18/08/2011 06:50 GMT+7

KCN Biên Hòa 1 sẽ thành khu đô thị

HÀ MI
HÀ MI

TT - Để cứu sông Đồng Nai, tỉnh Đồng Nai cho hay đã hoàn thiện một đề án di dời hơn 100 doanh nghiệp ra khỏi Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1 trong vòng mười năm.

Khi đó, KCN này sẽ khoác áo mới và trở thành một khu đô thị kết nối TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu.

ecGVHC5J.jpgPhóng to

Hiện trạng Khu công nghiệp Biên Hòa 1, Đồng Nai - Ảnh: HÀ MI

Nói về đề án chuyển đổi KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị - dịch vụ - thương mại, ông Đinh Quốc Thái, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết: “KCN Biên Hòa 1 hình thành sớm nhất ở miền Nam, vào năm 1963, hạ tầng xây dựng công nghệ cũ, thiếu hệ thống xử lý nước thải đồng bộ đã gây ô nhiễm nặng cho sông Đồng Nai. KCN này đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử nên việc chuyển đổi công năng thành khu đô thị - dịch vụ - thương mại theo chủ trương của Chính phủ nhằm bảo vệ sông Đồng Nai là cần thiết”.

Di dời KCN để cứu sông Đồng Nai

Theo Sở Tài nguyên - môi trường (TN-MT) tỉnh Đồng Nai, tổng lượng nước thải phát sinh tại KCN Biên Hòa 1 khoảng 8.600m3/ngày. Sau nhiều lần giám sát và yêu cầu các doanh nghiệp vi phạm khắc phục hệ thống xử lý nước thải, đến nay tổng lượng nước thải đã được thu gom xử lý đạt khoảng 95%. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra cho thấy nước thải cũng còn một vài thông số chưa đạt quy định, trong đó có các tác nhân về ô nhiễm hữu cơ và vi khuẩn gây bệnh. Tháng 3-2011, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) đã có văn bản chỉ đạo về điều chỉnh tần suất giám sát môi trường KCN này. Theo đó, yêu cầu các nhà máy riêng lẻ phải thực hiện giám sát điểm xả nước thải tối thiểu ba tháng một lần, đồng thời yêu cầu giám sát thêm thông số về kim loại nặng tại bảy vị trí xả nước thải của KCN.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng ô nhiễm ở khu vực sông Đồng Nai và sông Cái (cạnh KCN Biên Hòa 1) vẫn còn tái diễn. Tại khu vực làng cá bè ở P.Thống Nhất, xã An Bình, xã Hiệp Hòa (TP Biên Hòa), có những đoạn nước sông vẫn đục, bốc mùi. Khảo sát cho thấy nhánh sông Cái nằm trên sông Đồng Nai cũng là nguồn tiếp nhận nước thải từ KCN Biên Hòa 1 và các loại nước thải đa dạng, chưa được xử lý tốt từ TP Biên Hòa, từ hoạt động giao thông thủy, nuôi cá bè… nên chất lượng nước chưa đạt yêu cầu, bị ô nhiễm hữu cơ và vi khuẩn gây bệnh như coliform.

Cũng theo Sở TN-MT, kết quả giám sát ô nhiễm ở KCN Biên Hòa 1 vừa qua cho thấy vẫn còn 10 doanh nghiệp nằm trong danh sách gây ô nhiễm gồm: Xí nghiệp may công nghiệp Đồng Nai (Công ty cổ phần tổng hợp gỗ Tân Mai), Công ty TNHH sản xuất hàng mây gỗ Đồng Nai Bochang, Công ty cổ phần Bêtông Biên Hòa, Công ty cổ phần Cơ khí luyện kim, Công ty May Đồng Nai (Donagamex), Công ty TNHH một thành viên Chế tạo động cơ (Vinappro), Công ty gạch men Thanh Thanh, Công ty liên doanh thực phẩm và nước giải khát Dona Newtower, Công ty cổ phần Đường Biên Hòa, Công ty cổ phần Bông vải và kinh doanh tổng hợp miền Đông.

Ưu đãi cao nhất cho doanh nghiệp khi di dời

Theo đề án, khu đô thị - dịch vụ - thương mại có diện tích trên 320ha nằm giáp với xa lộ Hà Nội (gần ngã tư Vũng Tàu) sẽ mọc lên tại KCN Biên Hòa 1 hiện nay. Khu đô thị này bao gồm các tòa nhà chung cư, biệt thự kết hợp với các công trình dịch vụ, thương mại…Giai đoạn 1 (2011-2012), chủ đầu tư vừa tổ chức cho doanh nghiệp di dời vừa xây dựng khu vực phía tây nam và khu vực phía đông bắc của KCN Biên Hòa 1. Giai đoạn 2 (2013-2017) xây dựng khu phía tây dọc bờ sông Cái và khu vực trung tâm cảnh quan chính. Giai đoạn 3 (2018-2022), sẽ xây dựng các khu vực còn lại.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đinh Quốc Thái nói: “Quy hoạch, chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị - dịch vụ - thương mại là một đòi hỏi bức thiết. Tỉnh không thể để tồn tại một KCN lạc hậu, hệ thống xả thải còn chưa đảm bảo đã gây ô nhiễm sông Đồng Nai nhiều năm như vậy. Hơn thế, sông Đồng Nai cung cấp nước sinh hoạt cho dân Đồng Nai và hai phần ba dân số TP.HCM nên không thể để KCN này tồn tại và sẽ tiếp tục gây ô nhiễm”.

Về phương án chuyển đổi công năng, ông Thái cho biết các cơ quan chức năng đã làm việc với 105 doanh nghiệp nằm trong KCN Biên Hòa 1, đa số đều đồng tình nhưng vẫn còn băn khoăn về quyền lợi của họ khi phải di dời. Chủ trương của tỉnh là sẽ bồi thường, hỗ trợ di dời thỏa đáng. Đồng thời, tỉnh cũng giao chủ đầu tư có chính sách hỗ trợ đối với người lao động để các doanh nghiệp di dời ổn định sản xuất và tái đầu tư tại vị trí mới.

Một chính sách đặc biệt khác nữa là tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động tại KCN Biên Hòa 1 đều được ưu tiên tham gia làm cổ đông của một công ty mới sẽ được thành lập để quản lý dự án khu đô thị - dịch vụ - thương mại sau khi chuyển đổi.

Hiện tỉnh đang tính toán với các doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh phù hợp trước mắt sẽ di dời về KCN Giang Điền (huyện Trảng Bom), còn lại sẽ dời đến các KCN Nhơn Trạch I, II, III, IV và Ông Kèo…Theo đề án, việc chuyển đổi công năng này sẽ chia làm ba giai đoạn, đến năm 2022 các doanh nghiệp sẽ di dời xong. Ngay trong quý 4-2011 sẽ có một số doanh nghiệp di dời để chủ đầu tư tiến hành xây dựng hệ thống hạ tầng khu đô thị - dịch vụ - thương mại.

Theo ông Đinh Quốc Thái, quá trình lập đề án tỉnh đã giao chủ đầu tư tính toán sao cho các doanh nghiệp khi di dời không bị ảnh hưởng lớn. Tỉnh Đồng Nai sẽ áp dụng chính sách ưu đãi cao nhất của Chính phủ cho các doanh nghiệp di dời nhằm bảo vệ môi trường trong tương lai.

HÀ MI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên