26/03/2013 05:05 GMT+7

J-League giúp bóng đá nữ Nhật phát triển

NGUYÊN KHÔI thực hiện
NGUYÊN KHÔI thực hiện

TT - Từ chỗ chỉ một lần vào đến tứ kết World Cup 1995 và không có thành tích nào tại Olympic, bóng đá nữ Nhật Bản đã đoạt chức vô địch World Cup 2011 cùng ngôi á quân Olympic London 2012.

TT - Từ chỗ chỉ một lần vào đến tứ kết World Cup 1995 và không có thành tích nào tại Olympic, bóng đá nữ Nhật Bản đã đoạt chức vô địch World Cup 2011 cùng ngôi á quân Olympic London 2012.

Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện cùng ông Kazuo Honda - chủ tịch Giải bóng đá nữ Nhật Bản (L-League) - tại TP.HCM trưa 21-3 để làm rõ hơn thành công của bóng đá nữ Nhật Bản.

Ông Honda cho biết: “Tôi đến TP.HCM vì công việc khác chứ không phải với tư cách chủ tịch L-League, do đó tôi không biết gì nhiều về bóng đá nữ VN. Tôi thành thật xin lỗi về điều này. Tuy nhiên, sau chuyến đi này tôi sẽ nghiên cứu để bóng đá nữ Nhật Bản và VN có thể hợp tác tốt trong tương lai”.

* Từ chỗ không có thành tích gì ở các kỳ World Cup và Olympic, bóng đá nữ Nhật Bản đã làm những gì để có được thành công như hôm nay?

- Đó chính là sự ra đời của L-League năm 1989. Hai năm sau, đội tuyển nữ Nhật Bản giành quyền tham dự World Cup 1991 tại Trung Quốc. Tuy nhiên, yếu tố quyết định cho sự phát triển của bóng đá nữ Nhật Bản là sự ra đời của Giải bóng đá chuyên nghiệp Nhật Bản (J-League) dành cho cầu thủ nam vào năm 1993. Khi đó, mô hình hoạt động của J-League đã được bóng đá nữ áp dụng trong việc tìm kiếm, đào tạo cầu thủ nữ giỏi cũng như mở các lớp đào tạo và nâng cao chuyên môn cho các HLV. Bên cạnh đó, cầu thủ nữ ở các CLB hằng năm sẽ được tham gia lớp huấn luyện kỹ thuật do L-League phối hợp cùng các CLB của Mỹ và Úc tổ chức.

Ngoài ra, bóng đá nữ Nhật Bản cũng thực hiện một dự án lớn gồm ba phần: 1 - Tìm kiếm những cầu thủ U-15 để đào tạo thành những thủ môn xuất sắc cho đội tuyển. Họ không cần kinh nghiệm gì mà chỉ cần cao 1,65m trở lên. 2 - Mở Học viện bóng đá nữ quốc gia Fukushima nhằm đào tạo lứa dự bị cho đội tuyển. HLV ở các địa phương sẽ có nhiệm vụ giới thiệu các cầu thủ U-15 trở lên để đưa vào học viện đào tạo chuyên biệt và thường xuyên cọ xát với các đàn chị. 3- Tận dụng các mối quan hệ để chọn và đưa các cầu thủ nữ giỏi nhất Nhật Bản sang thi đấu các ở các giải nữ VĐQG châu Âu như Đức, Pháp, Mỹ. Điều này không chỉ giúp cầu thủ nữ Nhật phát triển khả năng chuyên môn mà còn giúp họ rèn luyện thể lực và khả năng chịu đựng tính chất khắc nghiệt của bóng đá nữ châu Âu.

* L-League có được hưởng lợi từ thành công của đội tuyển nữ Nhật Bản?

- Chức vô địch World Cup 2011 của đội tuyển nữ Nhật Bản đã khiến người dân Nhật Bản quan tâm nhiều hơn đến bóng đá nữ. Nếu như ngày trước mỗi trận đấu ở L-League chỉ thu hút vài trăm khán giả thì mùa rồi bình quân là 3.000 người/trận. Những trận cầu đinh giữa hai đội bóng đang nằm ở tốp đầu có khi thu hút hơn 10.000 khán giả. Bên cạnh đó, các trận đấu ở L-League được Sky Perfect TV chọn truyền hình trực tiếp nhiều hơn và dự kiến truyền hình trực tiếp tất cả các trận đấu ở mùa bóng 2013.

Kết thúc mùa giải 2012, LĐBĐ Nhật Bản (JFA) đã mời CLB nữ đương kim vô địch châu Âu Olympique Lyon cùng CLB nữ vô địch Úc Canberra United sang tham dự Giải tứ hùng nữ quốc tế Toyota Cup lần đầu tiên cùng hai CLB nữ trong nước là INAC Kobe Leonessa (vô địch L-League 2012) và NTV Beleza (vô địch Cúp quốc gia 2012). Năm nay, JFA dự định mời hai CLB mạnh của Brazil và Mỹ sang thi đấu. Được cọ xát với những đối thủ chất lượng như thế thì các CLB nữ của Nhật Bản sẽ càng phát triển hơn.

* Cầu thủ nữ Nhật Bản có chơi bóng đá chuyên nghiệp hay không?

- Bóng đá nữ Nhật Bản chỉ có vài cầu thủ được ký hợp đồng chuyên nghiệp do các CLB nữ của Nhật Bản mới chỉ là CLB bán chuyên nghiệp nên các cầu thủ đều đi làm ở các công ty, xí nghiệp. Sau khi đi làm về (lúc 15g) họ mới bắt đầu tập luyện bóng đá. Phần lớn cầu thủ nữ làm việc ở các công ty của nhà tài trợ chính của CLB mình thi đấu. Thu nhập của họ từ 1.800-2.000 USD/tháng, đủ yên tâm để sống với niềm đam mê của mình.

* Bóng đá nữ ở VN không được quan tâm và đầu tư nhiều như bóng đá nam. Tại Nhật Bản thì sao? Và làm thế nào để có thể thay đổi điều đó?

- Trước đây bóng đá nữ Nhật Bản cũng bị đối xử như vậy. Mọi thứ chỉ thay đổi khi bóng đá nữ Nhật Bản dần chứng tỏ được năng lực của mình ở các giải đấu quốc tế. Và khi ấy bóng đá nữ mới bắt đầu được quan tâm đầu tư nhiều hơn. Tôi nghĩ việc châu Á có thêm suất tham dự VCK World Cup 2015 và việc đội tuyển nữ CHDCND Triều Tiên không được tham dự là cơ hội lớn cho các đội bóng khác, trong đó có nữ VN, nắm bắt. Việc góp mặt tại VCK một kỳ World Cup chắc chắn sẽ khiến bóng đá nữ VN được đầu tư tốt hơn.

* Theo ông, làm cách nào để bóng đá nữ VN có thể phát triển được như bóng đá nữ Nhật Bản?

- Giải bóng đá nữ VĐQG của các bạn có sáu đội tham dự như thế thì quá ít để có thể tìm kiếm và đào tạo các tài năng mới cho đội tuyển. Nhưng không phải chỉ lo tìm kiếm và đào tạo cầu thủ tài năng, các bạn cũng nên nâng chất cho lực lượng HLV bóng đá nữ. Trò giỏi mà thầy không giỏi cũng không thể đào tạo nên lứa cầu thủ tốt. Ngoài ra, HLV giỏi sẽ nhìn ra được cầu thủ nữ giỏi. Ở Nhật Bản, chúng tôi làm rất tốt việc này khi liên tục mở lớp bồi dưỡng cho các HLV.

* Ông có nghĩ rằng kinh tế đã góp phần quan trọng giúp bóng đá nữ Nhật Bản phát triển?

- Kinh tế rõ ràng là yếu tố ảnh hưởng lớn cho sự phát triển của bóng đá, đặc biệt là bóng đá nữ. Ở cấp độ quản lý, chúng tôi hay các CLB sẽ nhận được nhiều hợp đồng tài trợ. Như L-League hiện có sáu nhà tài trợ chính cho giải, trong khi các CLB nữ có nhiều nhà tài trợ chung tay góp sức. Điều đó khiến các cầu thủ nữ yên tâm theo đuổi và thực hiện ước mơ của mình.

Vài nét về L-League

Từ sáu đội ban đầu khi giải mới thành lập vào năm 1989, L-League tăng lên tám đội vào năm 2000 và lên mười đội vào năm 2010. Điều đáng nói là 5/10 đội ở L-League trực thuộc năm CLB chuyên nghiệp ở J-League. Năm 2004, L-League được chia làm hai cấp độ với tên gọi Nadeshiko League (hạng nhất) và Challenge League (hạng nhì) và có thêm Cúp quốc gia nữ. Từ tám đội tham dự vào năm 2006, Challenge League hiện đã có 16 đội tham dự. L-League cho các CLB đăng ký năm cầu thủ ngoại (thi đấu ba). Ngày trước, L-League có nhiều cầu thủ nữ đến từ Thụy Điển, Na Uy, Canada và Mỹ, nhưng giờ chỉ còn hai cầu thủ quốc tịch Mỹ thi đấu ở Nadeshiko League 2013.

NGUYÊN KHÔI thực hiện

NGUYÊN KHÔI thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên