10/11/2012 06:03 GMT+7

Ít tiền vẫn làm được festival

CÁT KHUÊ
CÁT KHUÊ

TT - Lần đầu tiên tại VN, Liên hoan quốc tế phim nhân học (*) - Tuổi Trẻ ngày 2-11 - được tổ chức, khai mạc vào 19g hôm nay 10-11 tại Nhà hát TP.HCM và kéo dài trong bốn ngày (từ 10 đến 14-11).

4earOtTS.jpgPhóng to
Ảnh: Cát Khuê
Phó giáo sư - tiến sĩ Bùi Quang Thắng (ảnh) đến từ Viện Văn hóa nghệ thuật VN chính là “nhạc trưởng” của liên hoan phim thú vị và bổ ích này. Ông đã chia sẻ với Tuổi Trẻ những kinh nghiệm trong cách thức tổ chức một liên hoan phim mang tầm cỡ quốc tế nhưng lại tốn rất ít tiền.

* Từ ý tưởng nào mà ông quyết định tổ chức một liên hoan phim nhân học tại VN?

- Thật ra việc chúng tôi làm liên hoan (festival) phim nhân học sẽ là khởi đầu cho một loạt festival về nghệ thuật nói chung. Xuất phát từ một thực tế rất căng thẳng là chúng ta đang lạm dụng việc tổ chức festival một cách khá bừa bãi. Có những festival, theo tôi, đã tiêu tiền nhà nước phí phạm, bao nhiêu tiền dồn vào lễ khai mạc và bế mạc, văn hóa mang lại cho người dân rất ít. Trong khi đó với số tiền tương tự, các nước họ làm festival với các giá trị nghệ thuật tốt nhất, người dân sẽ được hưởng thụ văn hóa với giá rẻ. Festival phải mang lại các giá trị văn hóa chứ không phải như chúng ta xin được tiền thì làm, không thì thôi và không bao giờ lấy việc phát triển khán giả đặt lên hàng đầu.

Tôi khẳng định mô hình làm festival ở nước ngoài có thể làm ở VN. Tôi đã ứng dụng cách làm này ở các lễ hội như tịch điền, Kiếp Bạc, Lam Kinh, Lảnh Giang... và thấy đã được thừa nhận. Tôi chuyển qua bước thứ hai là làm các sự kiện đương đại. Tôi không làm các sự kiện mang tính lễ lạt kỷ niệm thông thường, tôi muốn tổ chức và quản lý festival. Festival phim nhân học chính là một bước thử nghiệm đầu tiên, ít tốn tiền và lại có hiệu quả, có khả năng gây tiếng vang.

* Lễ lạt bao giờ cũng đi kèm với tốn kém, người ta luôn hình dung tổ chức một festival sẽ cần một bộ máy khổng lồ, kinh phí không nhỏ. Bởi thế nên tuyên bố làm festival ít tốn tiền có lẽ sẽ được quan tâm, thưa ông?

"Festival phải mang lại các giá trị văn hóa, phải lấy việc phát triển khán giả đặt lên hàng đầu"

PGS.TS Bùi Quang Thắng

- Kể ra cũng là một nghịch lý, vì chúng tôi vẫn đứng danh nhà nước để tổ chức festival này (cụ thể ở đây là bốn cơ quan: Viện Văn hóa nghệ thuật VN, Sở VH-TT&DL TP.HCM, ĐH Văn hóa TP.HCM, Trung tâm Nghệ thuật lưu trữ điện ảnh TP.HCM, đối tác là ĐH KHXH&NV TP.HCM) nhưng tôi đã xác định dù là tiền nhà nước chúng tôi cũng sẽ tiêu rất ít tiền. Nguyên tắc tổ chức festival thì cách tìm đối tác tốt nhất là cho đối tác thấy lợi ích của họ khi tham gia hoạt động này (tiền của và công sức) và khả năng tương hỗ ra sao. Ví dụ như tại sao chúng tôi mời ĐH KHXH&NV TP.HCM vì họ có một lượng sinh viên khoa nhân học đông đảo, ĐH Văn hóa TP.HCM thì đang muốn quảng bá rằng họ là trường đại học đầu tiên ở VN đưa môn nhân học vào chính khóa...

Để có festival này, người quản lý như tôi phải có kế hoạch chi tiết đến chi li trước thời gian diễn ra festival một năm. Tôi phải tính để thật sự không có tham nhũng ở đây. Hiện tại tôi đang làm việc không công vì ở ta chưa có chức danh giám đốc một festival, chúng tôi chỉ biết bổ sung thông tin, kết nối các bên để đẩy tiến độ công việc. Đã có 18 nhà làm phim nhân học ở nước ngoài tự bỏ tiền túi bay sang VN.

sSZewWPb.jpgPhóng to

Một trong những bộ phim nhân học kinh điển - Chim chết (Dead birds) của Robert Gardner - sẽ được trình chiếu và tọa đàm trong Liên hoan quốc tế phim nhân học - Ảnh: der.org

* Trả lời trên một tờ báo, ông bày tỏ lo lắng: có thể các phim ông muốn chiếu trong liên hoan sẽ không qua được cửa duyệt của Cục Điện ảnh. Cuối cùng thì sao?

- Chúng tôi nhận được hơn 70 phim, sau giám tuyển chúng tôi chọn được 55 phim và gửi cho Cục Điện ảnh duyệt, cuối cùng chỉ có 45 phim được chấp nhận trình chiếu. Có nhiều phim rất đáng tiếc như Trong hay ngoài tay em của Trần Phương Thảo làm cùng chồng (Tuổi Trẻ ngày 6-6) hay phim Nhật thực rất nổi tiếng với khán giả yêu thích phim nhân học châu Âu đã bị từ chối không chính thức. Riêng phim Koriam’s law của nhà làm phim Gary Kildea - người được các nhà làm phim nhân học trên thế giới coi là bậc thầy - chỉ được cục duyệt cho phép chiếu một lần duy nhất ở liên hoan phim này. Đáng tiếc nữa là phim VN vốn đã ít lại bị gạt nhiều quá, điều này sẽ làm cho sự thành công về mặt giao lưu học hỏi nếu có của festival sẽ bị giảm đáng kể...

* Ông Võ Trọng Nam - phó giám đốc Sở VH-TT&DL TP.HCM - có nói: “Đà Lạt đã có lễ hội hoa, Bến Tre có lễ hội dừa, TP.HCM đang cố gắng tìm cho mình một “nhãn hiệu” riêng và rất vinh dự đăng cai Liên hoan quốc tế phim nhân học lần đầu tiên, hi vọng thành công tốt đẹp và trở thành liên hoan phim quốc tế truyền thống tại thành phố với chu kỳ hai năm một lần”. Ông nghĩ sao về mong muốn này?

- Nỗ lực của chúng tôi sẽ là nỗ lực ban đầu, chúng tôi là người gieo hạt và ý kiến của anh Võ Trọng Nam là một ý kiến tôi vô cùng trông đợi! Chúng tôi không chờ đợi liên hoan phim này sẽ mang lại hiệu quả về du lịch, càng không chờ đợi mang lại hiệu quả kinh tế trước mắt nhưng hiệu quả văn hóa thì thấy rõ. Và tôi tin rằng bất kỳ một thành phố văn minh phát triển nào trên thế giới cũng mong chờ có một liên hoan phim nhân học riêng của họ.

_________________

(*) 45 phim từ 17 quốc gia sẽ được trình chiếu miễn phí tại Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, ĐH Văn hóa và Trung tâm Nghệ thuật và lưu trữ điện ảnh. Lịch chiếu phim chi tiết có thể tham khảo tại website anthrofilmfestival.com.

CÁT KHUÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên