09/03/2014 16:07 GMT+7

Internaut trong thế giới Internet

TS LÊ THANH HẢI
TS LÊ THANH HẢI

TTCT - Rất nhiều người tự đặt câu hỏi tại sao mình lại dễ dàng chia sẻ những điều thầm kín với một người lạ chưa gặp bao giờ trên Internet đến như thế? Và người ta còn rất dễ dàng yêu nhau qua mạng hơn là ở ngoài đời nữa.

Thế giới ảo & thực: Trào lưu tự thúĐể đừng “đẽo cày giữa đường”

u5m1MqIi.jpg
Minh họa: Bích Khoa

Trong thế giới Internet, người ta không còn là mình mà dần trở thành một Internaut (*), giống như một nhà du hành trong thế giới lạ vậy.

Khoảng cách đạo đức bị công nghệ thông tin cắt ngắn

Trong thế giới tự nhiên mà chúng ta đang sống, có một hệ tọa độ chi phối rất nhiều hành vi của con người mà bình thường bản thân ta sẽ không chú ý tới, được giáo sư nhân học người Mỹ Edward Hall gọi là “hidden dimension”. Được tạo thành qua thời gian sống trong một xã hội cố định, ta có thói quen giữ một khoảng cách nhất định đối với đồ vật và con người xung quanh.

Quay một đoạn phim về cảnh nói chuyện giữa một người Nhật và một người Mỹ, các nhà nghiên cứu phát hiện thấy người Nhật cứ tiến tới phía trước để giữ khoảng cách gần như trong cuộc sống hằng ngày, còn người Mỹ thì lùi ra để giữ khoảng cách mà anh ta đã quen coi là gần gũi từ bé, hai người cứ “đuổi” nhau quanh phòng.

Như giáo sư truyền thông Rogers Silverstone đã xây dựng thành lý thuyết, khoảng cách trong xã hội chính là đơn vị cơ bản để đo luân lý đạo đức trong xã hội đó. Chúng ta không bao giờ cho phép kẻ thù đến gần mình, giữ một khoảng cách lịch sự đối với người lạ, gần gũi với người thân và chỉ chung chăn gối với người mà ta đặt hết lòng tin cậy.

Khoảng cách xã hội đó rút xuống còn zero khi ta gặp một người lạ trên mạng Internet, và không cần phải chung chăn gối với người đó trong không gian vật lý, ta đã vô tình đặt hết lòng tin vào nơi con người này mất rồi.

Ta thử tưởng tượng một cô gái mặc trên người bộ quần áo ngủ, ngồi trên giường, trong chăn, cảm thấy thoải mái trong không gian rất riêng tư của mình, cầm trên tay chiếc điện thoại thông minh, hay iPad, và máy tính xách tay, trao đổi với một chàng trai qua mạng Internet.

Như vậy rõ ràng là về mặt không gian xã hội thì chàng ta cũng đang ngồi trong chiếc chăn đó, trên chiếc giường đó, chỉ thiếu sự đụng chạm chung chạ về mặt vật lý mà thôi. Còn gì ngăn họ nói lời yêu đương và chia sẻ mọi nỗi niềm nữa?

Trong một hoàn cảnh khác, cô gái mặc bộ đồng phục công sở, ngồi trên bàn làm việc ở cơ quan, bực bội với lãnh đạo và đồng nghiệp, nhưng qua một góc nhỏ trên màn hình máy tính cô có thể chia sẻ cho một người lạ về cảm xúc của mình và sẵn sàng đón nhận lời khuyên của người đó về cuộc sống, công việc và những quyết định gần nhất.

Sống bó buộc trong một thế giới chật hẹp, bỗng dưng gặp được vô số những thông tin mới vô cùng thuyết phục, rực sáng như một cứu cánh hay là điều tốt đẹp đang sắp đến với mình, thì những điều chợt đến từ một người xa lạ có gì để mà ta khó tin và không làm theo? Đó là công thức đơn giản nhất để lừa đảo, mà trên Internet thì sẽ không mất nhiều thời giờ để tiếp cận đối tượng.

Cách suy nghĩ đơn giản và thường gặp khi đề cập những vấn đề như trên trong thế giới Internet là ngăn cản và giới hạn, giống như lúc bé ta bị bố mẹ cấm ra đường chơi vì sợ xe cộ, cấm nghịch nước vì sợ chết đuối, cấm gặp người lạ vì sợ bị bắt cóc, cấm gặp bạn trai vì sợ bị lừa đảo.

Internet cũng là một phần của xã hội giống như những điều vừa kể, có những tương tác (interact) đặc thù trong giao diện (interface) riêng của một không gian đặc biệt (cyber-space) mà ta cần học và làm quen dần nếu muốn đi vào.

Cũng giống như sau khi mua một chiếc xe máy, bạn cần phải tập điều khiển quanh vòng số 8 để được cấp bằng lái, rồi chạy chầm chậm quanh khu phố cho quen đường vắng, sau dần ra đường đông, rồi những đoạn xa lộ, khi đã quen thì không ngại đi đến những miền đất xa lạ và sử dụng môtô phân khối lớn phóng trên đường cao tốc.

Thế giới Internet cũng như vậy, nơi mà trẻ con ở các nước phát triển đã được tập làm quen từ khi còn bé. Chương trình truyền hình ở Anh dành cho lứa tuổi mẫu giáo đã sử dụng các loại máy tính bảng (tablet) làm công cụ và trang mạng kèm theo được thiết kế sẵn trò chơi để vừa giải trí vừa học tập, cho các bé tự bấm vào chơi, không làm phiền đến cha mẹ.

Giáo trình lớp 1 đã yêu cầu các em về nhà cùng bố mẹ tìm thông tin trên Wikipedia và các nguồn khác để đối chiếu và làm bài tập về nhà về một nhân vật lịch sử nào đó. Từ bé các em đã được chính bố mẹ mình cùng nhà trường dạy cách truy cập và xử lý thông tin, biết đặt niềm tin chính đáng vào ai và tận dụng công nghệ mới như thế nào.

Để sống trong thế giới của... glocalism

Cũng cần chú ý thêm rằng những gì đang diễn ra trong thế giới Internet không phải là một không gian ảo giác gì cả, mà chính là cầu nối và điểm giao của những trào lưu đang diễn ra trong một thế giới thật của glocalism.

Đây là cách ghép giữa hai chữ toàn cầu (global) và địa phương (local) để các học giả mô tả chính xác những gì đang diễn ra xung quanh ta, thế giới ngày càng toàn cầu hóa nhưng cũng rất địa phương hóa, và mỗi người chúng ta đều đang sống trong một ngôi làng toàn cầu, với chữ “làng” được nhấn mạnh.

Mọi thứ ở trong ngôi làng này đều có liên quan tới vô vàn những ngôi làng khác trên thế giới và thông tin biến chuyển không ngừng - đêm ở nơi này là ngày ở nơi kia. Sống trong một không gian như vậy khiến con người ta nghiện cảm giác liên tục thay đổi, thỉnh thoảng cứ phải vào Facebook hay một trang mạng nào đó để xem chuyện gì đang xảy ra với những người khác, và bản thân mình trước khi ăn sẽ không quên chụp ảnh để share với mọi người.

Quen dần với tốc độ thay đổi đồng nghĩa với việc những mối quan hệ xã hội trong Internet cũng dễ dàng bị xóa bỏ giống như lúc dễ dàng được kết nối vậy. Không chỉ tình yêu với Internaut hay sự tin cậy đối với các trang mạng, mà ngay cả toàn bộ một khối bạn bè đã kết nối cũng dễ dàng bị ta “quên khuấy mất” sau khi tạm đóng cửa tài khoản trên mạng xã hội, hay bị mất và hỏng máy hoặc thẻ nhớ khiến toàn bộ hình ảnh đã chụp mất hết.

Đó là lý do tại sao con người vẫn có thiên hướng tìm về những gì bền chặt và vẫn còn thời gian để ngẫm nghĩ, giống như là đọc bài báo này vậy - điều mà bạn sẽ khó làm được trên Internet, nơi người ta chỉ dành ra vài chục giây để đọc và nắm bắt một “bài viết” nào đó, mà thường chỉ là một câu gói gọn trong 25-words-pitch, như một nghiên cứu về sự chú ý được các nhà viết kịch bản ở Hollywood áp dụng.

Tất cả những điều vừa kể đã trở thành kiến thức phổ thông ở các nước phát triển, nhưng đối với nhiều thế hệ trẻ ở Việt Nam vẫn còn là những điều mới lạ.

Tuy nhiên, ta vẫn có thể áp dụng những kiến thức vốn có của mình để giao tiếp trên mạng Internet, đó là cẩn trọng hơn khi gặp người lạ, luôn nhắc nhở mình về nguy cơ do khoảng cách đạo đức đã bị công nghệ thông tin cắt ngắn như đã mô tả ở trên. Mỗi lần vấp ngã sẽ là bài học cho chính bản thân ta đứng dậy và có thêm kinh nghiệm đối nhân xử thế.

Ta cần nhớ rằng cuộc sống vẫn còn những mối quan hệ khác như gia đình, bạn bè thân thiết đã qua thử thách từ thuở nhỏ, và vẫn còn những nhịp cầu đã được thẩm định trên những quyển sách hoặc tờ tạp chí yêu thích. Đó là nơi mà ta có thể chia sẻ những vấp ngã của bản thân để giúp người khác tránh thoát, có thể tạo được một mạng xã hội - social network - cân bằng lại ảnh hưởng của mạng xã hội trên Internet.

Không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả nước Anh, hay nhiều nước có nền giáo dục phát triển trên thế giới, đã có trường hợp trẻ vị thành niên bị hiếp đáp (bully) trên mạng và do đời sống khép kín không có thêm những mối quan hệ khác để cân bằng lại đã tự kết liễu đời mình.

Dân mạng ở Việt Nam hay dùng từ “ném đá” để mô tả hiện tượng ai đó lỡ chia sẻ tâm sự lên mạng và bị cả cộng đồng xông vào chỉ trích, có khi còn quá lố hơn bình thường do hiệu ứng đám đông, phải gánh chịu những chấn động tâm lý nặng nề dẫn theo nhiều quyết định sai lầm trong cuộc sống.

Thế nhưng nếu biết tiết chế và điều khiển cảm xúc thì những cú va đập sẽ trở thành liều thuốc giúp ta kháng cự được những biến cố lớn sau này trong cuộc đời, và sử dụng mối quan hệ mạng để xây dựng sự nghiệp thành công.

Internet là đường truyền đưa biển lớn vào trong phòng ngủ của ta, nhưng cũng là cây cầu đưa ta bước thẳng từ ngôi làng nhỏ bé của mình ra toàn cầu, gặp gỡ những con người và cuộc sống cùng cơ hội và thử thách ở mọi nơi. Gặp ai, kết bạn với ai, chia sẻ với người nào, ủng hộ nhóm nào và tin vào điều gì là những chuyện mà ta hoàn toàn chủ động quyết định.

Ta yếu kém chậm phát triển hay tự tin đủ nghị lực để làm bạn với tất cả các bạn trẻ khác trên thế giới? Đó là câu hỏi mà chính mỗi chúng ta sẽ luôn trả lời qua mỗi cú click của mình trên mạng Internet.

(*): Internaut: theo từ điển Oxford có nghĩa là người sử dụng thuần thục Internet, còn theo Urban Dictionary thì Internaut ghép từ Inter (Internet) + Naut (tiếng Hi Lạp có nghĩa là thủy thủ - sailor), ám chỉ người suốt ngày lang thang trên mạng, còn được gọi là Webnaut.

TS LÊ THANH HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên