớp 11 nên nhiều bạn không nhớ kỹ. Câu nghị luận xã hội thì đọc xong bối rối không biết làm từ đâu. Làm câu này cứ lẩn quẩn mất hơn 1 tiếng mới xong. Mọi năm, đề thường yêu cầu viết về một hiện tượng xã hội, một lối sống… đa số là vấn đề gần gũi, dễ viết. Đề này yêu cầu viết về một ý kiến vừa đúng vừa sai, viết làm sao cho chặt chẽ và thoát ý đòi hỏi thí sinh phải cảm nhận tốt và viết giỏi.
Câu nghị luận văn học cũng được thí sinh cho là quá lạ. Bình thường mọi năm hay cho phân tích tác phẩm hoặc đoạn thơ. Kiểu đề so sánh không lạ nhưng yêu cầu so sánh và bình luận thì chưa gặp bao giờ.
Thí sinh Ngô Phạm Hiệp Uyên Duy, học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP.HCM đánh giá: “Đề năm nay khó hơn năm ngoái nhiều. Trừ câu 1 hơi dễ, câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học rất khó. Lập dàn ý tối ưu cho câu nghị luận xã hội không hề dễ. Hai câu nghị luận văn học ở phần cơ bản và nâng cao đều đòi hỏi so sánh nhiều".
Trái với nhiều ý kiến cho rằng đề khó, thí sinh Tống Văn Dương ở Đắk Nông cho biết: “Đề thi khá dễ, câu một chỉ cần thuộc bài là làm được. Câu nghị luận xã hội nhắc đến một quan điểm sống rất hay và thực tế, mình ủng hộ quan điểm này, con người khi sống phải biết vì mình thì mới tồn tại được. Hình ảnh người lính trong bài thơ Tây Tiến cũng không khó, trong quá trình học mình đã phân tích nhiều.
Nhiều thí sinh cho rằng, với đề này, những ai thật sự mê văn, có suy nghĩ sắc sảo, học giỏi môn này mới đáp ứng tốt. Dân “tay ngang” hoặc xem khối C là khối thi phụ sẽ phải "bó tay" với dạng đề chưa gặp bao giờ. Và bận tậm cuối cùng của nhiều thí sinh là đáp án. Với dạng đề mở, tranh luận nhiều như thế này, làm thế nào cho khớp ý đáp án không phải dễ. Có thể, làm bài được nhưng không khớp đáp án cũng khó có điểm cao.
Trong khi đó, cô Cao Thị Đan Thanh, tổ trưởng tổ văn, Trường THPT dân lập Thanh Bình, TP.HCM cho rằng đề văn Khối C năm nay quá hay. Ngay từ câu hỏi về lý thuyết đã yêu cầu thí sinh phải hiểu bài mới làm được.
Câu hỏi về nghị luận xã hội năm nay cũng hay và khó. Thí sinh phải có tư duy sắc sảo, lập luận chắc chắn, thuyết phục mới giải quyết thấu đáo vấn đề và đúng với đáp án.
Điều bất ngờ nhất trong đề văn năm nay là tác giả đề thi không cho ra một đoạn thơ như những năm trước mà cho cả một tác phẩm thơ (câu hỏi về nghị luận văn học). Điều này đòi hỏi thí sinh phải thuộc thơ, hiểu tác phẩm và có lập trường vững chắc mới làm tốt được.
Tóm lại, đề văn khối C năm nay thực sự dành cho những học sinh yêu văn chương, cảm thụ văn học tốt và viết văn có cảm xúc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận