Đạo diễn Jean-Luc Godard vào năm 2010 - Ảnh: Gaetan Bally/Keystone/Corbis
Báo The Guardian nhận định đạo diễn Jean-Luc Godard là nhân vật chủ chốt của Làn sóng mới (tiếng Pháp là Nouvelle Vague), trào lưu tạo nên cuộc cách mạng điện ảnh vào thập niên 1950 và 1960.
Sinh năm 1930, Jean-Luc Godard là đạo diễn, biên kịch và nhà phê bình phim. Ông là người tiên phong trong Làn sóng mới của điện ảnh Pháp và được nhiều người cho là nhà làm phim người Pháp có tầm ảnh hưởng lớn nhất thời hậu chiến.
Theo AllMovie, Godard cách mạng hóa điện ảnh thông qua lối tường thuật, tính tiếp nối, cách sử dụng âm thanh và camera trong các tác phẩm của ông. Phim của ông thách thức các quy ước cũ của điện ảnh Pháp lẫn Hollywood.
Jean-Paul Belmondo và Jean Seberg trong Breathless, phim đầu tay của Jean-Luc Godard - Ảnh: NEWYORKER
Jean-Luc Godard có nhiều phim nổi bật, ghi dấu ấn sâu đậm trong nền điện ảnh lẫn văn hóa đại chúng. Breathless là phim đầu tay của ông, do Jean-Paul Belmondo và Jean Seberg đóng chính, đưa Belmondo thành ngôi sao, mang về cho ông giải Đạo diễn xuất sắc ở Liên hoan phim Berlin.
Le Petit Soldat là bộ phim Godard làm để phản ánh việc Chính phủ Pháp cho phép hình thức tra tấn, bị cấm cho đến năm 1963. Nhưng đây cũng là bộ phim giúp ông gặp người vợ tương lai của mình, nữ diễn viên Anna Karina, và cũng khẳng định câu cách ngôn nổi tiếng của ông: "Điện ảnh thực sự là ở tốc độ 24 khung hình một giây".
A Woman Is a Woman có sự tham gia của Karina cùng Belmondo, đoạt nhiều giải thưởng ở Liên hoan phim Berlin. Contempt là phim kinh điển về giới làm phim, có Michel Piccoli, Brigitte Bardot, Jack Palance và Fritz Lang đóng. Alphaville là sự kết hợp kỳ lạ giữa phim noir và khoa học viễn tưởng.
Brigitte Bardot và Michel Piccoli trong phim Contempt - Ảnh: Nana Productions/REX
Trong thập niên 1960, Godard cũng có nhiều hoạt động chính trị song song với hoạt động làm phim, và giữ quan điểm chính trị cứng rắn. Ông đồng tình với việc dừng tổ chức Liên hoan phim Cannes năm 1968 để ủng hộ một nhóm sinh viên nổi loạn ở Paris.
Vào thập niên 1970 và 1980, do lập trường chính trị cứng rắn, các tác phẩm của Godard mất dần sức ảnh hưởng về nghệ thuật.
Đến năm 2001, ông đánh dấu sự trở lại với điện ảnh khi làm phim In Praise of Love dự Liên hoan phim Cannes. Năm 2010, ông nhận giải Oscar danh dự và ra mắt phim Film Socialisme.
Năm 2014, ông đoạt giải Giải thưởng của ban giám khảo tại Liên hoan phim Cannes với phim Goodbye to Language. Năm 2018, phim Image Book của ông dự tranh Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes.
Jean-Luc Godard và "nàng thơ" Anna Karina ở Liên hoan phim Cannes 1962 - Ảnh: Sipa Press/Rex/Shutterstock
Trong một cuộc thăm dò ý kiến của Sight & Sound năm 2002, Godard đứng thứ 3 trong 10 đạo diễn hàng đầu trong mắt các nhà phê bình mọi thời đại. Năm 2010, ông được trao Giải thưởng danh dự của Viện hàn lâm Nghệ thuật và Khoa học điện ảnh Mỹ (AMPAS), nhưng không tham dự lễ trao giải.
Jean-Luc Godard được biết đến nhiều nhất với phong cách quay phim mang tính biểu tượng, dường như ngẫu hứng và chủ nghĩa cấp tiến không khuất phục.
Ông ghi dấu ấn với một loạt phim ngày càng mang tính chính trị trong thập niên 1960, rồi tái sinh sự nghiệp gần đây khi thử nghiệm cách làm phim với công nghệ kỹ thuật số.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận