04/03/2011 06:33 GMT+7

Kê khai giá thuốc bất thường

LAN ANH
LAN ANH

TT - Trong vòng nửa tháng qua, hơn 240 loại thuốc đã tăng giá ở mức 3-30% trên thị trường Hà Nội. Nhưng cuộc thanh tra sáng 3-3 của Sở Y tế Hà Nội cho thấy một phần nguyên do từ những bất thường trong kê khai giá thuốc tại Bộ Y tế.

Read this on Tuoitrenews.vn

ds0BKrHA.jpgPhóng to
Thanh tra Sở Y tế Hà Nội kiểm tra giá thuốc tại trung tâm bán buôn thuốc Ngọc Khánh - Ảnh: Vân Khánh

Cầm trên tay một tập thông báo điều chỉnh giá thuốc, chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường cho hay đã có 21/31 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chi nhánh công ty dược phẩm nước ngoài ở Hà Nội có điều chỉnh giá thuốc với tổng số 240 mặt hàng, mức điều chỉnh 3-30%.

Trong thời điểm nhiều mặt hàng tăng giá, giá thuốc với đặc thù 90% nguyên liệu phải nhập khẩu, tỉ lệ thành phẩm nhập khẩu khá lớn nên phải điều chỉnh giá khi tỉ giá ngoại tệ tăng cũng là dễ hiểu.

Song điều bất thường chính là mức tăng được chấp thuận hầu như không theo một quy tắc cụ thể nào, dẫn đến tỉ giá điều chỉnh chưa đến 10%.

Nhưng lý do vì sao mà Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội lại chấp thuận cho nhiều loại thuốc tăng giá dưới 30% là điều chưa rõ ràng.

Ào ào tăng giá

Tuy nhiên trong cuộc thanh tra này cho thấy đã có mặt hàng tăng giá tới 34%. Trong số này, Công ty TNHH một thành viên Dược phẩm T.Ư 2 (chi nhánh Hà Nội) tăng giá 13/207 mặt hàng đang kinh doanh, mức tăng 10-15,38%, do điều chỉnh tỉ giá và tăng giá vận chuyển. Công ty cổ phần Dược phẩm Bến Tre chi nhánh Hà Nội tăng giá thuốc phun sương Lidocain spray từ 88.200 đồng/lọ lên 115.500 đồng/lọ (tăng 31%), thuốc Cavinton F 10mg viên nén tăng giá 34%, thuốc tiêm Panangin inj tăng giá 28%.

Công ty TNHH dược phẩm Fitopharma tăng giá thuốc Fitogra-F và Fitorhi-F thêm 11-12% tùy loại. Công ty Trapharco tăng giá ba mặt hàng mức 17-25%, với lý do giá nguyên phụ liệu tăng, tỉ giá ngoại tệ tăng. Công ty Domesco chi nhánh Hà Nội tăng 14/249 mặt hàng, mức tăng 8-21%. Công ty cổ phần Sao Thái Dương tăng giá 9/11 sản phẩm, mức tăng 14,9-25% với lý do được công ty giải thích là do nguyên liệu tăng, lương tăng, chi phí bán hàng tăng và tăng khấu hao tài sản cố định do đầu tư tăng!

Bất thường kê khai

Tại quầy thuốc của Công ty Dược phẩm T.Ư ở trung tâm bán buôn thuốc Ngọc Khánh (Hà Nội), thuốc Calcium folinate 0,1g (sản phẩm của Ebewe, Áo) tăng giá mức 4%, từ 177.450 đồng/ống lên 183.750 đồng/ống, nhưng giá kê khai (từ ngày 31-12-2007) báo cáo Sở Y tế Hà Nội lên tới 539.460 đồng, tức giá bán chỉ bằng 30% giá kê khai.

Khi được chất vấn, ông Nguyễn Doãn Liêm - đại diện Công ty Dược phẩm T.Ư 1 - cho rằng giá kê khai báo cáo bị... nhầm. Đồng thời gửi văn bản cho Sở Y tế Hà Nội thông báo lại thời điểm 31-12-2007, giá nhập khẩu đến cảng VN thuốc Calcium folinate 0,1g là 8,55 USD/ống (thời điểm đó tỉ giá USD là 16.200 đồng/USD), kèm theo lợi nhuận dự kiến 27.702 đồng, chi phí dịch vụ nhập khẩu 83.106 đồng, cộng chung các chi phí này, giá vốn Calcium folinate là 228.542 đồng/ống.

Nhưng điều bất thường là đến ngày 3-3-2011, giá bán mới điều chỉnh của sản phẩm này mới ở mức 183.750 đồng/ống, tức chưa bằng giá vốn đã kê khai thời điểm cách đây gần bốn năm!

Cũng tại quầy thuốc của Công ty Dược phẩm T.Ư 1, thuốc điều trị ung thư Palitaxel 100mg có giá bán trước điều chỉnh là 4.062.660 đồng/lọ, nay tăng thêm 5%, lên 4.265.730 đồng/lọ nhưng giá kê khai từ tháng 7-2008 đã là 5.355.000 đồng/lọ.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, có tới 70% thuốc tăng giá lần này mới ở mức 70% giá kê khai. Cục Quản lý dược từng công bố giá thuốc kê khai nhằm quản lý giá thuốc, nhưng kết quả đã làm thị trường loạn thêm.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên