"Không đánh đổi môi trường phát triển kinh tế", thông điệp mà lãnh đạo TP.HCM nhiều lần nhấn mạnh gần đây được cụ thể rõ hơn ở nhiều công trình "xanh hóa". Và những dòng kênh ô nhiễm đã dần lấy lại màu xanh, những nhà máy xử lý nước thải lần lượt đưa vào khai thác là những điểm sáng.
Sau nhiều năm thi công, đầu năm 2025 gần 1km kênh Hàng Bàng (trải dài qua hai quận 5 và 6) đã được khơi thông. Dòng kênh bồi lắng từng được mệnh danh "ô nhiễm bậc nhất TP.HCM" ngày nào giờ "lột xác".
Đời sống đổi thay
Dạo bước bên dòng kênh vừa được cải tạo với vỉa hè tươm tất, bà Trương Ánh Loan hồi tưởng khi bà còn nhỏ, Hàng Bàng từng là con kênh huyết mạch, nơi những chiếc ghe chài chở trái cây, mua bán nhỏ lẻ ngược xuôi tấp nập.
Thế rồi đô thị phát triển, người dân tứ xứ tụ về làm ăn sinh sống, kênh Hàng Bàng dần bị thu hẹp, trở nên ô nhiễm nặng nề. "Dòng kênh gần như bị lấp lại, rác ngập giống một đầm lầy. Đủ thứ bị vứt vào kênh khiến nó chết dần theo thời gian", bà Trương Ánh Loan buồn buồn kể.
Phải sau mấy chục năm, hôm nay khi ngồi nhìn về dòng kênh được cải tạo, bà Loan không giấu được niềm vui. Kênh được khơi thông, đầm lầy ngập rác được thay bằng dòng nước xanh và từ đó môi trường sống cho bà con cũng được cải thiện tốt hơn. Giờ đây mỗi buổi tối, người dân đã có thể thong dong thả bộ dọc bờ kênh thay vì bịt mũi, "né" mùi hôi như bao năm qua.
Còn với người lớn lên từ nhỏ bên bờ kênh Hàng Bàng như bà Huỳnh Thị Hồng Cẩm được nhìn thấy dòng kênh sạch đẹp là niềm vui khôn tả. "Nhớ lại khoảng thời gian trước, phải chịu mùi hôi thối xộc lên mỗi ngày ai nấy cũng ngán ngẩm. Buôn bán làm ăn cũng rất khó khăn", bà Cẩm nói.
Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư), hiện cảnh quan dọc bờ kênh đã xong, còn việc cải thiện chất lượng nước kênh Hàng Bàng sẽ tiếp tục triển khai trong quý 2 năm nay. Và lượng nước thải sẽ được xử lý để trả lại màu xanh cho tuyến kênh này.
Cá đã về trên kênh Tàu Hủ - Bến Nghé
Hiện nay, tại TP.HCM có hai dự án lớn liên quan tới xử lý nước thải, đó là dự án Cải thiện môi trường nước TP.HCM và dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM.
Trong đó, dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM đã xong 2/3 giai đoạn. Và điều đáng mừng ở giai đoạn 1 đã hoàn thành phục vụ xử lý cho khu vực diện tích 910ha trên 10 quận huyện với dân số khoảng 900.000 người.
Còn với nhà máy Bình Hưng (giai đoạn 2 của dự án nêu trên) sau 5 tháng vận hành, chất lượng nước sau xử lý được đánh giá rất ổn định. "Với những ghi nhận hiện tại thì tôi tin chất lượng nước trên kênh Tàu Hủ - Bến Nghé (dòng kênh thuộc phạm vi xử lý của nhà máy Bình Hưng) sẽ tốt dần lên theo thời gian.
Rõ ràng các tuyến kênh đã được thu gom xử lý chắc chắn màu xanh sẽ khôi phục. Anh em vận hành cho biết cá bây giờ trên kênh này về nhiều lắm, đó là tín hiệu rất vui", ông Lương Minh Phúc, giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư), nói.
Giai đoạn 3 của dự án này sẽ đưa nước thải phía Nam thành phố về nhà máy mới với công suất 150.000m3/ngày nằm ở huyện Nhà Bè. Giai đoạn này giúp thu gom nước thải của kênh Đôi - kênh Tẻ. Đồng thời tổ chức di dời tái định cư cho toàn bộ người dân dọc tuyến. Dự án được Ban Giao thông kỳ vọng sẽ làm xong trong vòng ba năm tới.
Ông Phúc cũng thừa nhận dù đã xong giai đoạn 2 của dự án nhưng kênh Tàu Hủ - Bến Nghé vẫn còn bị ô nhiễm do sự hợp lưu với kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Hiện nay kênh Tân Hóa - Lò Gốm mới xong hai cấu phần là tái định cư và thoát nước mưa. Việc xử lý nước thải vẫn chờ nhà máy xử lý nước phía Tây thành phố.
Lòng dân thuận, các dự án nhanh về đích
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Lương Minh Phúc cho biết các dự án cải tạo môi trường nước TP.HCM may mắn nhận được sự đồng thuận của người dân trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Yếu tố này trong dự án môi trường nước, theo ông đóng vai trò lớn bởi vì khối lượng người dân bị giải tỏa trắng rất nhiều. May mắn là người dân đều hiểu và chia sẻ, qua đó các dự án cũng chạy nhanh hơn.
Ông Phúc cho biết trong các dự án gần đây, TP.HCM có một cơ chế rất đột phá đó là chấp nhận hỗ trợ người dân nhận được đến 70% giá trị tài sản theo chính sách đền bù (với các trường hợp hồ sơ pháp lý đang còn khó khăn). Cơ chế này sẽ tiếp tục được áp dụng cho các dự án sắp tới.
Còn ông Đậu An Phúc, giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM, cũng nhận định trong các dự án, yếu tố đồng thuận của người dân góp phần giúp dự án thuận lợi và nhanh về đích hơn.
Hiện nay, Ban Hạ tầng đang triển khai một số dự án có quy mô bồi thường giải phóng mặt bằng rất lớn như dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên ảnh hưởng 3.290 trường hợp; dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp ảnh hưởng 2.215 trường hợp; dự án Nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ bắc kênh Đôi trên địa bàn quận 8 ảnh hưởng 1.617 trường hợp.
Việc triển khai thực hiện các dự án trọng điểm của thành phố thường gắn liền với công tác bồi thưởng giải phóng mặt bằng nên khi người dân đã đồng thuận với chính quyền họ sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng cống hiến những lợi ích riêng tư của bản thân, của gia đình cho sự phát triển của thành phố là rất đáng trân trọng.
"Chính từ sự đồng thuận đó, việc bàn giao và tiếp nhận mặt bằng để tổ chức thi công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án sẽ rất nhanh, rút ngắn được nhiều thời gian về đích của các dự án trọng điểm", ông Phúc bày tỏ.
Sắp hoàn thành nhà máy nước thải lớn nhất Đông Nam Á
Là một đại dự án quan trọng để trả lại màu xanh kênh rạch cho TP.HCM, dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM đã xong giai đoạn 1 vào năm 2012. Giai đoạn 2 của dự án sẽ dẫn nước thải trong lưu vực của giai đoạn 1 cộng với lưu vực TP Thủ Đức đưa về Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè thông qua tuyến cống bao. Đây là nhà máy lớn nhất Đông Nam Á với công suất xử lý lên tới 480.000m3/ngày.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đậu An Phúc, giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM, cho biết mục tiêu giai đoạn 2 của dự án là cải thiện, nâng cao sức khỏe đời sống của người dân TP.HCM, khôi phục và bảo tồn hệ sinh thái sông Sài Gòn, cũng như lưu vực hạ lưu sông Đồng Nai.
Tiến độ chung của dự án tính đến ngày cuối năm 2024 đạt 73%. Riêng tiến độ xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè đạt 58,9% và dự kiến hoàn thành trước ngày 30-9-2025.
Cũng là đơn vị hồi sinh kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, ông Đậu An Phúc cho biết tiến độ chung của dự án tính đến 31-12-2024 đạt 43,51%. Dự kiến thực hiện thông xe kỹ thuật một số đoạn tuyến chào mừng Ngày Quốc khánh 2-9 và thông xe toàn tuyến trước 31-12-2025.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận